Bị từ chối vẫn không “buông tha”!
Lượt xem: 14,262Đó là công việc mơ ước của bạn, bạn đã chuẩn bị rất kỹ và tự tin bước vào phỏng vấn; nhưng nhà tuyển dụng lại không thể làm bạn mỉm cười. Họ dành cho bạn một cái lắc đầu.
Shelia Gray, giám đốc phụ trách tiếp nhận tài năng toàn cầu của International Paper Co. – nhà sản xuất các sản phẩm lâm nghiệp nổi tiếng có trụ sở tại Stamford, Connecticut nhận xét: “Nếu bạn thực sự muốn làm việc cho một tổ chức nào đó, đừng để lần đầu tiên bị từ chối trở thành giới hạn của bạn. Hãy tiếp tục theo đuổi”.
Vài ngày sau khi bị từ chối vị trí thực tập hỗ trợ marketing tại Tập đoàn L’Oréal USA mùa xuân năm ngoái, Andy Rah, 32 tuổi đã gửi e-mail tới nhà tuyển dụng đề nghị được làm ứng viên dự bị.
“Tôi nói rằng tôi thực sự thất vọng vì công ty chính là sự lựa chọn số 1 của tôi. Tôi đề nghị họ cho tôi thêm cơ hội nếu có ai đó tiếp tục bị loại và nếu có một vị trí khác đang trống”. Một tuần sau đó, công ty danh tiếng có trụ sở tại New York đã rút lại lời từ chối và mang tới cho Rah vị trí anh hằng mơ ước.
Tại sao bạn không thể làm như Andy Rah?
1. Giữ bình tĩnh sau khi bị từ chối
Thất bại khi ứng tuyển vào một vị trí nào đó có thể khiến bạn đau đớn nhưng tránh diễn tả sự giận dữ, bực bội hoặc bi quan thái quá trước mặt nhà tuyển dụng.
Bà Melissa Shober, quản lý chính của Professional Document Solutions, đại lý kinh doanh của Tập đoàn Xerox trụ sở tại Fort Collins, Colorado cảnh báo: “Một vài người cư xử như thể bạn nợ họ một lời xin lỗi. Bạn sẽ không bao giờ muốn nói với nhà tuyển dụng rằng họ đã sai”.
Bà nhớ lại một e-mail của ứng viên buộc tội bà phạm sai lầm khi không thuê cô ta vào vị trí kinh doanh. “Trước đó, tôi đã rất ấn tượng với cô gái và thậm chí nghĩ rằng sẽ gọi lại cho cô ấy sau vài tháng nữa khi một vị trí bỏ trống. Nhưng bức e-mail đó đã loại bỏ mọi cơ hội cho cô ấy”.
2. Viết thư cảm ơn
Bà Gray cho biết một lần bà nhận được thư cảm ơn từ ứng viên sau khi anh ta bị từ chối vị trí giám đốc kỹ thuật tại công ty công nghệ cao nơi bà làm nhà tuyển dụng. “Anh ấy biết rõ công ty chúng tôi là một nơi tuyệt vời để làm việc nhưng anh ấy cũng hiểu rằng mình không phải là người thích hợp cho một cơ hội đặc biệt đến thế. Hầu hết các nhà tuyển dụng đều ghi nhớ những ứng viên xuất sắc và lá thư đã giúp họ ghi nhớ kỹ hơn”.
Khi một vị trí kỹ sư bỏ trống vài tháng sau, ba Gray đã mời ứng viên viết thư cảm ơn đó tham gia phỏng vấn và lần này anh đã thành công.
Một lá thư cảm ơn có thể giúp củng cố khát khao mãnh liệt của bạn được làm việc cho công ty, Jennifer Randolph, Phó chủ tịch phát triển tổ chức tại Courtroom Television LLC tại New York khẳng định. “Nhà tuyển dụng luôn muốn nhìn thấy niềm yêu thích và đam mê của bạn đối với công việc và vị trí bạn hướng tới”.
Năm 2003, một nhân viên quản lý marketing rời công ty sau 3 ngày thử việc. Để thay thế, bà Rudolph đã gọi cho một ứng viên trước đó - người đã gọi điện cảm ơn ngay cả khi bị từ chối.
3. Gửi đi những lời nhắc thân thiện
Giữ liên lạc với nhà tuyển dụng sau khi bị từ chối công việc là lời khuyên của Susan McWhirter, quản lý nhân sự tại InBev USA, nhà sản xuất và phân phối bia.
Một thí sinh vẫn giữ liên hệ với bà một tháng sau khi không được lựa chọn. Thật trùng hợp, công ty đang có nhu cầu tuyển một vị trí trong thời gian đó và ứng viên kia đã thành công.
“Đây chính là người luôn giúp chúng tôi biết rằng anh ta thực sự hứng thú với vị trí trong công ty và tình hình hiện tại của anh. Anh ấy đề nghị chúng tôi quan tâm tới anh ấy trong tương lai và chúng tôi đã làm như vậy”.
Trong một số trường hợp, Bà Shober cho biết giữ liên lạc một lần một tháng là phù hợp.
Một người xin ứng tuyển vào vị trí bán hàng tại Professional Document Solutions gọi cho Shober liên tục 3 tháng sau khi bị từ chối. “Cô ấy liên tục chấp nhận mạo hiểm, điều đó cho thấy sự tự tin và quyết tâm của co ấy. Mỗi lần gọi đều cảm ơn vì tôi đã lắng nghe. Cô ấy thật lịch thiệp và chuyên nghiệp”. Một vị trí tương tự dành cho cô ấy sau đó là phần thưởng xứng đáng.
4. Xin những lời khuyên
Sau khi nhận được lời nói “không”, hãy đề nghị nhà tuyển dụng cho lời khuyên để bạn có thể thể hiện tốt hơn những lần sau.
Andrea Hough, Phó chủ tịch cao cấp, phụ trách tuyển dụng tại Tập đoàn Wachova trụ sở ở Charlotte, New York đưa ra lời khuyên: “Bạn có thể nói: “Nếu tôi có cơ hội thể hiện lần nữa, các ngài sẽ muốn tôi khác biệt như thế nào?”. Câu hỏi như vậy sẽ diễn tả một cách chân thành sự hứng thú của bạn trong việc tìm kiếm sự phát triển cá nhân và tiến bộ nghề nghiệp”.
Hãy tỏ ra thật chuyên nghiệp ngay cả khi bạn không thích những điều được nghe.
Bà Hough nhớ lại một thí sinh ứng tuyển vị trí quản lý cấp trung đã phản ứng lại trước những nhận xét từ nhà tuyển dụng sau khi bị từ chối. “Anh ta bắt đầu tranh cãi về một số điểm - điều đó chứng tỏ sự thiếu chín chắn, trưởng thành cũng như sự quan tâm thực sự cho hướng phát triển cá nhân”. Anh ta lẽ ra đã kiếm được công việc như ý nếu hành động khác đi bởi ứng viên trúng tuyển sau đó đã từ chối vị trí này.