Cách trả lời ưu điểm và nhược điểm khi phỏng vấn hiệu quả nhất
Lượt xem: 28,359Một câu hỏi phỏng vấn quan trọng mà thường được hỏi rất nhiều đó là về ưu điểm và nhược điểm. Thông qua câu hỏi này, nhà tuyển dụng muốn hiểu rõ hơn về bạn cũng như liệu bạn có phù hợp với vị trí ứng tuyển hay không. Trả lời câu hỏi này một cách khéo léo có thể là chìa khóa để giúp bạn ghi điểm trong buổi phỏng vấn. Hãy cùng CareerViet tìm hiểu cách để ứng phó với câu hỏi này nha.
>>> Xem thêm:
- Mẹo trả lời phỏng vấn xin việc chuyên nghiệp
- 10 điều "vàng" cho người chuẩn bị phỏng vấn
- Trình tự một cuộc phỏng vấn
Điểm mạnh là gì?
Điểm mạnh là những khả năng, phẩm chất, sở trường, lợi thế đặc điểm tích cực hay ưu điểm của bản thân mà mỗi người sở hữu và có thể sử dụng để đạt được thành công trong cuộc sống, đặc biệt là nơi làm việc.
Điểm mạnh nhà tuyển dụng mong đợi ở ứng viên
Điểm mạnh và điểm yếu của ứng viên có vai trò quan trọng giúp nhà tuyển dụng đánh giá khả năng và sự phù hợp của bạn với vị trí công việc, đồng thời cũng xác định cách bạn có thể đóng góp và phát triển trong tổ chức. Một số điểm mạnh nổi bật mà nhà tuyển dụng mong tìm được ở các ứng viên:
- Linh hoạt trong công việc
- Có tinh thần trách nhiệm cao
- Tính trung thực
- Khả năng sáng tạo
- Kỹ năng thuyết trình
- Siêng năng
- Trình độ ngoại ngữ
- Năng lực chuyên môn
- Kỹ năng giao tiếp tốt
- Khả năng nghiên cứu, phân tích.
>>> Xem thêm:Phỏng vấn và kết thúc phỏng vấn như thế nào?
Ưu điểm và nhược điểm là câu hỏi thường xuyên xuất hiện trong các buổi phỏng vấn - Nguồn: Freepik
Điểm yếu là gì?
Điểm yếu là những khía cạnh, năng lực, kỹ năng, tố chất hoặc đặc điểm mà mỗi người gặp khó khăn, thiếu sót hoặc chưa hoàn thiện. Nhược điểm của bản thân có thể ảnh hưởng đến hiệu quả công việc, khả năng đạt được mục tiêu và sự phát triển bản thân.
Điểm yếu có thể được thể hiện qua:
- Thiếu kiến thức hoặc kỹ năng cần thiết cho công việc.
- Kỹ năng mềm chưa tốt bao gồm kỹ năng giao tiếp, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng lãnh đạo, kỹ năng quản lý thời gian, v.v.
- Phẩm chất cá nhân cần cải thiện như chần chừ, thiếu quyết đoán, lười biếng, thiếu kiên nhẫn, v.v.
- Kinh nghiệm làm việc hạn chế.
Cách trả lời về điểm mạnh khi phỏng vấn
Trung thực
Trước hết, hãy đảm bảo trả lời một cách trung thực. Không nên nói về một điểm mạnh mà bạn không thực sự có hoặc một kỹ năng mà bạn chưa từng thực hiện. Nhà tuyển dụng sẽ đánh giá sự trung thực, minh bạch trong câu trả lời cũng như sự thấu hiểu thế mạnh của bạn.
Nêu ví dụ kèm theo
Để làm cho câu trả lời thêm thuyết phục, hãy cung cấp một ví dụ cụ thể về việc bạn đã thể hiện hoặc áp dụng điểm mạnh đó như thế nào. Ví dụ này có thể liên quan đến công việc trước đây, dự án cá nhân hoặc kinh nghiệm làm việc. Bằng cách này, bạn không chỉ nói về khả năng của mình mà còn chứng minh nó qua hành động.
Nhấn mạnh điểm quan trọng
Chọn một hoặc hai điểm mạnh quan trọng mà bạn muốn nhấn mạnh. Đừng cố gắng liệt kê quá nhiều điểm mạnh, vì điều này có thể làm mất điểm trong cuộc trò chuyện. Tập trung vào những điểm mạnh liên quan đến vị trí công việc mà bạn đang ứng tuyển.
