Biến CV thành câu chuyện kể ấn tượng
Lượt xem: 22,750Cho đến hiện tại, dường như việc viết CV (sơ yếu lý lịch) vẫn là phần khó nhất trong nhiệm vụ truyền thông – tiếp thị cho thương hiệu cá nhân của nhiều người tìm việc. Các ứng viên vẫn chưa hết “đau đầu” vì không biết nên trình bày “gương mặt đại diện” của mình theo hình thức nào mới có thể tối ưu hiệu quả: CV liệt kê hay CV kể chuyện.
CV tìm việc đương đại với các chấm đầu dòng và câu từ vắn tắt dường như luôn đối nghịch với ý tưởng truyền đạt các câu chuyện. Không ít người tham gia vào quy trình tuyển dụng có xu hướng muốn ứng viên bám sát thực tế để trình bày hồ sơ. Nhưng ngược lại, vẫn tồn tại những người có quyền ra quyết định lại đánh giá rất cao các bản lý lịch có thể mở ra bức tranh về tổng quan tính cách và năng lực thông qua kể chuyện.
Trong bài viết này, CareerViet.vn không phân tích hình thức trình bày nào mang lại hiệu quả cao hơn, mà sẽ tập trung vào chia sẻ các bí quyết giúp bạn thực hành viết CV kể chuyện. Ghi chú lại ngay 6 hướng dẫn sau đây và học cách “khoác chiếc áo đẹp cho CV”, bạn nhé!
1. Sử dụng phần đầu trang lý lịch để cho biết bạn là ai.
Các phần nội dung đầu CV thường được sử dụng là mục Tóm tắt bằng cấp (Qualifications Summary) hoặc Hồ sơ chuyên môn (Professional Profile), nó có thể là phương tiện tuyệt vời để bạn giới thiệu bản thân một cách chuyên nghiệp.
Phần tóm tắt này thường bao gồm các chi tiết sau:
- Một chấm đầu dòng khái quát đặc điểm nhận diện bạn về mặt chuyên môn để kể câu chuyện về con người bạn.
- Một chấm đầu dòng làm rõ các kỹ năng giao tiếp cá nhân và tuỳ chọn thêm các kỹ năng bất kỳ mà bạn có thể ứng dụng tốt, chẳng hạn như ngoại ngữ, để kể câu chuyện về cách bạn giao tiếp hiệu quả cũng như thể hiện phong cách giao tiếp của bạn như thế nào.
- Một chấm đầu dòng xác định các kỹ năng cụ thể cho công việc, được hỗ trợ hoàn hảo bởi những câu chuyện, lời nhận xét hay lời đánh giá từ nhà tuyển dụng, hoặc định lượng rõ ràng.
- Một chấm đầu dòng (tuỳ chọn, nếu bạn có thể) về khả năng di chuyển, đi công tác, làm việc xa nhà hoặc sự sẵn lòng thích nghi cho một số tình huống khác liên quan đến điều kiện làm việc.
Nhiều nhà tuyển dụng nhận định rằng họ không thích mục Tóm tắt (Summary) trong các bản CV vì nó thường chung chung, mơ hồ và thiếu căn cứ. Do đó, việc của ứng viên là phải chứng minh càng nhiều càng tốt về lịch sử làm việc và năng lực của mình bằng những con số, ví dụ, trích dẫn và thành tích cụ thể. Bất cứ ý nào bạn chưa thể làm rõ ngay trong các gạch đầu dòng của mục Tóm tắt, thì phải làm rõ ở các mục liên quan khác của CV.
Sử dụng phần đầu trang lý lịch để cho biết bạn là ai
2. Biến các thành tích thành câu chuyện
Mary Anne Davidson – người đứng đầu của KPMG – chia sẻ về những điều bà quan sát trên trang web HR.com: “Các ứng viên thường viết về những yêu cầu mà vị trí công việc của họ đòi hỏi chứ không phải những gì họ thực sự đã làm. Vì vậy, họ chỉ nói với chúng tôi công việc của họ là làm XYZ. Trong khi đó, tôi đã biết một giáo viên làm gì, và tất nhiên cũng biết kiến trúc sư làm gì. Bạn cần thử đọc CV của bản thân ở vị trí nhà tuyển dụng để hiểu được các phỏng vấn viên sẽ thực sự muốn biết những công việc nào bạn đã hoàn thành trong vai trò cũ. Điều này sẽ khiến bạn khác biệt so với các đối thủ.” Susan Britton Whitcomb, tác giả của Resume Magic – một trong những quyển sách được khuyên xem nhiều nhất thị trường, thì lại gọi các thành tựu chính là tâm trục của một bản lý lịch tuyệt vời. Nếu có điều kiện, bạn hãy thử đọc quyển sách này và tham khảo thật kỹ chương sách chia sẻ những bí quyết để biến CV thành một câu chuyện kể hay.
