5 bước biến câu trả lời phỏng vấn thành câu chuyện khó quên
Lượt xem: 19,090Sẽ có không ít lần các ứng viên rơi vào tình huống bối rối khi đối diện với câu hỏi khó hoặc nhạy cảm. Đó là khi bạn thấy mình bất chợt ngồi lặng thinh không thốt nên lời, hay thậm chí rơi nước mắt. Hoàn cảnh ngượng ngùng khó xử hoặc cảm giác như mọi từ ngữ biến mất chắc chắn sẽ càng khiến bạn lúng túng hơn, và suy nghĩ “phen này mình rớt chắc” là tín hiệu cực kỳ không tốt.
Tuy nhiên, đừng vội bỏ cuộc, cùng CareerViet.vn phân tích lại xem vấn đề ở đây là gì và chọn ra phương án giải quyết nhé! Thường gặp nhất là người phỏng vấn muốn biết về một lỗi lầm lớn mà bạn từng gây ra trong quá khứ, hay bạn bị buộc phải kể về sự cố đáng tiếc đã khiến bạn bị sa thải khỏi công ty cũ? Tất nhiên sẽ có những điều không muốn kể ra và không phải câu hỏi nào cũng có thể trả lời đầy đủ, chi tiết. Trong trường hợp này, lời khuyên từ các chuyên gia là cứ đối mặt với mọi chuyện. Thẳng thắn, chừng mực, đúng trọng tâm là yếu tố giúp bạn có câu trả lời hiệu quả.
Với bất kỳ lời đề nghị kể chuyện nào có nội dung gây khó xử tương tự như trên, bạn tuyệt đối không nên nói dối và cũng đừng né tránh, chỉ cần cung cấp đủ thông tin để giải đáp vấn đề rồi kết thúc nó bằng một kinh nghiệm giá trị cho bản thân. Nếu đủ khéo léo nhận ra mục tiêu thực sự của câu hỏi, người phỏng vấn không có nhu cầu tìm kiếm những sai lầm mà họ muốn hiểu biết hơn về ứng viên, bạn có thể biến các câu trả lời thành một câu chuyện đầy ý nghĩa.
Bạn có thể biến các câu trả lời thành một câu chuyện đầy ý nghĩa
Dưới đây là 5 yếu tố chính mà bạn có thể vận dụng, biết kết hợp kịp thời chắc chắn bạn sẽ vượt qua được những giây phút “khó nhằn” của mọi buổi phỏng vấn:
1. Trước tiên hãy trả lời
Yêu cầu kể một câu chuyện trong buổi phỏng vấn là cách để đưa cứng viên vào trạng thái không thoải mái. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất bạn cần ghi nhớ ở đây chính là những hướng dẫn ứng phó với các câu hỏi hành vi. Khi người phỏng vấn đã nhấn mạnh, nghĩa là bạn buộc phải có câu trả lời cụ thể, chứ không phải bắt đầu sa vào những lời giải thích lan man, dài dòng chẳng liên quan.
Cách tốt nhất là cứ đi thẳng vào vấn đề, đưa cho người đối diện thông tin chính xác và ngắn gọn về vấn đề họ đang thắc mắc. Cẩn thận lựa chọn các tình tiết không gây bất lợi cho bạn trên cơ sở những sự kiện đã thực sự xảy ra. Cố gắng thoát khỏi cảm giác hồi hộp, lo lắng và ngượng ngùng bởi vì bạn không đi thi kể chuyện, mối quan tâm của bạn chỉ nên là làm sáng tỏ trọng tâm câu hỏi.
Cách tốt nhất là cứ đi thẳng vào vấn đề
2. Cung cấp ngữ cảnh
Sau khi đã đưa ra câu trả lời ngắn gọn, đây là lúc nên cung cấp thêm một số thông tin cơ bản. Nói gì thì nói, một câu trả lời đơn giản sẽ không đủ phản ánh vấn đề với người nghe. Họ sẽ phải tự hỏi rằng, vậy chính xác là bạn đã làm gì, mọi chuyện xảy ra thế nào, và bạn khắc phục ra sao?
