Các hình thức phỏng vấn và cách chuẩn bị
Lượt xem: 19,484Xem thêm cơ hội tìm việc làm mới tại CareerViet :
Bạn chuẩn bị đi phỏng vấn và đang tự hỏi nhà tuyển dụng sẽ hỏi bạn gì đây… Bạn có biết việc nắm rõ các hình thức phỏng vấn sẽ giúp bạn tự tin tìm ra cách trả lời phù hợp nhất?
Phỏng vấn qua điện thoại
Do hạn chế về thời gian, những buổi phỏng vấn qua điện thoại ngày càng phổ biến. Đó là cách phỏng vấn để nhà tuyển dụng (NTD) đánh giá sơ bộ về ứng viên. NTD có thể báo trước cho bạn thời gian phỏng vấn qua điện thoại. Tuy nhiên họ cũng có thể không báo trước.
Cách chuẩn bị:
- Chuẩn bị tất cả những tài liệu liên quan, như hồ sơ tìm việc, thư xin việc, người tham khảo, v.v.
- Khi buổi phỏng vấn bắt đầu, bạn hãy chắc rằng bạn nắm rõ tên và chức vụ của người phỏng vấn và sử dụng đúng tên của ông ta/bà ta trong suốt buổi phỏng vấn. Hãy nhớ viết thư cám ơn người phỏng vấn sau khi buổi phỏng vấn kết thúc.
- Bạn cần trả lời ngắn gọn và tập trung. Hãy để người phỏng vấn cắt ngang nếu ông ta/bà ta muốn hỏi bạn thêm thông tin hoặc thay đổi chủ đề.
- Hãy nêu những câu hỏi liên quan đến công việc, công ty, quá trình tuyển dụng, v.v.
Phỏng vấn theo nhóm
Phỏng vấn theo nhóm được đánh giá là khá hiệu quả. Như tên gọi, nhiều người sẽ phỏng vấn bạn cùng một lúc thay vì bạn được phỏng vấn riêng với từng người.
Cách chuẩn bị:
- Trả lời và hướng ánh nhìn của bạn đến tất cả những người trong nhóm, thay vì chỉ với người đặt câu hỏi cho bạn. Tuy nhiên, bạn nên tập trung sự chú ý vào người trực tiếp đặt câu hỏi cho bạn.
- Thông thường trong một buổi phỏng vấn theo nhóm, sẽ có một người chính chủ trì. Người này có thể là giám đốc trực tiếp của bạn hoặc người đưa ra quyết định tuyển dụng bạn hay không, vì vậy hãy dành sự chú ý đặc biệt đến họ.
- Khi buổi phỏng vấn kết thúc, hãy cảm ơn cả nhóm đã dành thời gian phỏng vấn bạn. Bạn có thể thể hiện sự nhiệt tình được tham gia công ty hoặc nêu một số đề xuất của bạn đến người chủ trì nhóm phỏng vấn.
Khi người phỏng vấn thiếu kinh nghiệm
Nếu bạn được phỏng vấn với một công ty quy mô vừa hoặc nhỏ không có chương trình tuyển dụng quy mô, có thể bạn sẽ gặp một người phỏng vấn thiếu kinh nghiệm. Người phỏng vấn thiếu kinh nghiệm có thể không nắm được vai trò chủ trì buổi phỏng vấn, vì vậy “tạo điều kiện” cho bạn “lên ngôi” trong cuộc phỏng vấn.
Cách chuẩn bị:
- Hãy tận dụng cơ hội này để trình bày khả năng của bạn vì bạn sẽ không bị áp lực như khi gặp một người phỏng vấn có quá nhiều kinh nghiệm.
- Người phỏng vấn bạn thiếu kinh nghiệm vì họ không phải là người phỏng vấn chuyên nghiệp. Tuy nhiên, họ rất quen thuộc và nắm vững cách thức công việc vận hành. Vì vậy bạn đừng nói hớ nhé. Hãy trình bày thật kỹ và cẩn thận khả năng của bạn và đặt ra nhiều câu hỏi về vị trí bạn dự tuyển.
Phỏng vấn tìm hiểu hành vi trong quá khứ
Người phỏng vấn thường căn cứ vào cách làm việc và thành tích trước đây để đánh giá xem bạn có đủ năng lực để đảm nhiệm tốt vai trò mới không. Bạn sẽ được hỏi về những tình huống cụ thể trong quá khứ, cách bạn giải quyết vấn đề và bạn đã học hỏi được gì từ những kinh nghiệm đó.
Vd: Hãy cho tôi biết bạn đã làm gì để đạt doanh số 10.000 đôla Mỹ trong năm 2006?
Cách chuẩn bị:
Bạn cần đưa ra câu trả lời thật chi tiết và cụ thể với phương pháp STAR:
- Situation (Tình huống): nêu rõ tình huống khó khăn mà bạn đã gặp phải.
- Task (Nhiệm vụ): mô tả nhiệm vụ mà bạn đã đảm trách để giải quyết tình huống khó khăn trên.
- Action (Hành động): trình bày những bước cụ thể bạn đã thực hiện để giải quyết tình huống.
- Result (Kết quả): hành động của bạn đã đem lại kết quả tốt đẹp như thế nào và bạn đã rút ra kinh nghiệm gì.
Phong cách phỏng vấn tạo áp lực
Nhà tuyển dụng thường sử dụng phương pháp này để đánh giá khả năng giải quyết vấn đề, cách đối phó với những tình huống căng thẳng và khả năng làm việc dưới áp lực cao của ứng viên. Những câu hỏi thật gai góc và hóc búa sẽ được phát huy tối đa để kiểm tra độ nhạy bén của bạn. Ví dụ người phỏng vấn sẽ đặt ra một chủ đề gây tranh cãi và không đồng ý với bạn.
Cách chuẩn bị:
Bạn nên bình tĩnh, đừng rối trí với ánh nhìn lạnh lùng hay những câu hỏi “sát thủ” của nhà tuyển dụng. Hãy nhớ rằng bạn nói gì không quan trọng bằng cách bạn thể hiện. Và đừng quên suy nghĩ thật cẩn thận trước khi nêu quan điểm của mình.
Phỏng vấn Tình huống
Người phỏng vấn đang muốn phân tích kỹ năng suy luận và óc phân tích của bạn để giải quyết vấn đề. Ví dụ, họ có thể hỏi bạn “Có bao nhiêu chiếc xe mô-tô ở thành phố Hồ Chí Minh?” Người phỏng vấn sẽ tìm hiểu quá trình bạn dùng để có được câu trả lời.
Cách chuẩn bị:
Dạng câu hỏi tình huống đòi hỏi ứng viên phải sáng tạo, có khả năng suy luận logic để đưa ra giải pháp thích hợp nhất. Và điều quan trọng nhất, hãy thể hiện rõ ràng quan điểm và suy nghĩ của riêng bạn trong mỗi câu trả lời, đó cũng là cách để bạn đánh giá liệu mình có phù hợp với điều kiện làm việc ở môi trường mới không.