Bí quyết để lại trở nên sáng giá trong mắt nhà tuyển dụng
Lượt xem: 27,523Sau thời gian dài làm việc, bạn nhận ra rằng con đường đang đi không như những gì mình mong muốn và cần thay đổi. Nhưng làm sao để lại trở thành ứng viên sáng giá khi mà môi trường xung quanh đã thay đổi nhiều? Hãy thử những gợi ý sau.
Cho dù bạn đang tích cực tìm công việc mới hay đã sẵn sàng để nắm lấy cơ hội khi nó xuất hiện, việc tự làm mới lại bản thân và nhất là hồ sơ xin việc là vô cùng cần thiết. Trước tiên hãy bắt đầu bằng cách dành thời gian suy nghĩ xem mình đang ở đâu trên con đường sự nghiệp.
Cơ hội việc làm luôn đến với những ai biết nỗ lực
Cơ hội việc làm luôn đến với người nỗ lực
Rất nhiều người quá bận rộn với công việc hàng ngày mà quên mất hướng đi mình đã chọn. Hãy thử đặt cho mình những câu hỏi như: Bạn có còn hứng thú mỗi ngày tới cơ quan? Những công việc được giao có khiến bạn bị lôi cuốn? Thu nhập hiện tại có đủ để bạn sống theo cách mình mong muốn và có tiền tiết kiệm cho tương lai? Bạn có còn đang theo đuổi giấc mơ sự nghiệp của mình?
Nếu câu trả lời là không, đó là lúc bạn cần những bước đi tiếp theo. “Cách tốt nhất một người có được công việc tiếp theo đó là hãy thử cảm nhận xem bạn sẽ tới đâu”, Win Sheffield, chuyên gia hướng nghiệp của CLB Five O’Clock, một tổ chức hướng nghiệp quốc gia tại Mỹ nói. “Rất nhiều người bỏ qua những câu hỏi như trên bởi họ tưởng rằng mình ở trung tâm của thị trường việc làm”.
Bạn không cần phải làm những việc to tát như tìm ra mục đích của cuộc sống hay có một tầm nhìn chính xác tuyệt đối về tương lai. Thay vào đó, Sheffield đề xuất mỗi người nên có một cái nhìn cởi mở về những công việc khác nhau mà có thể đem lại cho họ sự hài lòng. Hãy thử cảm nhận xem điều gì đang khiến bạn hứng thú ngay lúc này? Bạn thường đọc gì trong lúc rảnh rỗi? Sở thích của bạn là gì? Hãy cân nhắc một số công việc có thể giúp phát huy những đam mê đó.
Bước tiếp theo là làm mới lại hồ sơ xin việc. Theo Sheffield, các chủ doanh nghiệp trung bình thường chỉ dành 10 giây cho mỗi hồ sơ và những người có ít hơn 10 năm kinh nghiệm tốt nhất chỉ nên trình bày lý lịch trong vòng 1 trang giấy. Nếu bạn có kinh nghiệm nhiều hơn vậy có thể viết sang trang thứ 2.
Đồng thời, đừng quên thay thế những cách nói đã thành lối mòn như: “là người có tinh thần làm việc theo nhóm” hay “có kỹ năng tổ chức” với những câu từ thể hiện kết quả công việc rõ ràng hơn. “Bạn được doanh nghiệp thuê là để giải quyết các vấn đề cho họ. Cách hay nhất để chứng tỏ bạn là người phù hợp cho vị trí đó chính là nêu ra ví dụ về những vấn đề bạn đã xử lý tốt”, Sheffield chia sẻ.
Bất kỳ khi nào có thể hãy sử dụng những con số để cho thấy hiệu quả công việc của mình. “Thay vì nói tôi từng quản lý 3 nhân viên”, hãy nói “tôi từng quản lý 3 nhân viên những người tiếp xúc trực tiếp với khách hàng và chưa từng để mất khách trong vòng 2 năm”. Cũng đừng quên kiểm tra kỹ câu chữ, cách trình bày thư xin việc và nhất là nội dung phải luôn luôn trung thực. Nếu có thể hãy cập nhật thông tin về bạn trên Facebook hoặc các trang web. Rất có thể nhà tuyển dụng sẽ tìm thêm thông tin về bạn từ đây.
Thêm một phần không thể thiếu đó là mài giũa lại những kiến thức chuyên môn của mình cũng như rèn luyện khả năng thuyết trình, trau dồi kỹ năng về Excel hay PowerPoint. Nếu cần thiết hãy đăng ký một khóa học nâng cao. Và cũng đừng bỏ lỡ cơ hội mở rộng mối quan hệ cả trong và ngoài công sở. Rất có thể những người bạn quen sẽ là cầu nối giúp bạn đến với công việc mới.
Cuối cùng, hãy cập nhật “catalogue” về bản thân với những câu chuyện ngắn gọn trong đó giới thiệu bạn là ai và đã làm gì. Hãy nghĩ đến một vài điều tích cực bạn có thể nói về công việc của mình và sẵn sàng chia sẻ chúng nếu có cơ hội gặp một nhà tuyển dụng tiềm năng.
Nếu đến giờ bạn vẫn chưa có thành tích đáng kể nào, hãy chuẩn bị một cuốn sổ để ghi lại mỗi khi bạn hoàn thành việc gì đó. Trong đó bạn cần ghi lại mình đã làm gì và tại sao nó lại quan trọng, việc đó giúp ích cho công ty ra sao. Rất có thể một lúc nào đó những ghi chép này sẽ giúp ích cho bạn trong quá trình thăng tiến.