6 niềm tin sai lầm của người tìm việc
Lượt xem: 14,624Nếu bạn không chủ động, CV của bạn sẽ bị lãng quên trong đống hồ sơ cao như núi này. Nhiều ứng viên rất tự tin khi xin việc. Họ tin vào khả năng cũng như quan điểm của mình. Nhưng niềm tin của họ không phải bao giờ cũng đúng.
Nếu nhà tuyển dụng thích những gì họ đọc trong CV của tôi, họ sẽ gọi tôi
Sự thực: Một công việc tốt không bao giờ đến tay những người chỉ biết ngồi chờ điện thoại. Dù kỷ nguyên thông tin đã giúp gửi CV thật dễ dàng, nhưng nhiều người quên rằng nhấn nút “Send” không đồng nghĩa công cuộc tìm việc đã chấm dứt. Mỗi ngày nhà tuyển dụng nhận rất nhiều CV, vì thế họ có quyền bỏ sót. Tại sao bạn không nhắc họ?
Không đăng tuyển tức là không cần nhân viên mới
Sự thực: Trong khi có rất nhiều cơ hội việc làm được tìm thấy trên báo thì còn nhiều vị trí trống khác không bao giờ được đăng tuyển. Lí do có thể là vì nhà tuyển dụng muốn tự chọn lọc ứng viên từ nguồn xin việc hoặc dựa vào các mối quan hệ cá nhân. Do đó, ngoài việc tích cực “ghé thăm” các quảng cáo tuyển dụng, bạn cần phải chủ động gọi điện cho các công ty mà bạn quan tâm. Hãy liên hệ với phòng nhân sự hoặc trực tiếp với phòng ban có nội dung công việc phù hợp để hỏi về những “ghế trống”.
Lá thư xin việc không quan trọng bằng CV
Sự thực: Có thể bạn đúng, nhưng điều đó không có nghĩa là nó có thể vắng mặt, hoặc nó không cần được chăm chút. Mặt khác, lá thư xin việc có thể là một lợi thế của bạn. Hãy nhớ rằng mảnh giấy này có 4 mục đích quan trọng: đánh dấu những vấn đề thực sự phù hợp hoặc gây ấn tượng trong CV của bạn; bổ sung các thông tin mới phù hợp với vị trí ứng tuyển cụ thể; bày tỏ sự quan tâm của bạn với công việc; giải thích những vướng mắc có thể có từ CV như những khoảng thời gian trống giữa các công việc bạn đã làm.
Giải trình công việc cũ trong CV
Sự thực: CV cần phải mang đến cho người đọc, tức nhà tuyển dụng, một ý niệm về những vị trí mà bạn đã nắm giữ chứ không phải là một trang mô tả việc làm. Bạn nên viết CV như một bài quảng cáo cho chính bản thân mình. Bạn cần phải đưa ra các ví dụ về thành tích của bạn. Hãy tập trung vào các kết quả, các con số cụ thể và mạch lạc.
Càng gửi nhiều CV càng tốt
Sự thực: Đây là một chiến lược tìm việc được nhiều người sử dụng với ý nghĩ rằng như thế sẽ có thêm nhiều cơ hội việc làm hơn. Trong thực tế, chiến lược này thường không mang lại thành công. Quá trình tìm việc của bạn cần tập trung vào chất lượng chứ không phải số lượng. Bạn cần nghiên cứu thật kỹ, chọn ra vị trí ứng tuyển bạn thực sự ưng ý để “đầu tư”, thay vì gửi đi hàng loạt những bản CV “vô hồn”.
Kinh nghiệm trong CV cần được trình bày theo thứ tự thời gian
Sự thực: CV trình bày theo thứ tự thời gian rất phù hợp và hiệu quả đối với những người đã có thâm niên làm việc. Với các “tân binh”, có một phương pháp khác hay hơn: Những người mới ra trường với không nhiều kinh nghiệm “dắt túi” nên sắp xếp kinh nghiệm của mình thành các mục. Ví dụ như bạn đang thi tuyển vào vị trí bán hàng, bạn cần đặt ra một mục “Kinh nghiệm bán hàng” trong đó liệt kê các số liệu thích hợp. Điều này giúp cho nhà tuyển dụng dễ nhận định mối liên hệ giữa kinh nghiệm của bạn với vị trí ứng tuyển.
Theo Khuyến học