Nói ngắn gọn
Cuộc phỏng vấn thường có thời gian hạn chế, vì vậy hãy nói ngắn gọn và trình bày điểm mạnh một cách súc tích. Tránh việc trả lời quá dài và không cần thiết, điều này cũng dễ khiến người phỏng vấn mất tập trung và không nắm được trọng điểm. Người phỏng vấn muốn nghe câu trả lời mạch lạc và rõ ràng nhất.
>>> Xem thêm:5 kỹ năng cần thể hiện trong phỏng vấn xin việc
Ưu điểm và nhược điểm là câu hỏi thường xuyên xuất hiện trong các buổi phỏng vấn - Nguồn: Freepik
Cách trả lời về điểm yếu khi phỏng vấn
Sắp xếp câu trả lời hợp lý
Bạn có thể sử dụng cấu trúc 3 phần chính: điểm yếu, biện pháp cải thiện, và ví dụ minh họa.
- Đầu tiên, đề cập ngắn gọn đến điểm yếu của bạn, tránh chỉ ra quá nhiều điểm yếu hoặc điểm yếu quá nghiêm trọng.
- Tiếp theo, nói về cách bạn đã hoặc đang nỗ lực để cải thiện điểm yếu đó. Điều này cho thấy bạn là người có tinh thần tự cải thiện và sẵn sàng học hỏi.
- Cuối cùng, cung cấp một ví dụ cụ thể để minh họa cách bạn đã áp dụng biện pháp cải thiện. Ví dụ này cần liên quan đến công việc hoặc tình huống thực tế trong quá trình làm việc hoặc học tập.
Biến điểm yếu thành điểm mạnh
Một cách tiếp cận hiệu quả là biến điểm yếu thành điểm mạnh, tức là bạn có thể nêu bất kỳ điểm yếu nào mà bạn đã cải thiện hoặc sử dụng nó một cách tích cực. Ví dụ:
Nếu bạn từng gặp khó khăn trong việc quản lý thời gian, bạn có thể nói rằng bạn đã học cách sắp xếp công việc một cách hiệu quả hơn và hiện nay bạn là một người quản lý thời gian xuất sắc.
Nếu bạn có điểm yếu về kỹ năng giao tiếp, bạn có thể nêu rõ rằng bạn đã tham gia vào các khóa học hoặc tập luyện để nâng cao khả năng giao tiếp của mình và đã thấy cải thiện đáng kể.
>>> Xem thêm:7 bí quyết vượt qua phỏng vấn
Nêu một điểm yếu không liên quan trực tiếp đến công việc
Bạn có thể nói về một điểm yếu không liên quan đến công việc bạn đang ứng tuyển để tránh tạo ấn tượng tiêu cực đối với vị trí công việc cụ thể.
Ví dụ: Nếu bạn ứng tuyển vào vị trí kỹ thuật nhưng bạn nêu lên một điểm yếu như "tôi thường quên đặt lịch hẹn cá nhân”. Điều này không liên quan trực tiếp đến khả năng kỹ thuật của bạn
Trình bày ưu nhược điểm trong CV – Đâu là những điều cần lưu ý?
Nêu ưu điểm và nhược điểm là phần thường được đề cập trong CV để giúp nhà tuyển dụng hiểu rõ hơn về ứng viên. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết cách trình bày phần này một cách hiệu quả. Dưới đây là một số lưu ý khi trình bày ưu nhược điểm trong CV:
Chọn lọc những điểm phù hợp, đối với ưu điểm bạn nên chọn những điểm mạnh nổi trội, liên quan đến vị trí ứng tuyển và có thể chứng minh bằng kinh nghiệm, kỹ năng hoặc thành tích cụ thể. Tránh những điểm chung chung, khó kiểm chứng. Còn khi nói về nhược điểm nên chọn những điểm yếu không ảnh hưởng trực tiếp đến công việc và thể hiện sự tự tin trong việc khắc phục. Tránh những điểm yếu quá tiêu cực hoặc thiếu trung thực.
Hãy trình bày ưu điểm và nhược điểm ngắn gọn, súc tích để thu hút sự chú ý của nhà tuyển dụng. Sử dụng ngôn ngữ tích cực để tạo ấn tượng tốt và thể hiện sự tự tin của bạn. Đảm bảo tính trung thực trong lời nói, ví dụ như không phóng đại hay nói dối, để xây dựng niềm tin với người nghe.
Ưu và nhược điểm trong CV là yếu tố thu hút sự chú ý của nhà tuyển dụng - Nguồn: Freepik
Những câu hỏi thách thức trong buổi phỏng vấn của bạn
Điểm yếu của bạn là gì?
