5 kiểu người khó thành công trong vòng phỏng vấn
Lượt xem: 14,153
Trên con đường tìm việc, học lực và tư cách của bạn đều không kém người khác, tại sao lại thất bại trong khi xin việc? Tại sao bạn không thể vượt qua cửa phỏng vấn? Các chuyên gia qua quá trình nghiên cứu và phân tích những cuộc tư vấn đã phát hiện ra rằng, trong khi phỏng vấn nếu nhà tuyển dụng gặp phải 5 kiểu người sau họ sẽ không phải chần chừ đắn đo suy nghĩ gì cả.
1. Người che giấu sự thật, giấy tờ liên quan không thành thực
Sơ yếu lý lịch là bước đầu tiên của tìm việc, chỉ cần nhà tuyển dụng có hứng thú với sơ yếu lý lịch của bạn thì họ mới thông báo cho bạn đến phỏng vấn. Trong sơ yếu lý lịch có những đặc điểm cá nhân nổi bật, thể hiện mình phù hợp với công việc này, thu hút nhà tuyển dụng bằng trình độ học vấn. Tuy nhiên, sơ yếu lý lịch không được có sự che dấu sự thật về bản thân hay có sự lừa dối nhà tuyển dụng.
Vì áp lực tìm việc rất lớn, có rất nhiều người nhận được cơ hội phỏng vấn từ nhà tuyển dụng nên đã “thêm nước cho nặng” vào bản Sơ yếu lý lịch. Hãy nhớ, khi bị nhà tuyển dụng phát hiện bạn sẽ không còn một chút cơ hội nào cả.
2. Người hay nhảy việc, không có tính ổn định
Trong công cuộc tìm việc, có những người, đặc biệt là sinh viên vừa mới tốt nghiệp, nhảy việc cũng là điều tự nhiên thường thấy. Làm việc không thoải mái hoặc tiền lương thấp nên cảm thấy giá trị cá nhân không được cao liền vội vàng nhảy việc. Những người như vậy phần lớn không lọt qua vòng phỏng vấn. Bất kể công ty quy mô to nhỏ thế nào tuyển dụng đều hy vọng nhân viên có thể vì công ty, vì hiệu quả công việc mà kéo dài chút thời gian làm việc, gặp phải người hay thích nhảy việc thì nhà tuyển dụng cũng không dám thu nhận. Rất nhiều công việc, rất nhiều cương vị đều cần nhân viên phải kiên trì làm việc một thời gian dài, nếu gặp phải người hay nhảy việc thì có lẽ công ty lại phải một lần nữa tuyển dụng người. Đương nhiên, đối với mỗi người đều có nguyên nhân nhảy việc khác nhau, không thể nói “vơ đũa cả nắm” rằng nhảy việc là không tốt. Nhưng trước khi nhảy việc nên suy đi tính lại, suy nghĩ cho thấu đáo, đừng để trên sơ yếu lý lịch của bạn lưu lại những thời khắc không mấy sáng chói.
3. Người không chú trọng đến hình tượng nghề nghiệp cá nhân
Khi bạn nhận được thông báo đến phỏng vấn tại một công ty sau một thời gian gửi hồ sơ xin việc, thường thì bạn sẽ làm gì? Lựa chọn một bộ quần áo hợp với mình, chuẩn bị tốt những giấy tờ cần trình lên cho nhà tuyển dụng, sau đó tính thời gian đến công ty phỏng vấn theo đúng giờ quy định. Nhưng cũng có những người vội vội vàng vàng chạy đến nơi phỏng vấn, muộn đã đành, quần áo đầu tóc trang điểm lại không hợp với hoàn cảnh, tạo ấn tượng đầu tiên cho nhà tuyển dụng là đến hình tượng bản thân còn không chú trọng, người như vậy nhà tuyển dụng có thể yên tâm mà giao công việc cho không?
Người không chú trọng hình tượng nghề nghiệp cá nhân thông thường rất khó làm cho nhà tuyển dụng có hứng thú mà thêm bước nữa tìm hiểu anh ta, vì thế khi phỏng vấn nên chỉnh đốn lại mình, nhất định phải coi trọng hình tượng nghề nghiệp của mình.
4. Người chỉ nói đến tiền lương
Một công ty nọ cần tuyển một nhân viên kỹ thuật công trình, không ít sinh viên đến từ các trường Đại học khác nhau, trong đó có một sinh viên sau vòng phỏng vấn nhà tuyển dụng cảm thấy cậu ta rất được nhưng lại chỉ là một sinh viên chính quy vừa tốt nghiệp đại học, chưa có kinh nghiệm nghề nghiệp nào cả, vậy mà đòi lương còn cao hơn cả lương ông kiến trúc sư lão làng đã làm việc nhiều năm. Đương nhiên nhà tuyển dụng đó không thể chấp nhận. Nói đến chuyện tiền lương trong khi phỏng vấn xin việc vào một thời cơ hợp lý cũng là điều cần phải học hỏi. Cho dù tiền lương đối với bạn nằm tại vị trí hàng đầu thì cũng tuyệt đối không được cứ mở miệng lại nói đến chuyện tiền lương.
5. Người vừa nghe đối diện với áp lực công việc đã “sợ xanh mắt mèo”
Khi bạn đứng trước nhà tuyển dụng mà thao thao bất tuyệt thể hiện năng lực bản thân, nhà tuyển dụng sẽ nói rõ cho bạn những khó khăn và áp lực của công việc mà bạn sẽ phải đối mặt, chính như câu tục ngữ nói: “Lời xấu nên nói lên đầu”. Nếu bạn lộ ra vẻ sợ hãi hoặc đang cân nhắc khả năng của mình không thể vượt qua, một nhà tuyển dụng có kinh nghiệm sẽ không thu nhận bạn. Khó khăn và áp lực trong công việc mới là điều mà bạn cần có chuẩn bị tâm lý từ trước. Nếu ngay đến dũng khí đối diện với khó khăn và áp lực công việc còn không có thì làm sao bạn có thể làm tốt công việc được?
Trên con đường tìm việc, mỗi người đều nên tránh những vấn đề trên, như vậy mới có thể cầm chắc phần thắng vòng phỏng vấn trong tay. Đương nhiên, tìm việc có thành công hay không còn phụ thuộc vào những yếu tố khác nữa.