4 nhầm lẫn của giám đốc sinh viên
Lượt xem: 12,405Mở doanh nghiệp khi ngồi trên ghế nhà trường là cơ hội tốt để tăng kinh nghiệm và thu nhập. Nếu có máu kinh doanh nhưng thiếu một vài điều kiện, bạn đừng vội nản lòng. Vì có thể những vật cản đường đó không "khổng lồ" như bạn nghĩ.
4 nhầm lẫn của giám đốc sinh viên
Không có tiền = chấm hết
Không có tiền. Nhưng máu kinh doanh nên nhiều SV sẵn sàng tới ngân hàng vay vốn. Các ngân hàng sẽ nồng nhiệt tiếp đón bạn với điều kiện có tài sản thế chấp hoặc ý tưởng tin cậy được - một cách kinh doanh vốn của ngân hàng. Nhiều bạn trẻ đã nản lòng vì họ chẳng có gì ngoài đam mê và sự nhiệt tình.
Bạn đã sai lầm ở chỗ muốn có ngay lập tức một số vốn vài trăm triệu, thậm chí cả tỷ đồng để làm ăn. Thực ra, số tiền vài trăm triệu là để dùng cho nhiều năm tiếp theo, khi doanh nghiệp đã lớn mạnh và cần mở rộng. Bước khởi nghiệp có khi chỉ cần vài triệu để đăng ký kinh doanh.
Là giám đốc, IQ phải cực cao!
Kết quả học tập không liên quan nhiều tới khả năng kinh doanh. 50% doanh nhân tỷ phú của Mỹ chưa tốt nghiệp ĐH. 75% tổng thống Mỹ có kết quả học tập xếp ở nửa cuối danh sách lớp cấp III. Những giám đốc của Microsoft, Dell, Netscape, Fedex, Apple,... lập nghiệp từ khi còn học ĐH. Thế nhưng, SV nhà ta lại cho rằng nếu học kém chắc kinh doanh cũng lỗ.
Khả năng sáng tạo là một nhân tố quan trọng dẫn tới thành công của doanh nghiệp. Tuy nhiên, những doanh nhân thành đạt trên thế giới khuyên rằng nếu kém sáng tạo một chút, bạn có thể khắc phục bằng cách tích cực tiếp cận, học hỏi kinh nghiệm từ những doanh nhân thành đạt.
Kinh tế khó khăn, doanh nghiệp nhỏ chết trước
Lý thuyết "cửa đóng là hết vào" hoàn toàn sai. Chính sự khó khăn của nền kinh tế sẽ giúp các công ty mới thành lập nhanh chóng thành công. Thời kỳ này, một công ty mới thành lập sẽ dễ dàng tìm được nhân viên giỏi với mức lương vừa phải, vì người cần việc và cần cơ hội thử sức rất nhiều. Họ có thể chấp nhận nhiều công việc khó với thu nhập thấp.
Cạnh tranh giữa các doanh nghiệp "cá nhỏ" cũng không quá căng thẳng như cuộc đối đầu của các đại gia. Từ đó suy ra, chưa chắc kinh tế ở giai đoạn chuyển mình đã là "cánh cửa đóng" đối với các doanh nghiệp làm ăn nhỏ lẻ.
Thiếu kinh nghiệm, khó tránh thất bại
Các giám đốc của Microsoft, Dell, Yahoo... đã từng là những người chẳng có tí tẹo kinh nghiệm kinh doanh nào. Họ đã bước qua thất bại để tạo dựng nên những "đế chế" đồ sộ khiến cả thế giới ngưỡng mộ. Ai đã tốt nghiệp MBA đều biết, 90% doanh nghiệp sẽ thất bại trong năm đầu tiên hoặc vài năm tiếp theo. Bởi thế, nếu doanh nghiệp của bạn thất bại thì chẳng phải là điều đáng ngạc nhiên, và cũng chẳng đáng lo tới mức từ bỏ ước mơ làm kinh doanh. Những lần thất bại đó sẽ giúp bạn có thêm kinh nghiệm để tránh vấp ngã tiếp.
Rõ ràng những lý thuyết "chuối" mà bạn đang tự đặt ra để cản đường chính mình đã "bật lại" bạn. Vì thế, tốt nhất là quên phắt chúng đi để bắt tay vào lập ra một ý tưởng kinh doanh khả thi.