Bệnh viện máy tính", khởi nghiệp từ 2 bàn tay trắng
Lượt xem: 19,251Không có vốn là khó khăn mà phần lớn những người mới khởi nghiệp than phiền, nhưng với Hoàng Quốc Việt - Tổng giám đốc Công ty Đầu tư và Phát triển công nghệ tin học Nguyễn Hoàng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Bệnh viện Máy tính Quốc tế ICare thì vốn không phải là vấn đề, vì cách đây 7 năm anh chẳng có trong tay đồng nào!
Trí tuệ là tài sản
Giữa tháng 11/2003 tại TP.HCM xuất hiện siêu thị máy vi tính đầu tiên (siêu thị Nguyễn Hoàng) chuyên kinh doanh tất cả các loại linh kiện máy vi tính của các hãng lớn trên thế giới cùng các thiết bị mạng, các loại hàng kỹ thuật số. Giới kinh doanh trong ngành chưa kịp trở tay thì tiếp theo siêu thị là một "bệnh viện máy tính ICare” ra đời để chữa trị tất cả các bệnh về vi tính.
Tại “bệnh viện” hơn 40 kỹ sư IT giỏi mặc áo blouse trắng, mũ trắng như những bác sĩ thực thụ. Ở đây có quầy dịch vụ tiếp đón làm thủ tục nhận máy, “bác sĩ” khám máy chuẩn đoán bệnh, phân loại bệnh và có thể cho điều trị “nội trú” nếu máy bị hư hỏng nặng. Lọt vào Icare khách hàng có cảm giác như đang ở trong 1 bệnh viện với cách bày trí sắp xếp từng khoa (nội - ngoại khoa), phòng chờ, phòng cấp cứu, biển hướng dẫn… và thậm chí có cả “nhà xác” và số điện thoại cấp cứu.
Cách làm “có một không hai” trên thế giới này đã đưa tên tuổi của Công ty Nguyễn Hoàng trở thành thương hiệu “hot” nhất trong ngành, chưa hết, cuối năm 2004 Nguyễn Hoàng lại bất ngờ tung ra các sản phẩm chiếc máy tính “made in VN” - Vibird với mức giá thấp nhất trên thị trường.
Với những đột phá trên chưa đầy 2 năm DN này đã có trong tay khá nhiều thành tích, danh hiệu mới nhất là Sao vàng đất Việt 2005 cho sản phẩm máy vi tính Vibird và Mô hình “bệnh viện Icrare”. Nhiều Tập đoàn máy tính quốc tế như Canon, Acer, Intel… đã đến ICare để tham quan mô hình “bệnh viện” và muốn hợp tác với Nguyễn Hoàng để nhân rộng ra nước ngoài. Tiếng tăm là vậy nhưng ít ai ngờ ông chủ của các thương hiệu này là một người con khá trẻ, khi bắt đầu lập nghiệp ở tuổi 28 gia tài của anh duy nhất là lòng quyết tâm.
“Ý tưởng lạ ở xung quanh mình”
“Khi còn là nhân viên trong một công ty kinh doanh máy tính tôi đã nhìn thấy được tiềm năng và cơ hội. Tôi cứ lấy làm tiếc khi người điều hành của DN này chưa kinh doanh hết hiệu quả vốn có của thị trường. Tôi suy nghĩ nếu mình ở vị trí đó mình phải làm gì? Bao nhiêu ý tưởng cứ hình thành nhưng chẳng làm được gì vì mình đâu có quyền. Do vậy tôi nghĩ mình phải làm chủ, phải mở công ty!” - anh Việt nói.
Không tiền thì mở công ty bằng cách nào? Theo anh Việt, lúc ấy anh phải gác qua một bên chuyện tiền ở đâu, ai sẽ cho vay tiền mà chỉ tập trung vào xây dựng đề án, lập kế hoạch kinh doanh và tự phản biện, chất vấn mình. “Để có được một người chịu đầu tư 100 triệu cho tôi, tôi đã gặp và trình đề án với ít nhất là 20 người, song chỉ có một bác đồng hương đồng ý đầu tư cho dự án 100 triệu đồng” - anh kể.
“Công ty” ban đầu có qui mô như 1 cửa hàng, nhân sự chỉ có anh và một người bạn thân cùng “cày”. Tự anh phải làm tất cả từ tiếp khách, bán hàng, tìm nhà cung cấp, sửa máy… Vừa làm vừa quan sát thị trường, anh “bắt mạch” được hướng đi tất yếu của ngành công nghệ thông tin và một lần nữa lại “kêu gọi” đầu tư cho siêu thị Nguyễn Hoàng, “bệnh viện” Icare
Với ý tưởng “lạ đời” này ai cũng nghĩ anh là kẻ hoang đường. Anh Trần Đại Hải, người bạn sát cánh bên anh từ trước tới nay cũng tỏ ra nghi ngờ dự án này. Anh Hải hiện là Giám đốc Công ty CP Bệnh viện Máy tính Quốc tế Icare cho hay: “Việt nói với tôi máy tính cũng như con người, cũng cần đối xử và chăm sóc một cách chu đáo, đặc biệt. Tôi biết tính Việt đã nghĩ là làm tới cùng nên bắt tay vào làm không ngờ mô hình này được khách hàng hưởng ứng nhiệt tình đến vậy”.
