Bạn ghét việc, hay việc không chọn bạn?
Lượt xem: 15,726Đến một lúc nào đó, bỗng dưng bạn cảm thấy chán công việc hiện tại, thậm chí rất ghét. Những gì bạn từng thực sự đam mê giờ lại là nguồn cơn của sự vỡ mộng. Bạn phát ốm với những việc phải làm, nó khiến bạn lo âu, căng thẳng. Giống như bất kỳ mối quan hệ tình cảm nào khác, mọi thứ không phải chỉ một chiều. Có thể công việc bạn đang làm cũng đã chán ghét bạn lắm rồi, nhiều đến nỗi nó muốn bạn rời khỏi nó càng sớm càng tốt – ngay trong hôm nay.
Có thể công việc bạn đang làm cũng chán ghét bạn
Bạn có muốn tìm hiểu nguyên do vì sao công việc đó lại “rút” hết hào hứng của bạn?
1. Bạn lo xây dựng mối quan hệ một chiều
Xây dựng quan hệ tốt với sếp, giúp họ đạt được hiệu quả và hoàn thành mục tiêu của mình... tất cả đều rất quan trọng. Nhưng mối quan hệ với người cùng nhóm và các đồng nghiệp khác còn quan trọng hơn nhiều. Dành mọi sự quan tâm cho những giao tiếp với sếp hơn các mối quan hệ khác là một tác hại rất lớn. Nếu là một trưởng nhóm, hãy làm thế nào để truyền cảm hứng, tạo động lực, phát triển và khai thác sức mạnh nhân viên, dẫn dắt tất cả đến gần với mục tiêu của nhóm và lợi ích của công ty. Thể hiện cho cấp trên thấy được bạn đã vận hành dây chuyền công việc của từng nhân viên trong bộ phận mình hiệu quả như thế nào. Điều duy nhất thể hiện bạn quản lý giỏi chính là nhóm của bạn hoạt động tốt ra sao.
2. Đứng núi này trông núi nọ
Bạn đang chán việc chỉ vì lý do, những điều thú vị, mới lạ đã trở nên quen thuộc và không còn hấp dẫn. Đây là lý do bạn đang thăm dò một công việc khác bằng cách lẳng lặng tìm kiếm các thông tin tuyển dụng. Bạn dành thật nhiều thời gian cho việc tìm kiếm công việc mới, trong khi vẫn còn liên quan và phụ trách công việc hiện tại. Điều đó có nghĩa, bạn bắt đầu lơ là các mối quan hệ trong công việc hiện tại. Thái độ đứng núi này trông núi nọ sẽ làm ảnh hưởng đến kết quả và các mối quan hệ chuyên nghiệp cũng như tinh thần nhân viên của bạn. Bạn nghĩ rằng mình kín kẽ nhưng sự thật, bạn không giấu được ai cả.
Hãy làm thật tốt công việc hiện tại của mình thì hơn. Làm mới lại những mục tiêu có thể nhắc nhở về những lý do khiến bạn từng yêu thích công việc này và bạn có thể dễ dàng tìm hiểu để yêu nó một lần nữa.
Đứng núi này trông núi nọ
3. Tập trung sai mục tiêu
Bạn sẵn sàng làm việc thật siêng năng, hiệu quả, nhưng chỉ khi được trả tiền? Vậy khi đã có được ví trí và mức lương như mong muốn, bạn sẽ nỗ lực vì điều gì? Nếu bạn sở hữu cổ phần của người sáng lập, sau đó bạn có còn sẵn sàng để thể hiện khả năng làm việc tốt nhất?
Hãy để những điều đó lại phía sau. Khi bạn làm việc sáng tạo, chăm chỉ và cố gắng hết sức để đóng góp cho sự thành công và mục tiêu của công ty thì đồng thời mục tiêu cá nhân của bạn cũng được cải thiện. Công ty sẽ nhìn thấy những nỗ lực đó. Nếu công ty của bạn không phải là một công ty tốt, thì có lẽ đây thực sự là lúc để ra đi. Nhưng nếu đây là một công ty luôn ghi nhận sự cần cù, cống hiến và nghị lực của nhân viên, bạn hãy góp sức làm cho nó tốt hơn nữa. Trong thời gian đó bạn sẽ xây dựng một sự nghiệp vững vàng cho chính mình.
4. “Tôi là số một”
Bạn thường nhắc đến cấp bậc của mình trong tổ chức hoặc về những nhiệm vụ bạn đã hoàn thành, cũng như luôn thể hiện cho người khác thấy mình “có giá” như thế nào. Chức danh của bạn có quan trọng hơn công việc mà bạn thực hiện và giá trị mà bạn tạo ra hay không? Nhân viên giỏi quan tâm đến việc họ làm hơn là vị trí họ đảm trách. Họ biết vị trí đôi khi có thể mang lại lợi ích, nhưng thành tích và hiệu quả công việc thực sự thì luôn có ý nghĩa và giá trị. Như mọi mối quan hệ tốt đẹp khác, công việc sẽ trở nên “dễ thương” trong mắt bạn khi biết cách xây dựng vun đắp cho nó, và rồi đổi lại tự nó sẽ tạo ra lại những điều tốt nhất cho bạn.
5. Chờ đợi những việc tốt đẹp tự đến
Bạn chờ đợi một người chủ mới, người cuối cùng cũng nhận ra giá trị của bạn. Bạn ước ao được phân công phụ trách một dự án to lớn có vị trí cao hơn để bạn thể hiện rằng mình có thể tỏa sáng như thế nào. Bạn ước mơ, và bạn chờ đợi.
Công việc của bạn không muốn bạn phải chờ một vị cứu tinh, nó muốn bạn tự cứu lấy mình. Ông Denis Jean Desjardins – Giám đốc Phát triển Kinh doanh CareerViet Việt Nam – đã nói, “hãy chứng minh giá trị của bạn và sếp sẽ nhận ra. Chủ động nhận lấy những trách nhiệm rồi các cơ hội lớn sẽ tự tìm đến.” Kiểm soát tương lai của chính mình, công việc của bạn sẽ trân trọng bạn nhiều hơn và bạn cũng sẽ cảm nhận được giá trị của chính mình nhiều hơn.
6. Chỉ nghĩ đến những điều cao xa
Sáng kiến tuyệt vời và những bước đột phá có thể xây nên sự nghiệp vững vàng. Vấn đề là, đổi mới và đột phá rất khó để phát triển, thậm chí còn khó khăn nhiều hơn khi thực hiện. Đại đa số mọi người đạt được thành công bằng sự tập trung, làm việc chăm chỉ và thực hiện xuất sắc nhiệm vụ. Đừng bỏ quên những chi tiết trong khi bạn tìm kiếm ý tưởng về một bước đột phá đáng kinh ngạc. Nếu một ý tưởng lớn có thể đến, nó sẽ giúp bạn làm nên sự nghiệp. Nhưng thực hiện những ý tưởng nhỏ chắc chắn sẽ làm cho công việc có ý nghĩa với bạn hơn và đây là nền tảng cho sự nghiệp mà bạn thực sự có thể tự hào.
Cuộc sống quá ngắn ngủi để dành thời gian cho một công việc bạn không ưng ý. Hãy gắn bó với những điều bạn yêu thích, nỗ lực vì nó và tận hưởng kết quả mình tạo ra mỗi ngày.