5 “truyền thuyết” sai lầm về thu nhập
Lượt xem: 24,957Thoả thuận lương có thể là một trong những phần khó khăn, gây tâm lý căng thẳng nhất khi bạn tìm kiếm công việc mới. Nhưng nếu chỉ chăm chăm nhìn vào phiếu lương trong quá trình đàm phán thì dường như bạn đang phạm sai lầm rất lớn cho “độ dày của ví” trong tương lai.
Muốn cố gắng triệt để ngay hôm nay để ngày mai thành công hơn? Hãy bắt đầu bằng cách vứt bỏ ngay niềm tin ngây thơ vào 5 truyền thuyết gây tranh cãi sau đây:
1. GIỮ BÍ MẬT THÔNG TIN VỀ LƯƠNG BỔNG
Tôn giáo, chính trị và tiền bạc từng được xem là 3 chủ đề cấm kỵ hàng đầu không nên bàn tán, thế nhưng có vẻ nó không còn đúng với thế hệ trẻ nữa. Cara Silletto, nhà sáng lập của công ty nhân sự Crescendo Strategies đã nói: “Mọi người thường được khuyên rằng không nên nói về tiền bạc, nhưng có một sự thay đổi rất lớn trong tính cách thế hệ dẫn đến xu hướng mở về lương bổng”.
Sự bùng nổ của các phương tiện truyền thông xã hội và các website nổi tiếng về lương như Indeed.com và Glassdoor.com cũng đóng vai trò quan trọng, khiến chủ đề lương bổng được đề cập phổ biến hơn hẳn 10 năm trước. "Những phụ nữ trẻ nói riêng đã chấp nhận sự phát triển minh bạch này như là cách trao quyền cho mình và ủng hộ xu hướng trả lương công bằng." Biết được người đồng nghiệp bàn bên cạnh đang sở hữu mức lương cao hơn 25% sẽ có thể thổi bùng lên trong bạn mong muốn được đề nghị tăng lương hoặc nhảy việc nhằm tìm thêm cơ hội mới. Hãy chớp lấy cơ hội!
2. ĐỀ NGHỊ MỨC LƯƠNG THẤP HƠN MONG MUỐN ĐỂ CÓ THÊM CƠ HỘI NHẬN VIỆC
Chúng ta đều biết điều này: Các mẫu đăng ký dự tuyển thường yêu cầu ứng viên điền vào đó mức lương mong muốn, và nó khiến bạn do dự. Bạn tự hỏi nếu ghi ra mức lương thấp nhất mình có thể chấp nhận sẽ khiến bạn có khả năng được xem xét nhiều hơn. Ryan Kahn, người sáng lập The Hired Group và tác giả How to get Hired, đã nói: “Tuyệt đối không được hạ thấp con số”. Chắc chắn việc đưa ra một mức lương siêu rẻ có thể khiến bạn nhanh chóng nhận được lời mời phỏng vấn, nhưng sau đó công ty sẽ dựa vào đó làm cơ sở cho mọi đàm phán lương chính thức về sau. Nói cách khác, bạn hãy chuẩn bị tinh thần để đuợc trả thấp hơn giá trị. “Thay vì vậy, hãy đưa ra một mức lương kỳ vọng trong khoảng mà bạn cảm thấy thoải mái nhất!”
3. MỖI LẦN THAY ĐỔI CÔNG VIỆC PHẢI THÊM 10% TĂNG THU NHẬP
Đôi khi, việc nhẫn nại để tối đa hết mọi tiềm năng lâu dài về thu nhập có thể là một bước lùi để tạo nên “bước tiến vĩ đại”. Lấy ví dụ, thay đổi lĩnh vực thường đòi hỏi người lao động bắt đầu từ vị trí thấp mà lương nhận lại chỉ bằng một phần những gì bạn đang kiếm được. Nhưng nếu như các cấp bậc cao hơn trong ngành nghề mới này sẽ có mức chi trả tốt hơn lĩnh vực bạn đang làm nhiều, cũng đáng để bạn chịu đựng một sự cắt giảm nhỏ trong thời gian này.
4. SỰ TRẢ CÔNG VÀ LƯƠNG LÀ MỘT
Quả thực số tiền hiển thị trên phiếu lương bạn nhận mỗi tháng là rất quan trọng. “Nhưng lương không phải đã là tất cả, đã bao gồm đủ những gì hai bên đề cập khi thoả thuận nhận việc”, Kahn nói. Hãy tìm hiểu xem bạn có thể nhận được cổ phiếu ưu đãi hay khả năng trở thành cổ đông của công ty hay không. Công ty có chi trả để bạn tham gia các khoá học bồi dưỡng chuyên môn hoặc đóng bảo hiểm cao nhằm chuẩn bị cho khoản tiết kiệm lúc về hưu? Nếu chỉ mải tập trung đàm phán số tiền lương chính thức, có khả năng bạn sẽ quên mất đi những quyền lợi quan trọng trong việc đầu tư cho tương lai giàu có của mình.
5. NÊN BỎ QUA CÁC CƠ HỘI VIỆC LÀM TRẢ LƯƠNG THẤP HƠN MONG ĐỢI NGAY TỪ ĐẦU
Có thể là chuyên viên tuyển dụng tìm được bạn thông qua LinkedIn hoặc là bạn ứng tuyển trực tuyến, nhưng rồi sau đó trong lúc dự phỏng vấn bạn mới khám phá được rằng mức lương cho vị trí này thấp hơn mong đợi. Kahn nói rằng “Đừng tháo chạy! Rất nhiều người đã có phản ứng tức thời là từ chối phỏng vấn, nhưng luôn có một khả năng là bạn sẽ chinh phục được nhà tuyển dụng và họ sẽ cân nhắc sắp xếp cho bạn một vị trí ngoài nhu cầu tuyển dụng.”
Hãy khiến nhà tuyển dụng ấn tượng với chuyên môn và kinh nghiệm của bạn, rồi biết đâu họ sẽ linh động ngân sách từ phòng ban khác sang để đảm bảo mức lương và mở ra một vị trí cấp cao hơn nhằm giữ cho bằng được bạn với công ty. Chiến lược này đôi khi khó có thể xảy ra, nhưng thực tế là các công ty không thể biết hết giá trị của bạn cho đến khi bạn thể hiện ra.”
Kinh nghiệm thực tế của bạn như thế nào, hãy chia sẻ với CareerViet.vn nhé!
Nguồn hình: Freepik