3 tố chất của ứng viên được nhà tuyển dụng săn đón
Lượt xem: 52,971Xem thêm cơ hội tìm việc làm mới tại CareerViet :
Có khi nào bạn tự hỏi vì sao trình độ chuyên môn của mình hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu nhà tuyển dụng đề ra nhưng vẫn không được nhận. Câu trả lời là rất có thể bạn đã thiếu hoặc chưa thể hiện được một trong những tố chất sau…
Vượt qua đợt sàng lọc này sẽ là những ứng viên đáp ứng đầy đủ các điều kiện
Trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay, để tìm được một công việc ưng ý là không hề dễ dàng. Số lượng vị trí cần tuyển thì có hạn trong khi người đi tìm việc lại rất nhiều khiến mức độ cạnh tranh ngày càng cao. Nếu không có bề dày kinh nghiệm hoặc trình độ vượt trội so với các ứng viên khác bạn sẽ khó lòng thu hút được sự chú ý của các nhà tuyển dụng chỉ dựa trên tấm bằng đại học.
Vậy các công ty mong muốn một ứng viên ra sao? Những nhân tố nào khiến bạn trở nên khác biệt? Có một điều đáng chú ý đó là rất nhiều công ty hiện nay, nhất là những công ty lớn, đều có quy trình sàng lọc ứng viên. Đơn giản bởi không nhà tuyển dụng nào muốn ngồi đọc hàng chồng hồ sơ ứng viên cho mỗi vị trí cần tuyển.
Vượt qua đợt sàng lọc này sẽ là những ứng viên đáp ứng các điều kiện nhất định như: kết quả học tập tốt, có những kỹ năng cơ bản phù hợp cho vị trí được tuyển và cả kết quả làm việc ở những công ty trước đây (nếu vị trí đòi hỏi người có kinh nghiệm). Nhưng đó mới chỉ là điều kiện cần để vượt qua vòng sơ loại.
Với mỗi vị trí cụ thể, nhà tuyển dụng lại tìm kiếm một loạt các tố chất chuyên biệt và những người có nền tảng hoàn hảo, ví dụ như từng làm việc cho đối thủ chính của công ty và có một số thông tin nội bộ hữu ích, sẽ là những người nổi bật nhất. Dù vậy thì đa số trường hợp, nhà tuyển dụng sẽ phải cân nhắc lựa chọn giữa những ứng viên khá sàn sàn nhau về năng lực và kinh nghiệm. Khi đó 3 tố chất sau thường khiến họ bị thuyết phục:
1. Độ tin cậy
Với nhiều nhà tuyển dụng, việc tìm được một nhân viên giỏi không quan trọng bằng một người có thể tin cậy. Câu hỏi họ thường đặt ra sau khi phỏng vấn đó là liệu đây có phải người tôi có thể giao phó để mọi việc diễn ra trôi chảy, ngay cả khi gặp khó khăn, áp lực? Mặc dù những phán đoán này rất chủ quan và hầu như chỉ là cảm tính nhưng nó lại có ảnh hưởng rất lớn đến quyết định cuối cùng của nhà tuyển dụng. Vậy nên tốt hơn hết bạn hãy cố gắng thể hiện cho được mình là người đáng tin.
2. Khả năng làm việc theo nhóm
Ở bất kỳ doanh nghiệp nào dù lớn hay nhỏ, kỹ năng làm việc theo nhóm luôn rất quan trọng, quyết định hiệu quả và cả hòa khí tại nơi làm việc. Bởi vậy các nhà tuyển dụng sẽ đặc biệt chú ý xem liệu ứng viên đó có sẵn sàng phối hợp với các bộ phận khác hay chỉ thích “độc diễn”, kỹ năng ứng xử xã hội ra sao.
Nói cách khác, liệu những tính cách của ứng viên có hòa hợp được với văn hóa của doanh nghiệp hay không. Điều này là không thể xem thường bởi thực tế cho thấy đôi khi những người rất giỏi chuyên môn vẫn không phát huy được năng lực của mình chỉ vì phong cách có nhiều khác biệt so với kỳ vọng chung của doanh nghiệp.
3. Khả năng vượt khó
Một tố chất nữa mà nhiều nhà tuyển dụng tìm kiếm ở các ứng viên đó là khả năng vượt lên những khó khăn trong công việc. Đơn giản bởi không phải lúc nào mọi chuyện cũng diễn ra suôn sẻ và đó chính là lúc cần có sự đột phá.
Những câu hỏi thường được nhà tuyển dụng đặt ra đó là: Người đó có nhiệt huyết với công việc hay không? Liệu doanh nghiệp có thể trông đợi người đó tạo ra những đột biến khi lâm vào tình huống khó khăn hoặc phải chạy đua với thời gian? Ứng viên ấy có thể tự hòan thành công việc khi bất ngờ không còn sự hỗ trợ từ các cộng sự? Tất nhiên bạn sẽ ít có cơ hội chứng minh điều này trong buổi phỏng vấn nhưng hãy khéo léo tìm cách gây ấn tượng rằng mình không phải là người dễ đầu hàng.