5 câu hỏi giúp bạn không tự quăng mình vào công ty "độc hại"
Lượt xem: 11,843Văn hoá của một công ty, cách mà những người ở đó suy nghĩ và hành động, thường được hình thành bởi nhà sáng lập và luôn thay đổi theo từng thời kỳ tiếp quản của các CEO khác sau khi nhà sáng lập rời đi. Nếu bạn làm việc cho một công ty có CEO cũng chính là người sáng lập – và công ty có lộ trình phát triển liên tục mạnh mẽ – thì văn hoá của công ty có khả năng sẽ ăn sâu vào vào mọi tổ chức và quy trình làm việc. Đây có lẽ là một văn hoá doanh nghiệp tốt.
Nhưng đôi khi văn hoá doanh nghiệp sẽ bị phá vỡ khi công ty gặp phải những khó khăn. Nếu bạn đang làm tại công ty như thế, hẳn sẽ rất vất vả để duy trì tính ổn định và phát triển sự nghiệp. Khi không còn khả năng cứu vãn tình hình, nhiều người chọn cách nhảy việc để tránh “tổn thương” nghiêm trọng đến sự nghiệp hoặc đưa bản thân vào tình trạng tài chính bấp bênh.
Nhưng liệu có chắc trong quá trình tìm việc mới, bạn sẽ không quăng mình vào các công ty có văn hoá “độc hại” hay “gãy vỡ” một lần nữa? Chúng ta đều biết rằng, dù có chủ động công khai loại hình và đặc điểm văn hoá doanh nghiệp hay không, điều mà các công ty giới thiệu mới chỉ là bức tranh họ muốn ứng viên nhìn thấy. Vậy nên bạn vẫn phải tự mình tìm hiểu và cảm nhận toàn cảnh. CareerViet.vn gợi ý bạn 5 sử dụng câu tự vấn sau đây để kiểm tra xem văn hoá của công ty mà bạn đang tiếp cận có vấn đề hay không, cùng xem ngay nhé!
Công ty có lịch sử thay đổi CEO cao?
Nếu công ty có tỷ lệ thay đổi CEO cao đáng kể trong quá khứ, đây có thể là dấu hiệu rất xấu. Tất nhiên, lý do của tốc độ thay thế các vị trí lãnh đạo chủ chốt như thế này là cực kỳ quan trọng. Nếu các CEO trước đây hầu hết bị buộc thôi việc vì vấn đề đạo đức hay pháp lý thì bạn nên lo lắng. Nhưng vẫn còn khả năng tích cực là CEO hiện tại đang chú trọng làm những công việc để đổi mới và điều chỉnh văn hoá doanh nghiệp. Còn nếu bạn nhận thấy công ty hiện đang hoạt động rất tốt và các cựu CEO thường chỉ nghỉ việc vì lý do đến tuổi nghỉ hưu, tình trạng nhiều CEO mới không phải là dấu hiệu xấu.
Tình hình tài chính doanh nghiệp có vẻ đang dần bị lung lay?
Nếu công ty không tạo ra được dòng tiền tích cực hoặc đã vay mượn nợ quá nhiều, rất có thể CEO không cam kết được khả năng tồn tại lâu dài cho doanh nghiệp. Có lẽ ban lãnh đạo nghĩ rằng cuối cùng rồi công ty cũng sẽ thu được lợi nhuận khi nó đã đủ lớn.
Nhưng trong hầu hết trường hợp, điều này không xảy ra vì công ty sẽ không thể tăng giá bán để bù chi phí hoặc hiệu quả hoạt động không theo kịp tốc độ “phình to” của doanh nghiệp. Điều cần lưu ý ở đây, mặc dù tình hình tài chính xấu đi là dấu hiệu rõ ràng cho thấy chiến lược kinh doanh đang “vỡ trận”, nhưng nó cũng là bằng chứng cho thấy ban lãnh đạo công ty vẫn luôn trung thành với việc để CEO chịu trách nhiệm hơn so với nhân viên hoặc khách hàng.
