5 nghề lương cao nhưng vẫn bị … chê
Lượt xem: 27,979Xem thêm cơ hội tìm việc làm mới tại CareerViet :
Thị trường lao động Mỹ hiện nay có một nghịch lý: Nhiều nghề có thu nhập cao thậm chí rất cao nhưng ít người chịu làm vì nhiều lý do. Tạp chí Business Pundit liệt kê 5 nghề có mức lương cao sau đây nhưng khó tìm được người làm.
1. Bắt cua biển
Kênh truyền hình Discovery Channel từng làm bộ phim tài liệu ăn khách về nghề này với tựa đề: “Những cuộc đánh bắt chết người”. Một tựa đề nói rõ tính chất của một nghề được xem là nguy hiểm nhất ở Mỹ.
Người làm nghề này phải đến vùng biển lạnh lẽo của bang Alaska chịu trận trong mùa dông bão – mùa này mới bắt được nhiều cua biển nhất. Họ cũng phải xa nhà nhiều tháng bởi mùa bắt cua chỉ có một lần trong năm.
Nói chung, nghề này đòi hỏi sức khỏe hơn người, can đảm cũng hơn người. Bù lại thu nhập thuộc loại cao nhất: một ngư dân lành nghề có thể kiếm được 50.000 USD (810 triệu VNĐ) trong vòng 8 tuần. Thế nhưng, nghề này mặc dù được xếp hàng đầu các nghề có thu nhập cao nhưng ít người chịu làm.
2. Bác sĩ chuyên khoa dạ dày-ruột
Thẳng thắn mà nói hầu hết các bệnh nhân đều không có cảm tình với bác sĩ chuyên khoa này. Nhất là khi bác sĩ thực hiện những ca nội soi ruột kết, kết tràng hoặc siêu âm tuyến tiền liệt qua ngả trực tràng. Những ca này gây nhiều đau đớn cho bệnh nhân.
Tệ hại nhất, chiếm hầu như toàn bộ thời gian của bác sĩ chuyên khoa này là làm những động tác đơn điệu và lặp đi lặp lại nhiều lần. Họ còn phải chứng kiến sự đau khổ của bệnh nhân. Sự dễ chịu duy nhất cho những người chọn nghề này là thu nhập rất cao. Một bác sĩ loại trung bình cũng có thể kiếm được 269.500 USD/năm (4,39 tỉ VNĐ).
3. Bác sĩ chuyên khoa chân
Đây cũng là một nghề hái ra tiền trong ngành y khoa Mỹ. Theo website tiền lương Salary.com, người làm nghề này có thể kiếm 149.527 USD/năm (2,43 tỉ VNĐ).
Tuy ngon cơm như vậy nhưng rất ít người chọn chuyên khoa này vì hai lẽ. Thứ nhất, mỗi ngày phải đối mặt với những ngón chân bị viêm tấy, thậm chí ung nhọt chẳng có gì là hấp dẫn. Thứ hai, cũng mang danh bác sĩ như ai nhưng thường bị các bác sĩ khác xem thường.
4. Kế toán
Ở Mỹ người ta thường gọi đây là nghề “đếm đậu”. Kế toán viên được coi là những “người chán ngắt”. Cái nghề ngồi suốt một chỗ, đánh vật với những con số không biết nói năng dưới ánh đèn nê-ông sáng bệch không hấp dẫn chút nào đối với thanh niên.
Tuy nhiên, đối với ai yêu thích con số, thích cặm cụi một mình trên bàn thì đây là nghề có thu nhập khá. Người mới vào nghề có thể kiếm không chút khó khăn 41.000 USD/năm. Nhưng nếu giỏi nghề, có kinh nghiệm “chiến trường” lâu năm thì mức lương có thể lên đến 200.000 USD/năm (3,26 tỉ VNĐ).
5. Môi giới mua bán
Có đến 90% người Mỹ không chịu làm nghề này vì đó là nghề không có lương chỉ hưởng tiền cò nếu thực hiện được những giao dịch mua bán. Bởi vậy chỉ có một số ít người tự tin và năng động mới chịu làm nghề này. Những người môi giới giỏi có thể tạo một cuộc sống tương đối đầy đủ bởi thu nhập không đến nỗi tồi.
Những người môi giới bán xe hơi, bán hàng điện tử và đầu tư ngân hàng, chẳng hạn, có thể kiếm dễ dàng 100.000 USD/năm (1,63 tỉ VNĐ).