Bốn bước thỏa thuận để tăng lương
Lượt xem: 1,074Lời đề nghị tăng lương của người lao động nhiều khi không được đáp ứng vì họ chưa nắm được các bước thỏa thuận cơ bản. Sau một thời gian làm việc hiệu quả, bạn cảm thấy mình cần phải được hưởng một mức lương cao hơn hoặc một mức thù lao xứng đáng hơn.
Nhưng làm thế nào để mong muốn đó thành hiện thực, bởi tiền bạc là chuyện tế nhị vốn rất khó nói. Các chuyên gia nhân sự cho rằng bạn phải nắm được các bước thỏa thuận căn bản.
Khi thời cơ chín muồi
“It’s time” (tạm dịch: đến thời điểm rồi, hoặc còn chần chờ gì nữa). Dòng quảng cáo quen thuộc này của hãng bia Tiger được ông Ðỗ Cường, Giám đốc hành chánh nhân sự Công ty Martxim, mượn dùng để khuyên người lao động (NLÐ) nên cân nhắc khi đưa ra một lời đề nghị tăng lương. Theo ông, nhiều người muốn tăng lương nhưng không biết đâu là thời điểm phù hợp, thậm chí còn bị rối do bạn bè, người thân tác động hoặc do so sánh với mức lương của các đồng nghiệp khác. Ðiều đó dễ dẫn đến trường hợp lời đề nghị tăng lương bị “việt vị”, nghĩa là chưa tới thời điểm chín muồi.
Theo bà Phạm Thị Lý, phụ trách nhân sự Công ty Quảng cáo Ðất Việt, nhiều NLÐ đòi hỏi mức lương không tương xứng với công sức họ bỏ ra. Khoảng thời gian làm việc cho công ty chưa nhiều nhưng họ nghĩ rằng, với các văn bằng mình có được thì không thể chấp nhận mức lương hiện tại. Trường hợp của Phạm Ngọc Lợi là như vậy. Có hai bằng tốt nghiệp ngành điện tử ÐH Bách khoa và Anh văn (tại chức) ÐH KHXH & NV, Lợi vào làm việc cho Công ty Taipaco với mức lương 1 triệu đồng/tháng. Sau ba tháng, Lợi yêu cầu được nâng lương lên 1,5 triệu và nghỉ việc sau đó vì không được đáp ứng. Bà Kim Anh, Giám đốc Taipaco, cho biết: “Anh ấy có năng lực nhưng đòi hỏi không đúng lúc. Chúng tôi sẵn sàng trả lương cao nhưng cần phải qua một thời gian để anh ta chứng minh được năng lực của mình và thể hiện sự cống hiến, gắn bó với công ty”.
Như vậy, để biết đâu là thời điểm nên thỏa thuận tăng lương, NLÐ phải có một thời gian nhất định làm việc và gắn bó hết mình với công ty, kế đến là hiệu quả làm việc và các điều kiện khác tùy thuộc vào cách thức tổ chức của từng công ty riêng biệt.
Từng bước một
Ðó là lời tư vấn của ông Lâm Hân, Trưởng Phòng Hành chánh - nhân sự Công ty Hanco, dành cho NLÐ trong việc đề nghị tăng lương. Ông Hân dùng từ “DEBT” để mô tả các bước đi đến thỏa thuận lương hiệu quả. Ông nói: “DEBT hoàn toàn không phải là nợ nần (nghĩa tiếng Anh - NV) mà là sự tổng hợp của bốn chữ: Devote (cống hiến), Efficiency (hiệu quả), Benefit (lợi nhuận) và Tip (thù lao). NLÐ nên tuân theo quy trình này để phấn đấu và thực hiện”.
Nhiều công ty thường lấy T (tip) để làm yếu tố kích thích tinh thần làm việc của nhân viên. Nhưng dưới góc độ của một nhân viên bình thường, Hồ Ngọc Phượng, một nhân viên kế toán, lại có cái nhìn khác: “Theo quy trình DEBT, không ít NLÐ chỉ chủ động và làm tốt được ba yếu tố đầu, còn yếu tố cuối cùng (T), họ bị thụ động và có thể bị chủ doanh nghiệp phớt lờ”. Ðồng tình với một số chuyên viên nhân sự khác về điều này, ông Nguyễn Quốc Nam, Giám đốc nhân sự Công ty Cargill Asia Pacific, thừa nhận: “Ở các công ty lớn thường thì giám đốc nhân sự là người quyết định mức lương cho nhân viên. Vẫn có những trường hợp đặc thù phải phụ thuộc vào quyết định của người lãnh đạo cao nhất nên có sự chậm trễ, thậm chí lãng quên”. Ðể giải quyết vấn đề này, không có cách nào hay hơn là trực tiếp “gõ cửa” phòng sếp.
Các bước quan trọng
Khi gặp chủ doanh nghiệp (DN) để trình bày vấn đề tăng lương, nếu không chuẩn bị kỹ thì lời đề nghị của bạn sẽ kém thuyết phục và dễ dàng đi đến thất bại trong thương lượng. Những bước chuẩn bị dưới đây được tổng hợp từ kinh nghiệm của nhiều chuyên gia việc làm, các chủ DN.
“Ðo lường” thời gian: Phải nắm được khoảng thời gian mình đã làm việc cho công ty để biết lời đề nghị của mình có trùng khớp với chu kỳ đánh giá lương của công ty hay không. Bạn cũng biết được với khoảng thời gian ấy, có nên đề nghị nâng lương hay chưa.
Trình bảng tổng kết: Ðể cụ thể hóa những gì mình đã làm, tốt nhất là nên lập một bảng tổng kết (review) về những công việc đã thực hiện, hiệu quả ra sao, triển vọng sắp tới... Một bảng tổng kết tốt có sức thuyết phục cao sẽ làm tăng khả năng bạn sẽ được tăng lương.
Ðưa ra một vài so sánh: Nên đưa ra nhận định về “tầm vóc” của công ty trên thị trường trước, sau đó trao đổi với sếp rằng với công việc và vị trí hiện tại, các công ty khác có chế độ trả lương cho nhân viên thỏa đáng hơn, DN chúng ta cũng cần nên xem xét điều này là hợp lý.
Những cam kết cho tương lai: Sau khi đề nghị một mức lương cụ thể nào đó, dĩ nhiên là sếp chưa quyết định ngay là có đồng ý hay không. Ðể lời đề nghị có thêm sức thuyết phục, bạn cần đưa ra những lời cam kết về sự gắn bó lâu dài và sự đóng góp liên tục của mình với công ty.
5 điều cấm kỵ khi thỏa thuận tăng lương
1. Than vãn rằng mức lương hiện tại không giải quyết các nhu cầu cơ bản của cuộc sống.
2. So bì mức lương của mình với mức lương của các đồng nghiệp khác, thậm chí với những người có chức vụ cao hơn.
3. So sánh thu nhập hiện tại với thu nhập trước đây khi còn làm cho công ty khác.
4. Chỉ trích những người khác trong công ty là họ không xứng đáng được hưởng một mức lương nào đó.
5. “Hăm dọa” chủ DN rằng bạn sẽ nghỉ việc nếu như đề nghị tăng lương không được đáp ứng.
|