Công ty tăng trưởng chậm so với thị trường?
Nếu công ty đang tăng trưởng chậm hơn thị trường ngành, cần tìm hiểu nguyên nhân nào kiềm hãm nó. Hãy thử kiểm tra giả thiết rằng sự tăng trưởng chậm trễ này xuất phát từ những yếu kém trong sản phẩm, giá cả và dịch vụ khách hàng của công ty.
Và đây cũng là một cảnh báo cho thấy văn hoá bị phá vỡ. Bạn nên thử tìm hiểu một vài chi tiết, chẳng hạn như công ty có thưởng cho những nhân viên kinh doanh đã đạt chỉ tiêu bán hàng hay không – đôi khi vẫn có những trường hợp công ty không thực hiện đầy đủ những điều đã hứa hẹn và cam kết trước đó với nhân viên. Không dừng lại ở đó, tình huống tương tự thỉnh thoảng còn xảy ra cả với đối tác bán hàng hoặc đại lý phân phối. Hoặc bạn có thể tìm kiếm các dấu hiệu cho thấy công ty không đáp ứng tốt với các câu hỏi của khách hàng về việc giao hàng, lắp đặt hoặc bảo trì các sản phẩm.
Công ty phải chật vật mới có thể tiếp cận và giữ được khách hàng?
Nếu khách hàng đang lần lượt quay lưng với thương hiệu, không tiếp tục mua thêm hoặc sử dụng sản phẩm của công ty, chắc chắn đây là dấu hiệu cho thấy văn hoá doanh nghiệp đang lung lay. Tuy nhiên, bạn phải dành thời gian tìm hiểu thấu đáo nguyên nhân khiến tình trạng này xảy ra, ví dụ như các công ty cùng ngành đang bán sản phẩm tốt hơn với giá thấp hơn? Có phải các đối thủ cạnh tranh có khả năng liên tục cải tiến sản và cập nhật các chính sách chăm sóc và hỗ trợ khách hàng hay không?
Khi câu trả lời là có, bạn khám phá xem liệu có phải văn hoá công ty không chú trọng đúng mức vào đổi mới sản phẩm và đầu tư phát triển các dịch vụ tốt. Nếu đúng vậy, văn hoá công ty không tích cực, bạn không nên phát triển sự nghiệp tại những môi trường làm việc như thế.
Công ty không thể thu hút và giữ chân nhân tài?
Cuối cùng, bạn nên đào sâu lý do nếu phát hiện rằng công ty không thể thu hút được các nhân tài hàng đầu, đồng thời đang chịu một tỷ lệ thay đổi nhân sự cao ngoài mức mong đợi. Công ty có đối xử khắc nghiệt với nhân viên hay không? Họ có mang tiếng xấu trong mạng lưới những nhân sự tiềm năng và thạo nghề nhất không? Tìm hiểu xem mức lương bình quân công ty chi trả cho nhân viên là bao nhiêu so với thị trường? Sứ mệnh của công ty không đủ truyền cảm hứng?
Nhiều khả năng là công ty bạn đang quan tâm không có văn hoá và nền tảng rõ ràng, hoặc là có sự khác biệt giữa những gì công ty nói về văn hoá doanh nghiệp so với những điều thực tế mà CEO, ban giám đốc và các điều hành cấp cao làm.
Nếu công ty tồn tại 5 dấu hiệu cho thấy văn hoá bất ổn như trên, lời khuyên là bạn nên tìm hiểu thêm một nơi khác lành mạnh và có nhiều tiềm năng phát triển hơn để đầu quân. Việc dạo quanh một vòng tìm hiểu văn hoá doanh nghiệp là rất quan trọng trước khi bạn quyết định gia nhập và làm việc tại đó, hãy dành thời gian để xem xét kỹ lưỡng và thận trọng nhé.
Nguồn hình: Freepik
Xem thêm cơ hội tìm việc làm mới tại CareerViet :