3. Đảm bảo hồ sơ của bạn có nội dung “hướng thành tựu”
Nói một cách phổ quát, nếu một hoạt động nào đó không thể tổng kết được thành quả thì cũng không xứng đáng đề cập vào CV. Do đó, CV của bạn chủ yếu nên dựa vào thành tích và các kết quả tốt đong đếm được, chứ không phải trách nhiệm và nghĩa vụ. Và sẽ càng ấn tượng hơn nếu bạn có khả năng thể hiện tất cả những thành tích thành một câu chuyện kể nho nhỏ về các giai đoạn khác nhau trong sự nghiệp đã qua của mình. Có lẽ lúc này, một bảng rà soát nội dung CV có thể giúp ích với vai trò như một dàn bài như khi nhỏ mỗi người vẫn học cách tập làm văn.
4. Liệt kê các thành tích theo thứ tự đảo ngược (reverse order)
Câu chuyện thành tích nên bao gồm tình huống, các khó khăn và thách thức để qua đó làm rõ bối cảnh cho các hành động đã thực hiện và kết quả gặt hái được. Tuy nhiên, bạn nên kể câu chuyện này theo thứ tự ngược lại: Kết quả (Result) – Hành động (Action) – Thách thức (Problem/ Situation/Challenge). Lý do là vì chúng ta đã được cảnh báo rất nhiều lần rằng nhà tuyển dụng chỉ dành vài tích tắc ngắn ngủi để lướt qua hồ sơ ứng viên. Các kết quả cần được liệt kê ngay lập tức cho mỗi hoạt động bạn đã hoàn thành mới có thể thu hút người xem. Vì thế thay vì dùng phương pháp PAR thì hãy đảo lại thành RAP.
5. Triển khai các tài liệu bổ sung để kể chuyện
Một số chuyên gia về viết CV khuyên chúng ta sử dụng chiến thuật tiếp cận nhà tuyển dụng bằng các câu chuyện tự nhiên, gần gũi trong các bản lý lịch tìm việc. Tuy nhiên, tuyệt đối đừng để thông điệp của bạn trở nên lỏng lẻo, hời hợt, ít sinh động hoặc không đáng tin bởi vì thiếu căn cứ và dẫn chứng xác thực. Cho nên, khi viết CV tìm việc, hãy nhớ đính kèm các tài liệu bổ sung để câu chuyện kể về hình ảnh nghề nghiệp của bạn có thể gây ấn tượng và chinh phục được người duyệt hồ sơ nhé!
Triển khai các tài liệu bổ sung
6. Duy trì câu chuyện súc tích
Hầu hết nhà tuyển dụng sẽ thích các CV trình bày với các gạch đầu dòng, hình thức này lại tuyệt đối không phù hợp để kể chuyện. Hãy nhớ rằng bạn hoàn toàn có thể trình bày một câu chuyện, nhưng nó phải cực kỳ gãy gọn, hàm súc, tránh dài dòng. Bạn có thể chia sẻ nhiều hơn một chút với Thư xin việc (Cover letter) hoặc đi sâu vào chi tiết trong các buổi phỏng vấn sau đó.Một cảnh báo mạnh mẽ mà chuyên gia nghề nghiệp nhấn mạnh là tuyệt đối tránh dùng quá nhiều tính từ đến mức sáo rỗng và gây choáng ngộp, nó thậm chí có thể vùi lấp luôn các thành tích của bạn trong biển chữ. Sự kết hợp tốt nhất là hãy kể câu chuyện ngắn gọn có những “con số biết nói” đi kèm.
Khi soạn CV, cách biên tập cũng giá trị như chính nội dung của nó. Herminia Ibarra và Kent Lineback đã viết trên Harvard Business Review rằng, “mọi thứ trong CV phải hướng đến một mục tiêu – điểm nhấn này cũng chính là cao trào trong câu chuyện của bạn”. Hầu hết nhà tuyển dụng đều muốn xem bằng chứng về những tuyên bố của ứng viên - đó cũng chính là điều bạn có thể thực hiện thông qua cách kể chuyện. Nếu làm được điều này, CV của bạn sẽ nổi bật hơn trong một biển hồ sơ tìm việc chứa đầy các tính từ miêu tả và những câu chữ sáo mòn, công thức.
Nguồn hình: Freepik