7 loại tâm lý cản trở sự thăng tiến
Lượt xem: 30,943Tâm lý là một trong những nhân tố quan trọng góp phần làm nên sự thành công về cả sự nghiệp và cuộc sống. Điều đó giải thích tại sao có những người mặc dù “đủng đỉnh” về tài năng, học vấn, năng lực nhưng sự thăng tiến lại quá xa vời với họ.
Nguyên nhân là do họ đã “mắc” phải những vấn đề tâm lý sau:
1. Tự ti, luôn thấy mình kém cỏi
Với lý do mình chưa đủ giỏi, sợ không hoàn thành nhiệm vụ quá lớn lao mà thượng cấp giao cho hay ái ngại khi phải đảm nhiệm trọng trách nặng nề…một số người đã tự phá hoại, cản trở bước tiến của mình.
Đây là loại hành vi vô thức của những người “an phận thủ thường”, cầu toàn. Họ không muốn leo lên những chức vụ cao, thậm chí còn quá thỏa mãn với vị trí hiện hiện tại, cho rằng có “giậm chân tại chỗ” hay tụt thêm vài bậc cũng vô tư.
Nếu tình trạng tâm lý này kéo dài, họ sẽ đánh mất hình ảnh cũng như chính khả năng của mình, không ai muốn kết giao hay cân nhắc những người luôn cảm thấy tự ti, kém cỏi, thậm chí, bạn có thể là “ đối tượng” để một số người lợi dụng trên con đường thăng tiến của họ.
2. Hoài nghi, phiến diện
Cũng có thể do bạn quá thông minh, quá sắc xảo hay cũng vì bạn quá kém cỏi, không tin tưởng chính khả năng của mình…cho nên nhìn sự việc gì cũng đều có thái độ hoài nghi. Chính lý do ấy khiến bạn có cái nhìn chủ quan thậm chí phiến diện, đánh mất sự quyết đoán và nhạy cảm của mình.
Nhìn sự vật theo cảm quan, phân sự việc thành 2 loại: tốt và xấu. Và họ xác định thái độ “mộ tốt”, “bài xấu”, không chấp nhận tính hai mặt của một vấn đề. Do đó, tự mình hạn chế năng lực xã giao cũng như cơ hội thăng tiến của chính mình.
3. Tâm lý “phản nghịch”, quá đỗi tự tin
“Cậy” mình tài năng, thông minh nên cho mình là nhất, luôn bảo thủ ý kiến cá nhân, ai nói gì cũng để ngoài tai, sống theo phong cách của chính mình thậm chí đó là phong cách “quái đản” khác người. Do đó “mất lòng” đồng nghiệp và sếp là điều khó tránh khỏi.
Quá tự tin cũng dẫn đến tâm lý nóng vội muốn tiến đến thành công, nôn nóng muốn thể hiện minh, Họ đề nghị và đảm nhận những nhiệm vụ lớn lao, thậm chí vượt khả năng của mình. Khi gặp thất bại họ liền “biện hộ” bằng “sai lầm” kế tiếp: nhận những trọng trách lớn lao hơn để bù đắp. Đây là những người thiếu thực tế, luôn rơi vào “ tầm cảnh giác” của mọi người.
4. Làm như chơi, luồn lách, cơ hội
Không nghiêm túc trong công việc cũng như trong các mối quan hệ xã giao. Luôn tìm cách” đi cửa sau” hay “ đục nước béo cò” chờ cơ hội thăng tiến. Dù có thể ngồi vào vị trí cao đi nữa, “chiếc ghế” ấy sẽ dễ dàng bị lung lay nếu không có thái độ nghiêm túc cũng như tích lũy năng lực.
Trong mắt mọi người “đồ sâu mọt, ký sinh trùng” này không xứng đáng để kết bạn, nếu có người “tự nguyện” làm bạn với họ thì không vì mục đích nào khác là dựa dẫm, nhờ vả. Những “đối tượng” ấy là những kẻ cô độc nhất thế giới, bởi không một ai đối xử chân thành với họ.
5. Tham lam, không hiểu chừng mực
Lúc nào cũng muốn hưởng lợi dù là bằng sức mình hay dựa trên sức người khác, có “ăn” mà không có “chia”. Như một kẻ “bóc lột” để làm đầy túi tiền của mình bằng mồ hôi công sức của người khác, họ sẽ đánh mất nhân cách của chính mình, bị mọi người khinh bỉ cảnh giác cao độ.
Lại có những người không hiểu chừng mực, không biết điều gì nên nói hay giữ kín “không biết giữ mồm giữ miệng”, quá thật thà, không có mưu sâu kế hiểm hay ấp ủ tham vọng gì. Và cũng chính bởi vậy mà họ đánh mất cơ hội thăng tiến của mình.
6. Lạnh lùng, “đần độn” về tình cảm
Lạnh lùng không những được biểu hiện ngay trên nét mặt của họ mà còn trong cách đối nhân xử thế. Không có lãnh đạo nào có thể “trụ” được khi không có sự ủng hộ của dân. Thái độ này khiến người khác ái ngại, không dám đến gần, tự họ đã đánh mất cơ hội được trọng dụng.
Tâm lý này khiến họ đặt nhân tố tình cảm ra ngoài công việc một cách triệt để, không có khả năng “dùng đức thắng nhân” , thu phục nhân tâm. Vị trí thích hợp với họ là lãnh đạo một tập thể người máy.
7. Lạc hướng
Khả năng tư duy cũng như nhạy cảm về công việc kém, có những người luôn hoài nghi vào công việc đang làm, cuộc đời mình đang sống với những kiểu câu hỏi: công việc này có giúp ích được mục tiêu mà tôi theo đuổi không? Con đường tôi đang đi sẽ dẫn tôi đến đâu, đúng hướng hay lạc hướng? Phải chăng công việc này kém xa với năng lực của mình, như vậy phí phạm quá chăng?... Chính bởi vậy họ không chuyên tâm vào công việc cũng như con đường thăng tiến của mình. Họ còn rời bỏ công việc đang làm, dù rất tốt, để tìm công việc mới mà theo họ có ý nghĩa hơn. Sự lệch lạc về hướng đi đôi khi lại khiến chủ nhân của nó “trắng tay”.