20 điều khiến lãnh đạo sa lầy (phần 2)
Lượt xem: 13,057Có những người giữ chức vị quan trọng nhưng dường như họ không mang lại những điều tốt đẹp cho mọi người. Thay vì thế, họ dựa vào quyền lực của vị trí để bắt người khác phải làm những điều họ muốn. Với những người này, "lãnh đạo hiệu quả" là một từ xa vời.
11. Không có khả năng suy nghĩ một cách chiến lược:
Nhân viên muốn biết về kế hoạch chiến lược, trong đó họ đóng góp một phần. Nếu lãnh đạo không thể truyền đạt được kế hoạch đó đến nhân viên, hoặc nếu nhân viên không thể nhận ra tầm quan trọng của những đóng góp của mình, thì sẽ mất đi động cơ thúc đẩy.
12. Thất bại trong việc bố trí nhân lực hiệu quả: Những nhà lãnh đạo giỏi biết được tầm quan trọng của những người xung quanh cũng như những nhân viên có khả năng. Nhận biết được nhân viên giỏi là một thử thách. Các tổ chức muốn lớn mạnh phải biết rằng, để thành công lãnh đạo phải tuyển dụng nhân lực vì thái độ làm việc và đào tạo các kỹ năng cần thiết. Sau đó phải sử dụng nguồn nhân lực này một cách hợp lý.
13. Không sẵn sàng thích nghi với những người có thái độ khác nhau:
Hãy chấp nhận thực tế, không phải ai cũng suy nghĩ, hành động và phản ứng hoặc làm việc cùng một cách như nhau. Mỗi người mỗi khác và chúng ta phải làm việc với những người khác biệt đó. Những nhà lãnh đạo nỗ lực hiểu sự khác biệt trong nhân viên sẽ là người mà nhân viên muốn ở bên.
14. Coi thường các chính sách và thủ tục của tổ chức: Dù muốn hay không, thái độ và hành vi của nhân viên cũng phản chiếu thái độ và hành vi của lãnh đạo. Các nhà lãnh đạo không nên thể hiện sự phản đối hoặc coi thường với các quyết định nội bộ, các chính sách và thủ tục trước mặt nhân viên. Tìm đúng người trong tổ chức có đủ quyền hạn để giải quyết vấn đề. Phàn nàn với nhân viên chẳng có lợi gì.
15. Thiết lập những giới hạn mập mờ, không rõ ràng: Một số lời khuyên tốt nhất cho việc lãnh đạo là hãy đơn giản và thẳng thắn. Một nhà lãnh đạo không phải lúc nào cũng đủ khả năng để phán đoán được nhân viên sẽ làm gì, nói gì hoặc nghĩ gì. Tuy nhiên, nhân viên phải luôn luôn có khả năng đoán được những gì lãnh đạo làm, lãnh đạo nói hoặc suy nghĩ. Kết quả là nhân viên có khả năng thích nghi và điều chỉnh hành vi của mình với lãnh đạo. Rất đơn giản, nhưng lại hiệu quả.
16. Thất bại khi cần hành động tức thì: Điều này có thể là một trong những cản trở với việc lãnh đạo hiệu quả. Hầu hết chúng ta phải trải qua các xung đột. Đừng tránh né rồi hy vọng lúc nào đó tự khắc vấn đề sẽ được giải quyết. Càng trì hoãn thì vấn đề càng nghiêm trọng mà thôi. Nhà lãnh đạo hiệu quả phải hành động khi họ thấy nên hành động.
17. Thích đưa ra lời khuyên: Lời khuyên tốt nhất là đừng đưa ra lời khuyên cho cá nhân nào cả. Nếu nhân viên làm theo lời bạn, và kết quả không đúng như mong đợi, bạn nghĩ họ sẽ đổ lỗi cho ai? Có đủ các vấn đề mà một nhà lãnh đạo phải đối mặt rồi, không cần phải tạo ra những vấn đề không cần thiết nữa. Hãy khuyến khích nhân viên, ca ngợi họ, sửa chữa sai lầm cho họ nhưng đừng đưa ra lời khuyên nào cả.
18. Quá tham vọng: Quá tham vọng có thể khiến nhân viên nhìn nhận một cách tiêu cực. Hãy nhớ rằng có hai cách để lên đến đỉnh núi. Đầu tiên, rất tiếc phải nói rằng nhiều người chọn cách là "trèo" lên người khác. Nhưng nhà lãnh đạo giỏi biết rằng có một con đường khác. Họ biết bạn có thể lên đến đó nếu được những người khác nâng lên.
19. Bằng lòng với những gì đạt được: Chúng ta không thể và không nên thoả mãn với những biểu hiện làm việc bình thường. Nhà lãnh đạo phải yêu cầu ở nhân viên và mong đợi ở họ nhiều hơn. Hãy dành thời gian để xác định những việc làm nào vẫn có khả năng cải thiện và sau đó hãy phát triển chúng.
20. Lạm dụng vị trí: Quyền lực và vị trí có thể là một sự kết hợp đáng sợ. Khi một người được đặt vào vị trí và trách nhiệm lãnh đạo, họ có thể phát triển hoặc họ có thể căng phồng ra. Phát triển là bình thường thì tốt còn căng phồng ra chỉ dễ nổ tung mà thôi. Quyền lực và vị trí bị lạm dụng cũng sẽ dễ nổ tung như thế.