Khi mở rộng kinh doanh ra thị trường thế giới, ngoài bất đồng ngôn ngữ, còn có khác biệt về văn hóa ứng xử, vì vậy bạn nên lưu ý.
Kinh tế ngày càng phát triển, doanh nhân Việt Nam có nhiều cơ hội thiết lập quan hệ với đối tác nước ngoài. Tuy nhiên sự khác biệt về văn hóa có thể khiến cuộc đàm phán đi vào ngõ cụt. Chính vì thế, kiến thức giao tiếp trong kinh doanh là điều không thể lơ là.
Những quy tắc cơ bản:
Dù làm việc với đối tác đến từ quốc gia nào, bạn cũng nên tuân thủ vài điểm sau:
1) Luôn giữ chữ tín, đúng giờ.
Gặp trường hợp bất khả kháng, hãy giải thích trực tiếp với đối tác. Lưu ý, nên hẹn trước ít nhất một tuần.
2) Trang phục khi giao tiếp phải lịch sự kín đáo, màu sắc nhã nhặn.
3) Tránh hỏi các chuyện riêng tư và những vấn đề nhạy cảm như tôn giáo, chính trị…
4) Khi đàm phán đừng biểu lộ sắc thái trên gương mặt. Nên giao tiếp bằng mắt và học những câu thông dụng trong ngôn ngữ của họ để tạo cảm giác thân mật.
Cẩm nang giao tiếp:
Ngoài các quy tắc chung thì mỗi quốc gia sẽ có những đặc thù riêng trong phong cách ứng xử, bạn cũng cần lưu ý những điều này.
Người Nhật Bản:
Tránh hẹn vào 3 kỳ nghỉ lễ: Đó là Tết (28/12 đến 3/1), Tuần lễ Vàng (29/4 đến 5/5). Lễ Obon – Trung thu vào giữa tháng 8.
Người Nhật xem trọng việc giữ liên lạc qua điện thoại, đồng thời họ rất vui khi bạn dùng tiếng Nhật.
Quà tặng gói thật trang trọng và không liên quan đến số 4 hoặc 9 vì theo họ thì 2 con số này không may mắn đối với người Nhật. Tránh gửi thiệp Giáng Sinh màu đỏ vì thư báo tang lễ cũng được in bằng màu này.
Không nên gọi tên trừ khi họ cho phép. Hãy gọi Mr hoặc Ms cùng với họ của đối tác.
Người Hoa:
Nên sắp xếp các cuộc hẹn từ tháng 4 đến tháng 6 hoặc từ tháng 9 đến tháng 10. Thời gian còn lại thường rơi vào các ngày lễ, dành để nghỉ ngơi.
Cách trả lời phủ định được xem là thiếu lịch sự: Tuyệt đối không nói “Không” hoặc dùng những từ như “ba tàu”, “Trung quốc đại lục”, đó là những từ có ý đụng chạm.
Người Hoa rất thích trao đổi danh thiếp, vì thế hãy mang nhiều danh thiếp khi đi thương thảo. Đặc biệt, danh thiếp nên in một mặt tiếng Anh, một mặt tiếng Hoa. Nên trao danh thiếp bằng hai tay, mặt có chữ tiếng Hoa hướng về phía người nhận.
Khi tặng quà tránh con số 4 vì số 4 trong tiếng Hoa phát âm giống chữ “tử”. Tránh tặng màu trắng vì đây là màu của đau buồn và nghèo khổ. Nên chọn số 8 vì nó phát âm giống như chữ “phát”.
Phong thủy: người Hoa rất tin điều này, vì thế nên cẩn thận khi chọn địa điểm giao tiếp.
Người Úc:
Thời gian tốt nhất để gặp mặt là từ tháng 3 đến tháng 11, những tháng còn lại là mùa du lịch.
Luôn mỉm cười, hạn chế va chạm cơ thể vì điều đó khiến đối tác cảm thấy e dè, không thoải mái.
Trình bày thẳng vào vấn đề, nhấn mạnh ở những điểm lợi và không lợi. Người Úc đánh giá rất cao tính thẳng thắn.
Người Pháp:
Với họ, cách ăn mặc sẽ phản ánh địa vị xã hội, vì thế hãy chọn những trang phục lịch sự như áo, váy dạnh vest, hợp thời trang, màu sáng.
Đừng dùng kí hiệu chiến thắng của người Mỹ (tạo thành chữ V bằng ngón trỏ và ngón cái). Với người Pháp, điều này có nghĩa là vô dụng.
Tránh tặng các loại hoa cúc và cẩm chướng vì hoa cúc tượng trưng cho tang lễ, cẩm chướng thì biểu hiện cho một ý đồ xấu xa.
Người Mỹ:
Tỏ ra hóm hỉnh khi đàm phán, bạn sẽ dễ gây cảm tình với đối tác.
Bắt đúng các điểm yêu thích: thể thao là đề tài hấp dẫn với người Mỹ, đặc biệt là bóng bầu dục và Golf. Cuộc thương thảo có thể trót lọt nhờ yếu tố này.