Thế nên, bước đi đúng đắn là tiếp tục cung cấp ngữ cảnh cho câu chuyện. Đừng quá sa lầy vào các chi tiết nhỏ nhặt, ví dụ như hôm ấy trời có mưa không, bạn ăn sáng món gì và mặc quần áo ra sao… Thay vào đó, tóm gọn mọi thông tin quan trọng và thật sự giúp làm rõ tình huống.
3. Giải thích vai trò của bạn
Bạn đã đặt nền tảng và giải thích vấn đề. Nhưng nên biết rằng câu hỏi được đặt ra là để tìm hiểu xem bạn xử lý vấn đề thế nào. Vậy thì câu trả lời chắc chắn phải nhấn mạnh vai trò của bạn trong câu chuyện đó.
Hãy nhớ lại những nhiệm vụ cụ thể mà bạn phụ trách. Điều quan trọng khi trình bày nội dung là không nên thêm bất cứ nỗ lực nào nhằm né tránh trách nhiệm, đổ tội, bào chữa hay phân trần, đặc biệt khi bạn được đề nghị kể về một sai lầm, thất bại hoặc xung đột. Cứ giữ vai trò và tư thế của một người chủ động.
Không nên thêm bất cứ nỗ lực nào nhằm né tránh trách nhiệm, đổ tội, bào chữa hay phân trần
4. Chia sẻ về kết quả
Đây là giai đoạn bạn cần “gói ghém” các thứ lại. Mỗi câu chuyện đều có một kết thúc để hóa giải mọi thứ. Đừng làm cho các tình tiết trở nên rời rạc và lỏng lẻo, trừ khi bạn lại muốn kể thêm phần tiếp theo, tin chắc là bạn hoàn toàn không muốn kéo dài bởi vì đây là cuộc phỏng vấn tìm việc.
Để làm nổi bật hiệu quả câu chuyện trong buổi phỏng vấn, tốt nhất là nêu ra kết quả cuối cùng sau tất cả mọi chuyện, nó đã kết thúc thế nào và vì sao nó xảy ra với bạn.
5. Làm rõ bài học thu nhận được
Hãy nhớ lại một câu chuyện bất kỳ mà chúng ta thường kể cho bọn trẻ, tất cả đều có điểm chung rất dễ nhận thấy là: một bài học. Ví dụ như rùa dạy ta biết rằng chậm nhưng ổn định và chắc chắn thì sẽ chiến thắng; vịt con xấu xí nhắc ta phải đối xử tốt với người khác. Bạn phải đảm bảo là câu chuyện mình vừa kể đã để lại những tác động lâu dài, kết thúc bằng kết luận bạn thực sự học được những kinh nghiệm gì.
Làm rõ bài học thu nhận được
Ngay cả khi được yêu cầu kể về một chuyện tiêu cực trong quá trình làm việc, quan trọng nhất vẫn là bạn thể hiện được rằng mình là ứng viên có trình độ và biết học hỏi kinh nghiệm. Vì vậy, đừng dừng lại khi đã nêu ra những thất bại và giải thích sai lầm, gom tất cả những thứ đó lại thành một động lực giúp bạn sửa đổi và cùng mọi người hoàn thiện nhiều thứ tốt hơn trong tương lai.
Đôi khi trong quá trình tìm việc, bạn sẽ gặp phải những câu hỏi phỏng vấn yêu cầu kể về một câu chuyện mà nó khiến bạn chỉ muốn rời khỏi nơi đó ngay lập tức. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng đây là điều không thể tránh khỏi. Thay vì sợ hãi, cách tốt nhất là chấp nhận thực tế, chuẩn bị tâm lý và luyện tập các câu trả lời thông minh ngay từ bây giờ.
Một tình huống khó khăn có thể hạ gục bạn hoặc sẽ giúp bạn “tỏa sáng” hơn. Hãy luôn ghi nhớ 5 yếu tố vừa nêu trên và cấu trúc hợp lý khi trình bày một câu chuyện. Kết hợp hiệu quả những phần quan trọng để chinh phục người phỏng vấn. Tin rằng họ sẽ nhìn nhận và ấn tượng về khả năng của bạn. Còn bạn, cứ giữ lại sai lầm như một kinh nghiệm quý báu trong sự nghiệp của mình nhé!
Nguồn ảnh: Internet