Bảo toàn nhân sự thời bão giá
Lượt xem: 15,191
Doanh nghiệp đang tìm mọi cách giữ chân nhân tài ở lại trong cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. |
Vị giám đốc của một doanh nghiệp xuất nhập khẩu than thở từ ngày giá cả leo thang, những nhân viên có kinh nghiệm và năng lực vững vàng một chút cứ lần lượt giũ áo ra đi sau khi nộp lá đơn xin thôi việc trình bày hoàn cảnh này nọ. Mãi rồi quen, đến giờ không cần đọc, ông cũng hiểu họ quyết ra đi vì cái gì. Hỏi ông không có biện pháp nào để ngăn chặn tình trạng này thì ông bảo người ta đi vì đồng tiền bát gạo, giữ thì cũng chỉ được một lần, mà giá cả tăng chóng mặt như bây giờ thì đúng là ông phải bất lực. Bởi nếu tăng lương thì phải tăng lương đồng loạt mà trong tình cảnh hiện tại công ty cũng gặp nhiều khó khăn về vấn đề tài chính, nhiều hợp đồng khách hàng không còn đủ khả năng thanh toán, thử hỏi lấy đâu ra chi phí dành cho nhân sự nữa.
Thu Huyền đang "ăn nên làm ra" ở một công ty nước ngoài thì bất ngờ xin nghỉ việc để đầu quân cho một công ty khác, dù công việc nặng nhọc hơn nhưng bù lại mức lương giúp Huyền có thể sống thoải mái trong điều kiện khó khăn chung của cả nền kinh tế. Huyền bảo cô rất tiếc khi phải bỏ chỗ cũ ra đi vì đó là nơi Huyền đã cống hiến rất nhiều từ những ngày đầu ra trường đầu quân về đây nhưng cuộc sống buộc Huyền không có sự lựa chọn. Cô phải nuôi nổi bản thân đã thì mới có sức phấn đấu và cống hiến tiếp được chứ.
Trong điều kiện khó khăn như hiện nay, chi phí lương bổng gần như trở thành nỗi ám ảnh cho các doanh nghiệp khi mà chính họ còn thiếu vốn để xoay xở, vượt qua ảnh hưởng rộng lớn của cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu. Bởi vậy, không công ty nào còn hơi sức nghĩ đến chuyện tăng lương để giữ người ở lại. Nhiều công ty còn buộc phải cắt giảm nhân sự tới mức tối đa và coi đó là cách duy nhất giúp họ vượt qua cơn bĩ cực này. Cũng có nơi, nhân viên đồng ý để lãnh đạo giảm lương xuống, miễn sao còn có chỗ để làm việc bởi trong lúc dầu sôi lửa bỏng này, xin việc cũng là chuyện đau đầu. Nhiều nhân viên có năng lực hơn hẳn một chút mà không chịu được mức thu nhập này thì sẵn sàng ra đi.
Theo khảo sát của VietnamWorks, có đến 46% nhân viên cho biết sẽ nghỉ việc nếu mức lương ở công ty hiện tại không phù hợp với mong đợi của họ. Kết quả này cho thấy, ở chừng mực nào đó, đối với phần lớn người lao động, mức lương vẫn là yếu tố quan trọng nhất khi thỏa thuận công việc với nhà tuyển dụng. Một chuyên gia tuyển dụng cho biết với tình hình lạm phát đang đẩy đại đa số người lao động đối mặt với cơn bão giá, tỷ lệ này có thể sẽ còn cao hơn.
Doanh nghiệp đang thực sự đối mặt với vấn đề đau đầu hiện tại và sắp tới là làm sao để cân đối lợi ích giữa doanh nghiệp đồng thời vẫn thu hút và giữ được nhân tài. Nhiều công ty đã lên hẳn một kế hoạch để đối phó với cơn khủng hoảng nhân sự. Với những nhân viên giỏi, chiêu giữ chân bằng cổ phiếu, quyền vay tài chính hoặc mua nhà, căn họ theo dạng trả góp cũng phát huy tác dụng. Một số doanh nghiệp còn áp dụng cách thức cho nhân viên chủ chốt hưởng chế độ vay tiền không lãi suất. Đây là phương thức hữu hiệu để tạo ra tâm lý gắn bó với doanh nghiệp.
Đối mặt với cuộc khủng hoảng nhân sự cần lắm những nhà quản lý giỏi chèo lái, thấu hiểu tâm lý và khéo léo, cẩn trọng trong bất cứ tình huống nhạy cảm nào để tránh làm mất lòng các nhân viên cấp dưới.