Bằng cấp: Chưa đủ để thành công
Lượt xem: 33,221Xem thêm cơ hội tìm việc làm mới tại CareerViet :
Nếu không có kỹ năng làm việc đội nhóm, không đặt tinh thần tập thể lên trên hết thì nhân viên khó có thể trụ lại doanh nghiệp...
Gần 1.000 sinh viên đã chia sẻ kinh nghiệm làm việc với các doanh nhân tại chương trình giao lưu “Hành trình khởi nghiệp” do Trường ĐH Nông Lâm TPHCM tổ chức tại Ngày hội Việc làm cuối tuần qua. Với các doanh nghiệp, để thành công trên con đường nghề nghiệp, các bạn trẻ không chỉ cần có bằng cấp mà còn phải có kỹ năng và sự phấn đấu, học tập không ngừng nghỉ.
Cần kiến thức, thái độ, kỹ năng
Nhiều sinh viên bày tỏ, khi cầm tấm bằng đại học trong tay, họ đã nghĩ rằng mình đủ điều kiện để đi tìm việc. Nhưng họ thật sự ngạc nhiên khi biết rằng để được tuyển dụng, ngoài kiến thức, thái độ và kỹ năng làm việc là hai điều kiện mang tính quyết định. Thế nhưng, có đến 90% sinh viên khi tốt nghiệp thiếu những kỹ năng cần thiết. Ông Vũ Xuân Trường, Giám đốc nhân sự Công ty Theodore Alexander, chia sẻ với các sinh viên: “Nếu các bạn học giỏi mà không biết chứng minh kết quả học tập của mình bằng khả năng thuyết trình, lập luận thì kết quả ấy sẽ không được nhà tuyển dụng chú ý. Đặc biệt ngày nay, xu hướng làm việc tập thể luôn được chú trọng mà bạn không biết kỹ năng làm việc theo đội nhóm, không đặt tinh thần tập thể lên trên hết thì cũng khó có thể trụ lại cùng doanh nghiệp”.
Trung thực luôn được đánh giá cao
“Khi làm việc với bất kỳ một đối tác nào, nếu họ cho tôi thấy sự thành thật, tôi mới đàm phán. Cũng như trong tuyển dụng, ứng viên nào thật lòng, tạo cho tôi niềm tin tôi mới tuyển dụng”. Bà Nguyễn Thị Xuân Mai, Phó Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Điện Bàn, cho biết nguyên tắc tuyển dụng của mình.
Chia sẻ với các bạn trẻ về bí quyết thành công của mình trong hơn 30 năm làm việc, ông Trần Ngọc Viễn, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Hóa nông Hợp Trí, cho rằng đó là sự học tập không ngừng bất kể trong hoàn cảnh nào. Với phương châm ấy, trong mấy mươi năm làm việc, ông đã hoàn tất nhiều khóa học nâng cao kiến thức như kế toán, tài chính, kinh doanh, giám đốc điều hành... Thậm chí, những năm tháng làm việc với người nước ngoài, ông cũng học hỏi cả cái hay lẫn những thất bại của họ. Theo ông, mỗi khóa học cũng như những kinh nghiệm học được từ đồng nghiệp đều cung cấp cho mình kiến thức nhất định mà không thể có được từ giảng đường.
Chấp nhận làm trái với chuyên ngành
Tìm được việc làm đúng với chuyên ngành là mong muốn của không ít bạn trẻ khi ra trường. Tuy nhiên, theo các nhà tuyển dụng, làm việc trái chuyên môn cũng là cơ hội để các bạn trẻ trải nghiệm, tìm ra thế mạnh của bản thân. Tại buổi giao lưu, nhiều bạn trẻ rất tâm đắc với câu chuyện “làm trái chuyên môn” của ông Phạm Văn Minh, Giám đốc Công ty Phú An Sinh.
Ngay khi tốt nghiệp đại học, vì không tìm được việc đúng với chuyên ngành đã học, ông Minh chấp nhận làm đủ nghề từ nuôi tôm, nuôi trăn – ngành mà ông không hề học. Thậm chí, ông còn làm cả việc kinh doanh! Và chính thời gian làm việc ấy đã cho ông nhiều kinh nghiệm. Những kinh nghiệm đó đã hỗ trợ ông rất nhiều trong việc điều hành, quản lý sau này. Ông cho biết: “Giờ đây tôi có thể hiểu nỗi khổ cực của công nhân, của nhân viên kinh doanh. Chính sự hiểu biết đó đã giúp tôi có cái nhìn đúng hơn về công việc của họ để có cách giữ người hợp lý”.