Bắt mạch cái bắt tay
Lượt xem: 13,245Cái bắt tay không đơn giản là một cử chỉ. Nó có thể quyết định thành công cho một cuộc phỏng vấn, một hợp đồng kinh tế hay một mối quan hệ mới.
Bắt tay “ướt”
Lòng bàn tay đổ mồ hôi sẽ khiến cho đối tác khó lòng tin tưởng vào sự mạnh mẽ, cá tính bạn.
Hãy giữ cho bàn tay luôn khô bằng cách: Rửa tay trước khi bước vào một cuộc bàn bạc và hạn chế nắm chặt tay trong quá trình thương thảo.
Lúc nào cũng nên có một khăn giấy hay khăn mùi xoa trong túi và xoa nhẹ tay vào đó trước khi bắt tay (tất nhiên đừng cho đối tác biết bạn đang làm điều này).
Bắt tay yếu ớt
Một cái bắt tay mềm oặt và lỏng lẻo có thể làm cho đối tác hiểu rằng bạn là một người yếu đuối, thiếu tự tin, thiếu quyết đoán hoặc không muốn hợp tác. Hãy làm cho nó rắn rỏi hơn bằng cách tập trung xem đối tác dành cho bạn cái bắt tay mạnh mẽ tới cỡ nào để tự điều chỉnh mình.
Bắt ngón tay
Kiểu bắt tay này dễ khiến đối tác tưởng bạn cầm tay nhưng bị hụt. Lý do đơn giản là vì chưa có sự ăn ý giữa hai người mà thôi. Sẽ rất khó xử nhưng tốt nhất là làm cách nào đó để họ không hiểu lầm rằng bạn xem thường họ.
Bắt tay siết chặt
Những người đàn ông rất khoái kiểu bắt tay truyền thống này vì nó chứng tỏ sự mạnh mẽ và nam tính. Cái siết tay sẽ càng mạnh khi sự hứng thú càng cao. Tuy nhiên, đừng làm cho đối tác sợ và có cảm giác như bạn đang... bóp nát một quả cam.
Bắt tay và ôm
Nói chung chỉ khi hai người khá thân thiện với nhau hoặc thực sự hứng khởi sau một cuộc bàn bạc thành công thì mới có cử chỉ này. Cảm giác gần gũi và thân thiết sẽ tăng lên nhưng đừng để sự phấn khích thái quá khiến bạn vừa bắt tay vừa ôm và nhảy chồm lên.