Bỏ thói “rảnh tay, bận miệng”
Lượt xem: 14,072Tin Ngọc được “thăng chức” lan khắp công ty. Chuyện nghe có vẻ khó tin vì trong công ty này thường mọi người phải làm ít nhất 2 năm mới được cất nhắc. Ngọc thì chỉ mới vào. Mọi người xúm lại bàn tán xôn xao với hàng loạt tin giật gân.
Chị Hồng, gần 40 tuổi, phát biểu: “Khéo quá mà. Mấy ông già hơn 60 tuổi mà nó kêu anh ngọt xớt”.
Được lời như cởi tấm lòng, Mận, cùng tuổi với Ngọc, lắc đầu: “Bữa trước, em thấy nó vào phòng sếp rồi làm gì trong đó lâu lắm. Bằng tuổi mà nó ghê thật”.
Thắng, đấng nam nhi duy nhất của phòng, thở dài: “Người ta vừa xinh, vừa giỏi mấy bà khôn thì học người ta ấy”.
Cuộc nói chuyện đang sôi nổi thì bỗng im lặng vì sự xuất hiện của nhân vật chính. Mọi người tản ra, nhưng vẫn nhìn nhau đầy ẩn ý. Giờ cơm trưa, Mận nói với Ngọc: “Bồ giỏi quá. Làm mấy tháng đã được tín nhiệm. Ai đâu như bà Hồng, làm 10 năm trời rồi mà vẫn là nhân viên quèn. Đã vậy bà ấy còn nói xấu bồ nữa”. Tò mò, Ngọc hỏi: “Bà ấy nói gì thế?”
Mận nhanh nhẩu: “Bà ấy nói Ngọc chỉ được cái khôn vặt, biết mỗi chuyện nịnh sếp, khéo lấy lòng các anh nên mới được như vậy”. Ngọc giận run người, nhưng cố giữ bình tĩnh.
Chiều, vừa gặp Ngọc, chị Hồng đã đon đả: “Chúc mừng em nha! Em giỏi thật. Chị coi như chẳng có gì để nói. Chứ ai như con Mận, trẻ như em chẳng có năng lực gì đã thế lại hay ganh tỵ nói xấu em nữa”.
Đến lúc này, Ngọc chẳng biết ai đúng ai sai nữa. Bực mình, cô nói với một đồng nghiệp: “Bà Hồng và Mận thật quá đáng. Có dịp tôi sẽ mách với giám đốc cho 2 người bị đì luôn”. Cô bắt đầu trả đũa. Cô rỉ tai với các đồng nghiệp rằng Hà, Mai và nhiều người khác ganh ghét tài năng của mình.
Kết quả, Ngọc phân tâm trong công việc. Cô phạm nhiều sai lầm. Nặng nhất là cô viết sai bản hợp đồng bằng tiếng Anh khiến đối tác của công ty hủy hợp đồng. Sếp mắng cô một trận trước tập thể. Đối thủ lại có dịp bàn tán: “Có năng lực gì đâu, giờ thấy rõ rồi nhé”.
Thật ra Ngọc là người rất có năng lực. Cô rất giỏi về chuyên môn, thành thạo nhiều ngoại ngữ. Cô giao tiếp với khách hàng thì khỏi chê. Tuy nhiên, thay vì kiềm chế và tiếp tục thể hiện mình, cô lại nói xấu đồng nghiệp và hậu quả cô lại là người chịu.
Đối phó khi bị nói xấu
Môi trường làm việc là một xã hội thu nhỏ với nhiều người có tính cách khác nhau. Có thể bạn không ưa người này, ghét người kia, nhưng đây là một môi trường chuyên nghiệp, mọi người cần tôn trọng nhau.
Hãy tập trung làm việc, năng lực là sự cạnh tranh tối ưu và lành mạnh nhất. Những lời nói xấu không đem ai hiệu quả cho công việc. Chẳng ai làm việc tốt vì nó, đừng để mình quá rảnh rỗi, bạn đã nghe câu: “Rảnh tay, bận miệng” chưa?