10 bước cho một lãnh đạo lớn - phần 2
Lượt xem: 12,623Kể cả khi bạn chỉ là một nhân viên quèn, bạn vẫn có thể trở thành một lãnh đạo. Một lãnh đạo tuyệt vời. Chỉ cần bạn biết cách. Và dưới đây là 5 bước tiếp theo.
6. Tự quyết. Người lãnh đạo giỏi là người biết lúc nào nên khuyến khích nhân viên cùng nhau bàn bạc để đi đến quyết định, và lúc nào cần hành động đơn phương.
Quan điểm hợp tác ngày nay thường quá nhấn mạnh đến việc đưa ra quyết định dựa trên sự đồng thuận. Thông thường, kết quả đạt được sẽ là một ý tưởng nhạt nhẽo mà phải mất nhiều thời gian mới đưa ra được. Rất khó có được một ý tưởng thật sự táo bạo mà lại được tất cả mọi người tán thành.
Nhìn chung, những lãnh đạo lớn thường thu thập một số đóng góp vừa phải, sau đó tự mình đưa ra những quyết định táo bạo.
7. Hiểu biết vừa đủ về chuyên môn. Bạn không cần thiết phải là một chuyên gia, không cần biết tường tận về những công nghệ hay khoa học chứa đựng trong sản phẩm của mình. Thực tế, nếu dành quá nhiều thời gian tìm hiểu công nghệ chuyên môn cao cấp thì bạn sẽ chẳng còn lúc nào cho việc lãnh đạo. Bạn chỉ cần biết vừa đủ về những lĩnh vực đó để hiểu được chúng, đặt câu hỏi về chúng và định hướng cho các chuyên gia kỹ thuật.
Thông thường, cách tốt nhất chính là tranh thủ học hỏi. Hãy gọi cho một chuyên gia trong hoặc ngoài cơ quan, và nói với họ "Chào anh/chị, anh chị có thể cho tôi gặp ít phút để giúp tôi có được một kiến thức tổng quát nhất về một lĩnh vực nào đó không?"
8. Biết quản lý thời gian. Lúc nào bạn cũng sẽ luôn có một câu hỏi thường trực trong đầu: "Liệu đây có phải là cách sử dụng thời gian khôn ngoan không?". Không gì quan trọng hơn là cố gắng tận dụng thời gian của bạn. Đừng trông mong vào một thiết bị hỗ trợ cá nhân (PDA), hay một cái máy nhắc việc hàng ngày, hay một hệ thống sắp xếp giấy tờ..., hãy tự mình quản lý thời gian của mình.
Những lãnh đạo làm việc hiệu quả không phải là những người vội vã, nhưng họ biết thời gian chính là thứ giá trị nhất đối với họ. Họ rất hà tiện về thời gian. Điều đó có nghĩa là hãy nói không hoặc giao việc cho nhân viên, và dùng thời gian vào việc khác cần thiết hơn. Điều đó cũng có nghĩa là không phải việc gì cũng cần làm thật hoàn hảo. Đôi khi, vừa đủ là tốt rồi. (Quan trọng là biết lúc nào làm vừa đủ là tốt rồi!)
9. Quan tâm đến hình thức. Dù gì thì chúng ta cũng đang sống trong một xã hội nông cạn và bị ám ảnh bởi sắc đẹp. Vì vậy, nếu bạn trông không ưa nhìn, bạn sẽ tự tạo ra một vài trở ngại cho chính mình. May mắn thay, lãnh đạo không nhất thiết phải đẹp như những minh tinh Hollywood. Nhưng chải chuốt một chút để thuyết phục tất cả những con người nông cạn kia rằng bạn là một lãnh đạo, cũng chẳng phải thừa.
Hãy mặc những bộ đồ đẹp không bao giờ lỗi mốt. Chọn kiểu tóc và trang điểm thật giản dị. Bí quyết: Nếu bạn không giàu có, hãy mua quần áo rẻ nhưng phải mới, hãy đến những cửa hàng mà bạn có thể tiết kiệm tối đa, những nơi bạn có thể mua được đồ rẻ nhưng vẫn tốt như đồ đắt.
10. Làm việc chăm chỉ. Bạn chỉ muốn làm việc 40 giờ một tuần, tốt thôi, nhưng đã thế thì đừng mơ đến việc trở thành một lãnh đạo lớn nhé. Nói gì thì nói, muốn thành đạt, không có cách nào khác là làm việc chăm chỉ và làm việc một cách khôn ngoan. Không chỉ làm việc để đạt được nhiều thành công, một lãnh đạo mẫn cán còn tạo ra tấm gương tốt cho nhân viên của chính họ noi theo.
Lãnh đạo lớn, đó là những người trung bình hàng tuần làm việc đến hơn 60 giờ. Nhưng những gì bạn nhận được còn lớn hơn thế: Là một lãnh đạo giỏi, được nhân viên yêu quý tại một doanh nghiệp thành đạt, chính là cách tốt nhất để bạn biết mình đang sống một cuộc sống có ý nghĩa.