4 nghề nghiệp dành cho ai quan tâm vấn đề sức khoẻ
Lượt xem: 62,842Nếu là người dốc sức theo đuổi lối sống lành mạnh, sao bạn lại không mang hết sự tận tâm cống hiến đó vào nơi làm việc. Có rất nhiều công việc liên quan đến sức khoẻ thể chất và sức khoẻ tinh thần mà bạn có thể lựa chọn để thực hành và lan toả các bí quyết mình tâm đắc.
Nếu không thể trở thành bác sĩ, dược sĩ hay điều dưỡng, thì chúng ta còn có thể làm nghề gì để chăm sóc sức khoẻ cho mọi người nữa nhỉ? Dưới đây CareerViet.vn gợi ý 4 nghề nghiệp dành cho những ai luôn đặt sức khoẻ lên hàng đầu – cả trong đời sống cá nhân lẫn công việc chuyên môn:
1. CHUYÊN GIA DINH DƯỠNG(Nutritionist)
Nếu ăn uống lành mạnh là sở thích của bạn, hãy cân nhắc một công việc có thể giúp nhiều người khác cùng làm như vậy. Trở thành chuyên gia dinh dưỡng, bạn sẽ kết nối được với những ai đang mong muốn tạo ra các thay đổi lành mạnh hơn trong cuộc sống.
Với sự gia tăng của tình trạng dị ứng thực phẩm (food allergy) và không dung nạp thực phẩm (food intolerance) thì nhu cầu được điều chỉnh khẩu phần ăn uống cũng như chế độ dinh dưỡng nhằm cải thiện sức khoẻ của mọi người là khá cấp bách.Đồng thời, những lo ngại về căn bệnh béo phì đang tăng nhanh ở cả trẻ em và người lớn cũng mở ra nhiều việc làm hơn cho các chuyên gia dinh dưỡng.
Theo đó, nơi làm việc dành cho chuyên gia dinh dưỡng khá phong phú. Bạn có thể ứng tuyển vào các chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm, bệnh viện, trường học, cơ quan y tế, viện nghiên cứu dinh dưỡng và thực phẩm, viện nghiên cứu chăm sóc sức khỏe, trung tâm tư vấn - truyền thông - giáo dục sức khoẻ cộng đồng, hay các cơ sở khác hoạt động liên quan đến dinh dưỡng và an toàn vệ sinh thực phẩm. Bên cạnh đó, các tổ chức phi chính phủ hoạt động trong lĩnh vực y tế công cộng, y học dự phòng cũng sẽ là gợi ý làm việc hấp dẫn. Ngoài ra, trở thành chuyên viên phụ trách mảng dinh dưỡng tại các doanh nghiệp chế biến thực phẩm, các cơ sở dịch vụ ăn uống, bếp ăn trường học, nhà dưỡng lão và xí nghiệp... cũng là lựa chọn thú vị.
Đào tạo để làm nghề: Tuỳ luật định và ngành nghề cụ thể mà bạn sẽ cần phải có giấy chứng nhận hoặc bằng cấp về dinh dưỡng hay không khi làm nghề. Thông thường, ở Việt Nam, chúng ta có thể học các kiến thức cần thiết này tại trường Đại học Y hay các trường Cao đẳng/Đại học có chuyên ngành Dinh dưỡng. Xa hơn nữa, bạn có thể đầu tư thời gian để tham gia các lớp tập huấn, hay chương trình đào tạo cao hơn ở trình độ Thạc sĩ và Tiến sĩ về dinh dưỡng cộng đồng.
2. NHÂN VIÊN CỬA HÀNG THỰC PHẨM BỔ DƯỠNG (Health Food Store)
Nếu bạn yêu thích lối sống lành mạnh và muốn truyền đạt những hiểu biết của mình cho càng nhiều người càng tốt nhưng lại không phải mất nhiều năm đến trường thì chọn vị trí nhân viên cửa hàng thực phẩm là hoàn hảo. Khách hàng sẽ có rất nhiều câu hỏi khác nhau và qua đó bạn có cơ hội chia sẻ vô vàn thông tin hữu ích về kinh nghiệm sử dụng thực phẩm tốt để xây dựng cuộc sống lành mạnh.
Để làm việc trong cửa hàng sức khoẻ, bạn cần phải là một người sẵn lòng giải quyết các vấn đề luôn được khách hàng tập trung chú ý và nhờ cậy. Hầu hết cửa hàng sẽ mong đợi bạn sở hữu sẵn lượng kiến thức đáng kể về sản phẩm và có kỹ năng tư vấn để có thể gợi ý cho khách lựa chọn được món hàng phù hợp trong quá trình theo đuổi lối sống tích cực hơn. Lợi ích cộng thêm của công việc này, bên cạnh lương, chắc chắn là bạn luôn có cơ hội được sử dụng sản phẩm tốt, sạch và chất lượng theo tiêu chuẩn sức khoẻ bản thân đặt ra tại chính cửa hàng mình làm việc.
Đào tạo để làm nghề: Như đã nói, công việc này không quá đòi hỏi bằng cấp mà chỉ cần khối lượng kiến thức đúng về dinh dưỡng cùng kỹ năng tư vấn bán hàng. Tuỳ theo yêu cầu từng cửa hàng, kiến thức bạn cần sở hữu đôi khi có thể ít hơn tinh thần bảo vệ sức khoẻ và xu hướng giúp đỡ mọi người. Mọi thứ đều có thể học thêm, riêng đam mê và sự tận tâm nên có sẵn từ trong huyết quản.
