10 câu hỏi giúp bạn làm chủ cuộc phỏng vấn
Lượt xem: 25,341Đối với nhiều người, cuộc phỏng vấn xin việc như một cuộc thẩm tra. Đó là do tất cả những gì họ làm là trả lời và không có bất cứ câu hỏi nào. Làm như vậy bạn sẽ càng bị động hơn và khó kiểm soát mọi tình huống trong cuộc phỏng vấn.
Jonathan Milligan, một người đào tạo và tư vấn nghề nghiệp, cho biết: “Ở một thời điểm nhất định nào đó trong cuộc phỏng vấn, nhà tuyển dụng sẽ cho phép bạn đặt câu hỏi. Và đây cũng là cơ hội để bạn thể hiện niềm hứng thú với công việc cũng như xác định bạn có thực sự phù hợp với vị trí hay không. Hãy tận dụng thời cơ này bằng cách đặt ra những câu hỏi “đắt giá” và ghi điểm với người phỏng vấn”.
Các chuyên gia tuyển dụng xác định 5 mảng câu hỏi bạn có thể đạt ra để đặt mình vào thế có lợi và góp phần kiểm soát cuộc phỏng vấn:
Câu hỏi xác định điểm yếu của công ty:
* Một trong những vấn đề lớn nhất của công ty mà một người với trình độ như tôi có thể góp phần cải thiện là gì?
* Nếu tôi bắt đầu công việc này vào ngày mai, 2 ưu tiên cấp bách nhất tôi cần làm là gì?
Câu hỏi xác định vị trí của công ty trên thị trường:
* Công ty chúng ta sẽ có vị trí như thế nào trong 5 năm tới?
* Mục tiêu ngắn hạn cũng như dài hạn của công ty là gì?
Câu hỏi quyết định bạn có thể phù hợp với công ty không:
* Anh/ chị có thể mô tả một chút về văn hoá của công ty không?
* Những phẩm chất như thế nào của một nhân viên sẽ gây ấn tượng với tổ chức?
Câu hỏi thể hiện sự hứng thú của bạn với công việc:
* Tôi có thể cung cấp thêm thông tin gì bản thân mình nữa hay không?
* Bước tiếp theo tôi cần làm trong quá trình tuyển dụng là gì?
Câu hỏi mang tính chuyên sâu về lĩnh vực:
* Anh/ chị có thể giải thích rõ hơn những điều đã nói về…?
* Anh/ chị có thể đưa ra ví dụ về…?
Bill Denyer, một chuyên gia đào tạo và phát triển nghề nghiệp, nói: “Bằng cách yêu cầu sự giải thích rõ ràng hoặc đưa ra ví dụ, bạn chứng tỏ với người phỏng vấn rằng mình quan tâm và suy nghĩ sâu sắc về những vấn đề họ mang đến”. Ông đề nghị ứng viên nên ghi chép trong cuộc phỏng vấn, sử dụng những keyword để giúp bạn ghi nhớ những điều đã thảo luận, thay vì chép hết tất cả mọi điều mọi người nói.
”Điều bạn không nên làm là đặt ra câu hỏi mà câu trả lời đã quá rõ ràng”, Susan RoAne, tác giả cuốn sách “Mặt đối mặt: Làm thế nào để phục hồi cảm giác cá nhân trong thế giới kĩ thuật số”, đưa ra lời khuyên. “Bạn thực sự cần phải làm “bài tập về nhà”. Trước cuộc phỏng vấn, hãy lên trang web của công ty, sử dụng các công cụ tìm kiếm và các mạng lưới xã hội để tham khảo ý kiến của những người biết về công ty”.
Và không bao giờ hỏi người phỏng vấn những câu hỏi như: “Kì nghỉ của công ty kéo dài bao lâu?” hay “Công ty chuyên làm về lĩnh vực gì?”, Roane bổ sung.
Một vài chuyên gia đề nghị hãy chờ đợi cho tới khi người phỏng vấn đưa ra câu hỏi: "Bạn có câu hỏi gì không?" trong khi một số khác lại đề nghị khi nhà tuyển dụng có cuộc nói chuyện cởi mở, bạn mới nên đặt ra những câu hỏi thích hợp. Milligan cho biết: "Điều đó phụ thuộc vào từng tình huống. Nếu người phỏng vấn nhìn vào giấy để đọc câu hỏi, đừng ngắt lời họ và chờ đợi. Còn nếu nhà tuyển dụng nói chuyện một cách ngẫu nhiên, cởi mở, bạn có cơ hội để hỏi lại họ".
Xem thêm cơ hội tìm việc làm mới tại CareerViet :