Bạn trẻ, hãy bước vào cuộc sống với cái đầu "trống"

Lượt xem: 17,618

Với những cái đầu "đầy" thì có rót thêm vào, tự nó cũng tràn ra" - Doanh nhân Tạ Thị Ngọc Thảo chia sẻ với giới trẻ.

"Sai lầm mà thanh niên thường mắc là tự mãn với những điều mình có. Hãy biết bước vào cuộc sống với một cái đầu "trống" để tiếp tục tích luỹ và chứa thêm càng nhiều càng tốt. Với những cái đầu "đầy" thì có rót thêm vào, tự nó cũng tràn ra" - Doanh nhân Tạ Thị Ngọc Thảo chia sẻ với giới trẻ.

Tuần Việt Nam xin gửi tới bạn đọc cuộc trò chuyện với giới trẻ của doanh nhân Tạ Thị Ngọc Thảo. Ngoài những chia sẻ kinh nghiệm, chị còn có bài viết gửi tới những bạn trẻ vừa thi rớt trong kỳ thi đại học vừa qua.

- Cô hãy cho biết cảm nghĩ của cô về giới trẻ ngày nay?

Tôi kỳ vọng nhiều về giới trẻ, nhất là giới trẻ có kiến thức và học vị. Tuy vậy, như tôi được biết, ngoài những thứ hạng cao đạt được trong một số kỳ thi theo kiểu “gà chọi” trên thi trường quốc tế còn thì chưa thấy giới trí giả trẻ có những hành động cụ thể, những đóng góp thiết thực góp phần làm thay đổi thực trạng của đất nước.

Trong khi đó, để thay đổi bộ mặt Việt Nam trên chính trường thế giới, dân tộc Việt Nam nếu không trông chờ vào giới trí giả trẻ thì còn biết trông chờ vào giới nào hơn nữa? "Giới già" chúng tôi đang mong sớm được chứng kiến giới trẻ làm chuyện “…nhà có phúc!”.

- Có phải vì ngày nay, cuộc sống đầy đủ hơn trước, nên nhiều bạn trẻ thiếu động lực để phấn đấu? Trước đây hoàn cảnh của cô có giúp cô phấn đấu nhiều hơn không ạ?

Tôi chưa bao giờ than trách hoàn cảnh của mình không thuận lợi bằng người khác bởi tôi hiểu một cách sâu sắc, ở một hoàn cảnh khác, sẽ có một TTNT khác. Và, TTNT khác đó chắc chắn không phải là TTNT của bây giờ. Các bạn trẻ ạ, nếu con người ta có thể lựa chọn hoàn cảnh, thì tôi sẽ chọn đúng hoàn cảnh như mình đã trải qua. Tôi trân trọng tôi của ngày hôm nay biết mấy.

- Mong cô hãy chia sẻ về những bài học vào đời trong cuộc sống?

Bài học vào đời của tôi à? Tôi xếp hàng xin việc làm để chỉ mong nhận được một mức lương trung bình thấp nhưng vẫn bị người tuyển dụng từ chối. Lý do là tôi không có bằng cấp, học vị (dù công việc mà tôi xin chẳng liên quan gì đến tờ giấy đó). Thay vì sầu não, giận đời, trách người, tôi suy nghĩ: "Nếu mình là người trả lương thì chẳng ai dám đòi xem bằng cấp, học vị của mình. Và thực tế đã chứng minh sự lựa chọn đó của tôi là đúng."

Bây giờ tôi hiểu sâu sắc hơn, Nhà nước không nên nhân rộng số người nhận lương; ngược lại, nên khuyến khích người dân của mình phấn đấu trở thành người trả lương. Tôi thiển nghĩ, một dân tộc càng nhiều người làm chủ thì càng ít người làm thuê. Đó là một trong những điều kiện giúp dân nghèo thoát khỏi thân phận nô lệ!

