10 điều khiến sếp “yêu” bạn
Lượt xem: 21,112
Bất kỳ vị sếp nào cũng quý mến những nhân viên biết cách làm việc, biết nghe lời và có kỷ luật. Nếu bạn đã nằm trong số những người như vậy, làm sao để nổi bật hơn hẳn họ?
Dưới đây là 10 bí quyết giúp bạn đứng đầu trong danh sánh nhân viên “cưng” của sếp:
1. Giao tiếp, giao tiếp và giao tiếp
Marianne Adoradio, nhà tư vấn và tuyển dụng của công ty Sillicon Valley, nói rằng: “Việc đưa ra những câu hỏi thông minh khi nói chuyện với sếp không phải là dễ”. Bạn nên biết thời điểm nào là phù hợp để nói chuyện cũng như biết dừng đúng lúc nếu cảm thấy sếp không thoải mái với cuộc nói chuyện. Cách tốt nhất là nên hỏi những gì bạn cần và đảm bảo rằng chúng thuộc lĩnh vực công việc sếp quản lý.
2. Có khả năng nghe hiểu tốt
John Farner, nhà quản lý nhân sự của công ty Russell, nói: “Các nhà quản lý đánh giá rất cao khả năng nghe hiểu của nhân viên”. Ví dụ, khi sếp giao việc hoặc hướng dẫn bạn cách thực hiện một dự án nào đó nhằm giúp bạn có được kết quả công việc tốt nhất, sếp muốn biết chắc rằng bạn đã hiểu rõ được vấn đề đó. Ví thế hãy nói tóm tắt lại những ý của sếp để cho sếp biết bạn đã hiểu rõ mọi vấn đề và không còn thắc mắc nào.
3. Khả năng hợp tác
Khi sếp đưa một ý tưởng mới, hãy phản ứng theo cách xây dựng giúp cho ý tưởng đó hoàn thiện hơn thay vì “bê nguyên” và sử dụng chúng ngay lập tức.
Hãy chứng tỏ rằng bạn luôn cố gắng suy nghĩ để cùng mọi người đem lại kết quả tốt nhất trong công việc.
4. Xây dựng các mối quan hệ trong công việc
Sếp sẽ cảm thấy rất vui khi các nhân viên có quan hệ tốt với nhau và với khách hàng. Hãy áp dụng những gì bạn được học về quan hệ khách hàng cũng như kinh nghiệm bản thân trong quan hệ đồng nghiệp để chúng luôn vững bền. Đó không chỉ là cách “ghi điểm” với sếp mà còn giúp phát triển sự nghiệp của bạn.
5. Biết rõ những mong muốn của sếp
Điều quan trọng nhất mà nhân viên cần phải biết đó là sếp mong chờ gì ở mỗi nhân viên? Ví dụ, đó có thể là mong muốn nhân viên hòa hợp và cùng nhau làm việc tốt. Nhưng có những sếp lại đánh giá cao khả năng cá nhân và chứng minh được năng lực bản thân.
6. Biết rõ những điều sếp không thích
Mỗi người luôn có những quy tắc và sở thích riêng, với sếp cũng vậy vì thế bạn cần phải tìm hiểu và nắm rõ để tránh mắc những sai lầm không đáng có. Ví dụ, nếu sếp bạn không thích bị làm phiền vào đầu giờ làm sáng thì bạn nên tránh tìm gặp sếp nếu không có việc gì quá gấp.
7. Đoán trước được nhu cầu của sếp
Một khi bạn đã làm việc cùng sếp một thời gian đủ để bạn nhận ra được những mong muốn của sếp trước khi ông/bà ấy nói ra. Ví dụ, bạn hiểu sếp muốn công việc này được làm theo cách nào và bạn nói luôn với sếp kế hoạch đó của bạn. Chắc chắn bạn sẽ được một điểm A của sếp.
8. Luôn nghĩ với vai trò của người quản lý
Tất nhiên bạn vẫn cần phải hoàn thành công việc của một nhân viên trước hết, nhưng bạn vẫn cần phải thường xuyên quan sát và học hỏi cách làm việc của những người quản lý trong công ty. Bạn cần phải biết công việc của một người quản lý khác như thế nào so với một nhân viên và họ thường gặp những vấn đề gì trong công việc?...
9. Tự mở rộng kiến thức
Ngoài việc hỗ trợ để hoàn thiện ý tưởng của người khác, đôi khi bạn cũng nên tự đưa ra ý kiến của bản thân. Bằng việc học hỏi từ mọi người và tích lũy kiến thức của bản thân sau một thời gian bạn sẽ chứng tỏ được khả năng với sếp và đồng nghiệp rằng bạn là một nhân viên có tài, chăm chỉ.
10. Biết cách thể hiện quan điểm của bản thân
Tranh luận với sếp về mọi vấn đề, công việc được giao không phải là một cách hay để gây ấn tượng với sếp, nhưng cũng không có nghĩa rằng bạn luôn vui vẻ chấp nhận mọi yêu cầu, quyết định mà sếp đưa ra nhằm làm sếp vui. Một nhân viên giỏi phải là người thực sự hiểu rõ họ đang làm gì, từ đó nhận ra được điểm tốt và chưa tốt trong công việc. Điều đó có nghĩa rằng bạn cần thể hiện sự nhiệt tình trong công việc và biết nói lên quan điểm của bản thân đúng lúc đúng chỗ.