Tuy nhiên, từ ý tưởng để biến thành hiện thực không phải là điều dễ dàng. Các “bác sĩ” ở ICare vốn là dân kỹ thuật nên lúc đầu khoác lên người chiếc áo blouse và phải cư xử với máy tính như là “bệnh nhân” thì rất ngượng ngùng. “Anh Việt nói với chúng tôi làm việc phải có tác phong của người thầy thuốc, cái tâm phải đau xót khi bệnh nhân đau, phải trị đúng bệnh để cứu người và điều quan trọng phải biết tự hào khi khoác lên người chiếc áo bác sĩ vì đây là thương hiệu công ty” - anh Hải cho hay.
“Đặc thù của ngành máy tính, tin học là biến động, đòi hỏi người kinh doanh phải luôn có ý tưởng, biết cập nhật nhu cầu xã hội và sáng tạo. Tôi muốn trở thành chủ một tập đoàn phân phối lớn như Wal Mart chẳng hạn và tôi đủ tự tin để làm được điều này!” - anh Việt cho hay.
Sau đó, Nguyễn Hoàng lại giới thiệu mô hình Câu lạc bộ Không gian tin học (i-SPACE Club) - cũng là mô hình lần đầu xuất hiện với những phương thức hoạt động mới lạ, vượt khỏi tầm của một CLB tin học bình thường gồm các hoạt động: phần cứng, phần mềm, đồ họa, ngoại ngữ trong CNTT, games, công nghệ kỹ thuật số... đến các cuộc thi tìm hiểu kiến thức CNTT. Bên cạnh đó, i-SPACE còn hướng đến cộng đồng như phối hợp với các tổ chức, cơ quan đơn vị thực hiện những chương trình hỗ trợ sinh viên học sinh tiếp cận CNTT, trao học bổng, tin học hóa xã hội...
Nói về khả năng sáng tạo ra những “chiêu” kinh doanh “độc” của mình anh Việt cho rằng ý tưởng luôn ở xung quanh, bắt nguồn từ những việc hết sức đơn giản và bình thường. “Làm việc gì tôi cũng luôn đặt câu hỏi tại sao người ta làm như vậy, thực hiện như thế nào?v.v… Tôi thích quan sát mọi việc diễn ra xung quanh và ý tưởng tự nhiên nó đến với mình. Tôi cho rằng nếu bạn yêu thích điều gì thì hãy luôn nghĩ đến nó và bạn sẽ thành công. Hãy kinh doanh bằng cả trái tim!” - Việt chia sẻ
Giữa tháng 09/05 này, Bệnh viện Máy tính Quốc tế Icare thứ 2 có qui mô lớn (300m2, 4 tầng lầu) với tổng vốn đầu tư hơn 8 tỷ đồng đã đi vào hoạt động tại 181 Phan Đăng Lưu, Q. Phú Nhuận, TP.HCM. Bệnh viện mới này có đến hơn 50 "bác sĩ", có bộ phận giải đáp thắc mắc trực tuyến (miễn phí) và đường dây gọi "cấp cứu" 9900000.
Tại đây ngoài hoạt động của bệnh viện còn có không gian để ICare phối hợp với các trường đào tạo công nghệ thông tin mở lớp dạy học, phối hợp với các hãng sản xuất kinh doanh máy tính làm sân chơi IT. Hiện ICare cũng đã được các hãng máy tính như Canon, Acer ủy quyền làm bảo hành cho họ (hãng chỉ bán máy, ICare lo về vấn đề hậu mãi).
Theo kế hoạch, trong tháng 10/05 sẽ có nhà máy sản xuất máy tính duy nhất tại VN (tính đến thời điểm đó) ra đời, đây là công trình tiếp theo của Công ty Nguyễn Hoàng.
Đối với Hoàng Quốc Việt thành công trong thời gian qua chỉ là bước khởi đầu, hiện anh đang trên đường nâng cấp thương hiệu Nguyễn Hoàng, ICare, Vi-Bird thành những thương hiệu mang tầm quốc gia.
Đặc thù của ngành máy tính, tin học là biến động, đòi hỏi người kinh doanh phải luôn có ý tưởng, biết cập nhật nhu cầu xã hội và sáng tạo. Tôi muốn trở thành chủ một tập đoàn phân phối lớn như Wal Mart chẳng hạn và tôi đủ tự tin để làm được điều này!” - anh Việt cho hay.