3. BLOGGER
Viết blog là một cách khác để truyền đạt lý tưởng sống lành mạnh đến đông đảo người đọc. Có khá nhiều hướng đi cho một blogger. Mặc dù hầu hết trang blog tồn tại dưới dạng chữ viết, trở thành Vlogger hoặc lập kênh Youtube chia sẻ các video của riêng bạn cũng là xu hướng được ưa chuộng.
Bạn có thể tạo ra một trang blog viết về sức khoẻ của riêng mình, rồi xây dựng cộng đồng và thu hút khán giả. Nhưng hãy luôn nhớ rằng, mỗi một sự hiện diện trực tuyến đều cần có thời gian. Hãy cân nhắc việc trở thành blogger song song với duy trì một công việc khác, ít nhất là trong thời gian đầu. Nếu điều này nghe có vẻ rủi ro, thay vào đó bạn có thể làm công việc viết lách cho một công ty. Lựa chọn này đảm bảo bạn sẽ có tiền lương và lợi ích ổn định, tuy nhiên bạn không được làm theo ý tưởng riêng mà cần đi đúng chiến lược marketing đề ra. Hoặc một hướng đi khác là trở thành freelancer cho những công ty có sản phẩm – dịch vụ tập trung vào sức khoẻ. Dù thu nhập không ổn định và chẳng nhận được phúc lợi, nhưng nếu các bài viết đăng tải được để bút danh của bạn thì đây cũng là cách để tiếp cận độc giả của chính mình và xây dựng tên tuổi cho sự nghiệp lâu dài sau này.
Đào tạo để làm nghề: Làm blogger thực sự không đòi hỏi bạn phải qua đào tạo, mà phụ thuộc nhiều vào khả năng sử dụng các loại hình ngôn ngữ, thu thập thông tin, sức biểu cảm và phong cách truyền đạt. Tuy nhiên, hiện nay những người viết thường có bằng cử nhân, vì thế nếu bạn muốn bạn muốn mình có nền tảng căn bản và trau dồi thêm những điều hữu ích trong nghề thì có thể theo học chuyên ngành ngữ văn, báo chí, ngôn ngữ… tại các trường đại học hoặc tham gia các khoá rèn luyện kỹ năng viết. Ngoài ra, bạn cũng cần thành thạo một số kỹ năng công nghệ cần thiết nhằm hỗ trợ tốt nhất cho quá trình xây dựng blog cá nhân.
Mức lương bình quân: Khi vừa bắt đầu viết blog, bạn sẽ không được ai trả tiền cho các “sản phẩm” của mình. Nhưng sau thời gian duy trì hiệu quả, nghĩa là có sức hút hoặc tên tuổi trong cộng đồng mạng, thu hút được lượng người theo dõi và yêu thích nhất định, thì bạn sẽ có thể kiếm tiền từ blog. Chẳng hạn như bán không gian quảng cáo cho các sản phẩm chuyên về sức khoẻ, dinh dưỡng hoặc trở thành người giới thiệu hay đánh giá sản phẩm/dịch vụ cho các nhãn hàng. Nghĩa là không có con số thu nhập cụ thể cho dạng công việc này, ít hay nhiều hoàn toàn do bạn.
4. HUẤN LUYỆN VIÊN THỂ DỤC THỂ HÌNH (Fitness Trainer)
Nghề nghiệp này không quá xa lạ với mọi người ngày nay, nhưng rất đáng cân nhắc. Để nổi trội trong vai trò huấn luyện viên thể dục thể hình (fitness), bạn cần có sự kết hợp giữa kỹ năng huấn luyện, kiến thức về cách cơ thể hoạt động và nhiệt tình cống hiến trong vai trò chăm sóc khách hàng. Đảm bảo điều này bạn sẽ luôn có đủ sức hút để khách hàng gắn bó với mình lâu dài đồng thời giới thiệu thêm bạn bè và gia đình cho bạn.
Bạn sẽ là người liên tục ở bên cạnh động viên thúc đẩy khách hàng nhưng không khiến họ bị kiệt sức, kiên nhẫn khuyến khích họ dù biết rằng kết quả không đến sau một đêm. Bạn sẽ cần hiểu mục tiêu sức khoẻ của khách hàng và tuỳ chỉnh chương trình phù hợp với nhu cầu của họ. Chọn công việc này, bạn cũng cần tìm hiểu về dinh dưỡng và lập kế hoạch ăn uống cho khách hàng.
Đào tạo để làm nghề: Công việc này đòi hỏi vài chuyên môn đào tạo khác nhau khác nhau tuỳ từng vị trí cụ thể, và nhà tuyển dụng thường thích thuê những người có chứng nhận. Luôn nhớ rằng huấn luyện viên fitness cá nhân, giáo viên fitness theo nhóm và các hướng dẫn viên fitness chuyên môn khác sẽ cần những sự chuẩn bị khác nhau bạn nhé!
Trên đây là một số gợi ý một số loại hình công việc phù hợp cho những ai yêu thích và quan tâm đến sức khoẻ. Dù không thểtrực tiếp trở thành người chăm sóc và chữa trị cho mọi người tại bệnh viện, nhà thuốc trong vai trò bác sĩ, y tá hay dược sĩ, nhưng bạn vẫn có thể trở thành: Chuyên gia dinh dưỡng, Nhân viên bán thựcphẩm bổ dưỡng Food blogger hoặcHuấn luyện viên thể dục thể hình. Chọn ngay cho mình một vị trí, nếu bạn muốn làm “chiến binh sức khoẻ” nhé!
Nguồn hình: Freepik
Top những từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất:
Tìm việc làm | Tìm việc tại Bắc Ninh | Việc làm Bắc Giang | Việc làm designer | Tìm việc làm tại Vĩnh Phúc | Sàn việc làm Vĩnh Phúc | Tìm việc làm gấp tại Bình Dương