- Khi còn trẻ, cô có nghĩ sau này mình là một doanh nhân bất động sản thành đạt và là một cây bút sắc sảo trong nhiều vấn đề của xã hội?

Kinh doanh và cầm viết tưởng khác mà lại giống. Sự khác biệt của giới doanh nhân với các giới khác là phát hiện ra cơ hội kiếm tiền; sự khác biệt của giới cầm viết ở chỗ “thấy” được ở những điều mà giới khác cũng nhìn nhưng không “thấy”. Và, để người đọc nhớ người cầm viết thì phải viết những điều mà người đọc quan tâm, trăn trở với lối viết thuyết phục và độc đáo.

Tôi nghĩ, hoạt động trong cơ chế thị trường thì phải tôn trọng quy luật của nó. Doanh nhân hay người cầm viết đều phải nằm lòng: chẳng ai bỏ tiền ra mua loại hàng hóa mà người cung cấp không tư duy trên lợi ích khách hàng, cũng như chẳng ai bỏ tiền ra mua loại sách báo mà người viết không tư duy đến lợi ích người đọc!

- Gia đình có ảnh hưởng như thế nào đến thành quả của cô ngày hôm nay?

Khởi nghiệp, vì mong muốn thoát nghèo nhanh chóng nên tôi khao khát làm giàu, đôi khi làm giàu khá liều lĩnh. Bây giờ vì con trai của mình mà tôi biết gạn đục, khơi trong. Tôi thanh thản từ chối những thương vụ có thể thu được nhiều lợi nhuận nhưng gây thương tổn cho mình, cho người, hoặc làm nghèo đất nước. Tôi muốn con trai tôi hãnh diện về mẹ của nó.

- Cô nghĩ gì về vai trò của doanh nhân trong sự phát triển của cộng đồng, của xã hội ngày nay? Cụ thể tại Việt Nam.

Nghiên cứu về một số nước Châu Á, tôi biết, tại Hàn Quốc và Nhật Bản đã có một giai đoạn khốn đốn về kinh tế và, chính tầng lớp doanh nhân (tư nhân) đã sát cánh cùng Nhà nước, chẳng những vực dậy, mà còn tạo nên sự phát triển ngoạn mục tại các quốc gia này.

Lật lại lịch sử gần của Việt Nam, tôi thấy, đã có một thời gian dài đất nước mình có doanh nghiệp nhưng không có doanh nhân. Những thập niên đó kinh tế gần như đứng yên, trong khi các nước láng giềng vẫn phát triển thì đứng yên là thụt lùi.

Các nhà nghiên cứu đã khẳng định, doanh nhân là một trong những nhân tố đóng góp quan trọng vào sự phát triển của đất nước, cộng đồng và xã hội. Thực tế hơn 20 năm đổi mới ở Việt Nam đã chứng minh, đất nước phát triển là nhờ có nhiều doanh nghiệp, nhiều doanh nhân (tư nhân).

- Ước mơ của cô khi còn trẻ là gì? Bây giờ nhìn lại, cô thấy mình đã biến bao nhiêu phần ước mơ đó thành hiện thực?

Trong một bài làm văn lúc nhỏ tôi đã từng viết sẽ trở thành nữ Thủ tướng đầu tiên của Việt Nam. Nhiều khi nghĩ vui, nếu ước mơ làm Thủ tướng của tôi trở thành hiện thực, biết đâu, trên chính trường thừa một chính khách tồi và trên thương trường thiếu một doanh nhân giỏi?

- Hình mẫu cá nhân? Ai là người có ảnh hưởng lớn nhất đến sự thành công của cô ngày hôm nay?

Ngoại trưởng Condoleezza Rice của Hoa Kỳ là người phụ nữ mà tôi luôn dõi theo. Tôi kính trọng cả sự thành công và kính trọng cả nỗ̉i bất hạnh của Bà. Tôi biết, trong một đất nước mà kỳ thị màu da khá sâu sắc, là người da màu, Bà phải vĩ đại lắm mới giữ vững vị trí Ngoại trưởng trong một đất nước không có Thủ tướng.