Điểm yếu không phải là điều gì tiêu cực, mà là cơ hội để bạn thể hiện sự tự nhận thức và nỗ lực phát triển bản thân. Thay vì liệt kê những điểm yếu đơn thuần, hãy chia sẻ một câu chuyện về một "điểm yếu" ẩn chứa ưu điểm và cách bạn đang học hỏi để hoàn thiện bản thân.
Ví dụ: "Có thể nói, sự nhiệt huyết và trách nhiệm cao là điểm yếu của tôi. Khi đảm nhận dự án, tôi luôn dốc hết sức để hoàn thành tốt nhất, đảm bảo tiến độ và KPI. Tuy nhiên, điều này đôi khi khiến tôi quá tải và ảnh hưởng đến sức khỏe. Nhận thức được điều này, tôi đang học cách cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Tôi đã bắt đầu tập thể dục thường xuyên, sắp xếp thời gian hợp lý và học cách giao tiếp, tin tưởng đồng nghiệp để chia sẻ công việc hiệu quả hơn.
Tôi tin rằng, với sự điều chỉnh và nỗ lực, tôi có thể duy trì sự nhiệt huyết trong công việc mà vẫn đảm bảo sức khỏe và sự phát triển bền vững cho bản thân."
Điểm mạnh của bạn là gì?
Câu hỏi về điểm mạnh là "chướng ngại vật" không thể thiếu trong bất kỳ buổi phỏng vấn nào. Không chỉ đơn giản là liệt kê những kỹ năng hay khả năng, đây là cơ hội để bạn tự tin khẳng định bản thân, thể hiện giá trị của bạn phù hợp với vị trí ứng tuyển.
Hãy nhớ rằng, điểm mạnh của bạn chính là "vũ khí" bí mật để chinh phục nhà tuyển dụng. Hãy tự tin khẳng định bản thân và thể hiện giá trị của mình để tạo ấn tượng tốt đẹp và gặt hái thành công trong buổi phỏng vấn.
>>> Xem thêm:Chiến thắng căng thẳng trong phỏng vấn
Bạn mong muốn đạt được những thành tựu gì trong 5 năm tới?
Câu hỏi "Bạn mong muốn đạt được những thành tựu gì trong 5 năm tới?" tuy ngắn gọn nhưng lại ẩn chứa nhiều "chông gai" khiến nhiều ứng viên lo lắng. Vượt qua "cửa ải" này đòi hỏi bạn phải cẩn trọng trong cách trả lời để tạo ấn tượng tốt với nhà tuyển dụng.
Câu trả lời của bạn chính là "bức tranh" về bản thân trong tương lai. Hãy vẽ nên một "bức tranh" đầy chuyên nghiệp, quyết tâm và tiềm năng để chinh phục nhà tuyển dụng và gặt hái thành công trong buổi phỏng vấn.
>>>Xem thêm:Để thành công trong buổi phỏng vấn
Em có thể chia sẻ về kỳ vọng mức lương của em cho vị trí này?
Nhiều ứng viên gặp phải "vết xe đổ" khi phỏng vấn vì mắc lỗi trong cách trả lời về mức lương và quyền lợi. Thay vì thể hiện sự thông minh và nhạy bén, họ vô tình tạo ấn tượng tiêu cực với nhà tuyển dụng.
Phỏng vấn là cơ hội để bạn thể hiện bản thân và tìm kiếm sự phù hợp với công ty. Thay vì "cò kè" lương bổng hay "ảo tưởng" về môi trường làm việc, hãy tập trung vào giá trị bản thân và thái độ thực tế để tạo ấn tượng tốt đẹp và gặt hái thành công.
>>> Xem thêm:Một vài dấu hiệu nhận biết sự thành công trong phỏng vấn
Kết luận
Việc trả lời câu hỏi về ưu điểm và nhược điểm trong cuộc phỏng vấn không chỉ giúp bạn thể hiện sự thấu hiểu bản thân và sẵn sàng phát triển, mà còn cho phép nhà tuyển dụng thấy được sự phù hợp và khả năng làm việc của bạn. Vì vậy, hãy chuẩn bị thật kỹ càng và tự tin khi đối mặt với câu hỏi này để tăng cơ hội ghi điểm với nhà tuyển dụng nhé. Và đừng quên khám phá nhiều cơ hội việc làm hấp dẫn tại CareerViet nha!
>>> Xem thêm:
- 20 cách gây ấn tượng trong phỏng vấn
- Điều nên và không nên khi trả lời phỏng vấn
- “Mẹo” thuyết phục nhà tuyển dụng trong cuộc phỏng vấn