Bí quyết sửa sai nơi công sở
Lượt xem: 12,845
Chỗ đứng của bạn trong lòng sếp và đồng nghiệp hoặc sẽ lung lay, hoặc không còn nếu bạn không biết cách sửa sai.
“Quan hệ” bất chính với đồng nghiệp
Chẳng công ty nào ra nội quy rằng léng phéng với đồng nghiệp là bị đuổi việc. Nhưng nếu chuyện đó xảy ra, chắc chắn sẽ có vô vàn những rắc rối linh tinh khác đeo đuổi bạn và cả người kia. Tốt nhất (khi đã bị lộ) là hãy nói với sếp chuyện “đã lỡ” của hai người. Sự trung thực sẽ được đánh giá cao, cho dù nó mang lại không ít sượng sùng. Còn với các đồng nghiệp khác, tốt nhất là… im lặng. Thanh minh, phân bua, khoe khoang chỉ khiến chuyện lan rộng ra mà thôi.
Chậm kế hoạch
Chẳng biết vì sao mà tự dưng mọi thứ cứ rối tung lên, người cần thì không gặp được, người không cần gặp thì cứ đến quấy rầy, việc cứ đinh ninh sẽ thế này thì lại thành thế kia. Rồi đến một ngày, bạn ước giá một tuần dài thêm mấy ngày hay dưới chân có một cái lỗ để trốn thì hay biết mấy. Nhưng nếu cái “giá” đó mà thành hiện thực thì máy tính đã chẳng cần đến phím undo. Thay vì ngồi ước, “chạy trốn” hoặc lao đầu vào làm trong tuyệt vọng, hãy đề nghị được giúp đỡ giải quyết nếu sự việc còn có thể cứu vãn. Cuối cùng, đừng bao giờ lặp lại lỗi lầm này.
Trễ giờ làm
Tắc đường, chiếc đồng hồ báo thức của bạn không kêu, hoặc chiếc xe máy dở chứng, những lý do đó không biết làm kiểm điểm nên đừng cứ trễ giờ là lại đổ lỗi cho chúng. Vấn đề không phải là giải thích tại sao bạn trễ giờ làm mà là nên xin lỗi những người liên quan tới công việc của bạn và làm bù vào cuối ngày. Sự sẵn sàng vì công việc của bạn chắc chắn sẽ được đánh giá cao.
Tung tin đồn nhảm
Chuyện sếp này có bồ, trưởng phòng kia phải thủ đoạn mới tranh cướp được hợp đồng, nhân viên nọ ở cơ quan thì rõ lễ độ mà về nhà thì chửi chồng như hát hay… tưởng chỉ nói cho vui miệng ai dè lại bị đồng nghiệp xấu bụng “bẩm” lại. Hãy tưởng tượng từng đấy chuyện cùng lúc bị gán ghép cho bạn, bạn sẽ thấy tác hại của sự đặt điều. Nói chung nếu muốn vui miệng, hãy hoặc là đi hát karaoke, hoặc là ăn quà vặt, hoặc kể chuyện tiếu lâm chứ đừng nói những chuyện không có thật sau lưng người khác.
Dùng tiền công đãi việc tư
Chuyến công tác Nha Trang chỉ có ba ngày mà bạn tận dụng tiền chùa ở lại thêm hai ngày nữa cho đã. Gặp mấy anh bạn thời phổ thông, sẵn tiền công ty bạn mời họ bữa nhậu ở nhà hàng 5 sao. Cuối cùng, những cái hoá đơn khổng lồ buộc sếp phải gọi bạn lên giải trình. Nếu bạn không “hợp thức hoá” được vụ này, hãy tự giác bù trước số tiền đã tiêu lạm. Còn lần sau, trước khi động đến tiền công hãy tưởng tượng cái mặt của sếp khi biết chuyện đã.
Lỡ hẹn
Chỉ vì quá chén tối trước mà bạn nhỡ mất cuộc hẹn đầu giờ sáng hôm sau. Chỉ vì mải mấy ván bài lúc nghỉ trưa mà bạn đến muộn cuộc họp vào đầu giờ chiều. Lỡ hẹn với người yêu thì chỉ một người phải chịu trận, nhưng lỡ hẹn trong công việc thì cả một ê kíp bị ảnh hưởng, thậm chí cả một dự án bị đổ bể. Phải làm gì đây? Nếu không thể nghĩ ra một lý do (có vẻ) lành mạnh và hợp lý để giải htích cho việc lỡ hẹn của mình thì tốt nhất là nên tuỳ cơ ứng biến. Giải pháp tình thế lúc đó có thể là thay đổi chương trình, chuyển nội dung cuộc họp (nếu được) hoặc đề nghị một cuộc hẹn khác. Trong trường hộp mọi đề xuất trên đều không được chấp nhận thì tốt nhất là nên xin lỗi.