Và, bây giờ nhiệm kỳ sắp mãn, Bà sắp rời khỏi chính trường, Bà sẽ sống như thế nào khi không có một gia đình riêng để ấp ủ, nương cậy? Trong mắt tôi, Ngoại trưởng Condoleezza Rice thật quắc thước trước các nguyên thủ nam giới và thật quyến rũ bên cây đàn Piano. Ngoại trưởng Condoleezza Rice đã ảnh hưởng đến đời sống của tôi không nhỏ.

- Cô có thể chia sẻ kinh nghiệm về thất bại “nhớ đời” nhất của cô là gì? Bài học? Cô đã vượt qua nó như thế nào?

Tôi không có bài học “nhớ đời” trong làm ăn, bởi tôi biết học một cách sâu sắc qua những thất bại của nhiều người khác và không bao giờ thấy là đủ. Nhân đây tôi lưu ý các bạn trẻ, học tập những người thành công rất quan trọng; nhưng học từ sự thất bại của người khác còn quan trọng hơn rất nhiều.

Khó khăn lớn nhất tôi phải vượt qua cũng là chuyện học, hầu như tôi không bỏ lỡ một cơ hội nào cho việc tự học và tự đào tạo mình. Tôi ý thức được rằng, tự học và tự đào tạo đó là con đường ngắn nhất đưa con người ta đến sự trưởng thành và thành đạt một cách bền vững.

- Theo cô, thanh niên thường mắc phải những sai lầm gì khi bước vào đời?

Theo tôi đó là, tự mãn vào những điều mình có. Điều đó cũng giống như bạn nhập cuộc với đời bằng cái đầu “đầy”; trong khi đáng lẽ chỉ với vài tấm bằng trong tay (dù của các trường danh tiếng nhất) và sự trải nghiệm chưa là mấy thì cái đầu cần phải “trống” để chứa thêm được càng nhiều càng tốt. Tôi thường không mất thời gian với những cái đầu “đầy”, tôi hiểu, có rót vào cũng tự nó cũng tràn ra.

- Cô có lời nhắn nhủ gì cho giới trẻ trong công cuộc xây dựng đất nước, trở thành người có ích cho xã hội?

Tôi muốn nhìn vấn đề này ở khía cạnh khác, khía cạnh của vĩ mô. Giới trẻ muốn góp phần xây dựng đất nước thì trước hết phải biết giành quyền được bình đẳng về cơ hội: cơ hội học tập, cơ hội việc làm, cơ hội cạnh tranh, cơ hội tiến thân, kể cả cơ hội yêu nước. Chừng nào cơ hội còn chưa bình đẳng cho mọi đối tượng thì ngay cả muốn trở thành người có ích cho xã hội cũng không dễ chút nào. Vì vậy, phải nuôi dưỡng ý chí, sáng tạo trong mọi công việc, không bằng lòng với hiện tại và luôn vươn lên cái mới.

- Là một nữ doanh nhân thành đạt, cô dung hòa thế nào giữa sự bận rộn của kinh doanh và thời gian dành cho gia đình?

Tôi không dung hòa mà tách bạch: Ở công ty tôi là chủ, vì vậy chủ phải ra chủ; ở gia đình tôi là “phái yếu” (làm bộ yếu) để được “phái mạnh” cưng chìu, che chở. Tôi luôn dặn mình, không đem “con người nguyên tắc” về nhà và không đem “con người xuề xòa” vào Công ty!

- Tính thẳng thắn bộc trực có khó khăn và thuận lợi gì từ khi lập nghiệp tới giờ? Và có phải khi người ta phải có vị thế về kinh tế hoặc địa vị xã hội thì “chính kiến” của người ta mới có “sức nặng”.

