Các thủ thuật để phỏng vấn thành công
Lượt xem: 1,109Điều may mắn là các ứng viên thường cởi mở khi nói về bản thân họ, vì thế thách thức của bạn là phải hỏi những câu hỏi hướng họ vào những thông tin mà bạn cần để đưa ra quyết định tuyển dụng. Dùng các thủ thuật sau để nâng cao khả năng phỏng vấn của bạn.
Giữ nhịp cuộc phỏng vấn
Dùng những câu hỏi đầu tiên để ứng viên cảm thấy thư giãn và thiết lập sắc thái của phần còn lại của cuộc phỏng vấn. Các câu hỏi về kinh nghiệm làm việc của một người- ví dụ như "Hãy kể cho tôi một ngày làm việc của bạn hiện nay. Anh/chị thích nó ở điểm nào? Anh/chị không thích nó ở điểm nào" - có thể làm cho ứng viên cởi mở và bắt đầu nói và đó lại là điểm chính của một cuộc phỏng vấn.
Nghe nhiều hơn nói
Nếu bạn dùng nhiều hơn 20 phần trăm thời gian của buổi phỏng vấn để nói thì bạn đã không cho ứng viên cơ hội để nói về họ. Mục đích của cuộc phỏng vấn là để giúp bạn ra quyết định dựa trên cách mà người đó trả lời các câu hỏi của bạn. Bạn cần phải có thời gian để lắng nghe những câu trả lời.
Xếp đặt lịch
Đặt các cuộc phỏng vấn vào lịch của bạn, và coi nó như những cuộc hẹn làm ăn của bạn. Hãy đảm bảo rằng bạn sẽ dành cho ứng viên sự quan tâm chính - lau bàn; đặt điện thoại của bạn ở chế độ "không làm phiền"; đóng cửa; báo với mọi người trong công ty là bạn không muốn bị làm phiền.
Hỏi những câu hỏi mở
Tránh hỏi những câu hỏi có thể trả lời một cách đơn giản là có hoặc không. Thay vào đó sử dụng các câu hỏi mở để khuyến khích các ứng viên nói về bản thân họ. Lắng nghe câu trả lời và hỏi nhiều các câu hỏi tiếp theo như "Tại sao anh/chị nghĩ rằng điều đó đúng?" hoặc "Anh/chị đã làm việc đó như thế nào?" Nếu bạn cần thêm thông tin hãy hỏi thêm ứng viên.
Hỏi các câu hỏi trước khi mô tả công việc
Tránh mô tả chi tiết công việc trước khi bắt đầu buổi phỏng vấn. Một người thông minh sẽ tận dụng mô tả của bạn và bắt đầu vạch ra tất cả những câu trả lời xung quanh những điều mà cô ta hoặc anh ta đoán là bạn muốn nghe. Bằng cách hỏi càng nhiều câu hỏi trước khi bạn mô tả về công việc thì bạn sẽ có được những câu trả lời trung thực.
Tránh các câu hỏi chuẩn mực
Mọi người đều biết các câu hỏi phỏng vấn điển hình - Anh/chị muốn ở vị trí nào trong năm năm tới? Điểm mạnh và điểm yếu của anh/chị là gì? Hãy kể về anh/chị? Vấn đề đối với các câu hỏi này là rất nhiều ứng viên dành thời gian để chuẩn bị sẵn câu trả lời. Những câu trả lời soạn sẵn sẽ không có ích cho bạn. Thay vào đó hãy tìm những câu hỏi có tính thách đố để buộc người được phỏng vấn phải tự suy nghĩ và đưa ra câu trả lời chân thực về những điểm mạnh và hạn chế của họ. Ví dụ, các câu hỏi phân tích tình huống, như bạn yêu cầu ứng viên phản ứng với những tính huống điển hình trong công việc, có thể làm cho bức tranh chính xác hơn.
Cân nhắc quá trình phỏng vấn hai giai đoạn
Dùng cuộc phỏng vấn thứ nhất để giảm số ứng viên xuống còn hai hay ba người tốt nhất. Sau đó dùng các buổi phỏng vấn vòng thứ hai để chọn ra người tốt nhất. Buổi phỏng vấn thứ hai có thể tiến hành bởi những người mà sẽ làm việc với ứng viên nhiều nhất. Đánh giá và nhận xét của họ là rất quan trọng.
Cần biết những điều bạn không thể hỏi
Pháp luật rất nghiêm khắc với các câu hỏi bạn không đựơc hỏi trong suốt buổi phỏng vấn việc làm. Nói chung, các câu hỏi bị cấm là các câu hỏi mà câu trả lời có thể dùng để phân biệt đối xử một người lao động tiềm năng. Chúng thường tập trung ở các câu hỏi về các thông tin không liên quan đến công việc như tuổi, chủng tộc, tình trạng hôn nhân, hoặc sự tàn tật.