Trong giao thương tôi thích làm ăn lâu dài với những đối tác “được nói được, không nói không, và chỉ nói một lời”. Trong giao hảo, tôi thường cảnh giác với loại người trơn lùi như con lươn, nói vòng vo, ngon ngọt. Tới bây giờ tôi vẫn tuân thủ nguyên tắc này bởi nó giúp tôi thành công.

Chẳng biết người khác có bị vị thế kinh tế, địa vị xã hội của người khác “đè” trong giao tiếp không, riêng tôi thì không! Có lẽ nhờ vậy tôi thường nghĩ thoát và tư duy một cách độc lập.

- Theo cô thì có phải là thẳng thắn và bộc trực đồng nghĩa với “không bao giờ đi đường vòng”?

Chỉ có một con đường duy nhất là phải đạt bằng được mục tiêu của cá nhân, (hoặc) của doanh nghiệp, (hoặc) của đất nước. Theo tôi, không có con đường vòng, đường thẳng, chỉ có con đường đúng và con đường sai, mà thôi.

- Sự thành đạt của cô trong sự nghiệp và cuộc sống có ảnh hưởng đến những người thân của cô như thế nào?

Đã là con người thì phải biết chia sẻ sự no đói với cộng đồng, huống chi là người thân của mình. Tôi thường áy náy khi lỡ tiêu xài hơi quá tay trong khi những người chung quanh tôi còn nhiều thiếu thốn.

Trong khi đó tôi thấy một số người trẻ vẫn phải dựa vào gia đình để sống đã học đòi chi tiêu hoang phí, còn sống sượng cho rằng như thế mới “sành điệu”. Tôi thật sự ái ngại cho những người trẻ đó vì tiên đoán được tương lai của họ.

- Theo cô thì làm sao để tên của một con người trở thành một thương hiệu, một uy tín.

Hãy bắt đầu từ những việc rất nhỏ như đúng giờ, đúng hẹn, lời nói đi đôi với việc làm và điều gì đã hứa bằng mọi cách phải thực hiện hết trong khả năng có thể. Lớn hơn là phải tạo được sự yên tâm, tiện lợi cho khách hàng khi sử dụng sản phẩm (hoặc dịch vụ) của doanh nghiệp. Thương hiệu sẽ được khẳng định hơn nữa nếu doanh nghiệp hướng dẫn được thị hiếu tiêu dùng, trao cho khách hàng những sản phẩm ngày một hoàn hảo hơn, thỏa mãn yêu cầu của khách hàng ngày càng cao hơn.

Bài viết khác

Khám phá các chứng chỉ tiếng Anh như IELTS, TOEFL, TOEIC và Cambridge. Cùng CareerViet tìm hiểu đặc điểm, mục đích và cách chọn chứng chỉ phù hợp với nhu cầu.

Xem thêm

Interior Design là thuật ngữ được sử dụng phổ biến trong ngành xây dựng - nội thất. Vậy Interior Design là gì? Hãy tìm hiểu qua bài viết của CareerViet nhé!

Xem thêm

Nhân sự là gì? Cùng khám phá ngay khái niệm nhân sự, việc làm nhân sự, tiền lương và tính cách phù hợp để trở thành chuyên viên nhân sự nhé!

Xem thêm

PR là gì? Hay PR là viết tắt của từ gì? Vai trò và các loại hình PR phổ biến hiện nay? Cùng CareerViet tham khảo ngay qua bài viết này để hiểu rõ hơn nhé!

Xem thêm

Bạn muốn tìm hiểu về ngành Animation? Bài viết này sẽ giới thiệu chi tiết về animation là gì, từ định nghĩa cơ bản đến những cơ hội nghề nghiệp hấp dẫn.

Xem thêm

Mockup là cầu nối giữa ý tưởng và thực tế. Tìm hiểu mockup là gì, vai trò của mockup trong thiết kết tại sao mockup lại là công cụ không thể thiếu của designers

Xem thêm
Gửi tôi việc làm tương tự
Tạo ngay