Cách xác định công việc hoàn hảo dành cho bạn
Lượt xem: 79,069Bạn đang nhận được nhiều lời đề nghị làm việc một lúc? Xin chúc mừng! Giờ là lúc chọn ra đâu là lời mời bạn nên chớp lấy, và lời mời nào thì nên từ chối. Bắt đầu!
Bởi vì không có lời mời làm việc nào là hoàn hảo nên việc nâng lên đặt xuống các sự lựa chọn chủ yếu là để bạn cân nhắc xem công việc nào là ít phải đánh đổi nhất, và đem lại nhiều lợi ích nhất.
1.Thu nhập
Thu nhập phù hợp không chỉ là đủ đáp ứng mức sống cho bạn, nó còn cần phải xứng đáng với kiến thức và kỹ năng, công sức của bạn bỏ ra, cũng như tương xứng với thị trường việc làm. Đó là lý do bạn nên kiểm tra trên VietnamSalary xem những người có chung năng lực và kinh nghiệm thường được trả công bao nhiêu cho vị trí đó. Đi kèm với đó là những khoản thu nhập được cam kết như phí hỗ trợ, công tác phí, thưởng, hoa hồng…
2.Nội dung công việc
Công việc mà bạn sẽ phải làm là gì, và bạn có muốn làm điều đó không? Sẽ là bình thường nếu bạn phải làm những công việc không phải là yêu thích nhất, nhưng nếu đó là công việc bạn thực sự chán ghét, hãy nghĩ về việc sẽ phải làm nó trong ít nhất 12 tháng. Đó là sự đánh đổi đáng kể dù thu nhập cao đến đâu. Ví dụ: bạn là người muốn đắm chìm trong nghiên cứu, nhưng vị trí mới này đòi hỏi bạn phải thuyết phục khách hàng?
3.Văn hóa công ty
Hãy tự hỏi bản thân: Liệu mình có được hạnh phúc, yên ổn ở đây? Mình có được thử thách như mong muốn? Mình có phải thực hiện những việc không liên quan chuyên môn mà mình không chấp nhận được?
Hãy tìm hiểu kỹ để tìm ra nơi làm việc phù hợp nhất cho 12 tháng tiếp theo
Bạn nên làm việc kỹ với bộ phận nhân sự để hiểu rõ về tổ chức trước khi nhận lời. Bạn là người theo đạo A nhưng công ty chuộng các hoạt động thực hành tín ngưỡng của tôn giáo B, C hàng tháng, thậm chí hàng tuần thì sẽ là một sự gượng ép. Hoặc bạn không mong muốn phải tham gia quá nhiều hoạt động teambuilding nhưng quy định công ty lại ghi nhận điều đó trong chế độ thưởng? Bạn không thích nhậu nhẹt, karaoke cuối tuần nhưng đó là thói quen bất thành văn của phòng ban? Bạn không thể thay đổi được tổ chức, nhưng tìm hiểu trước sẽ tránh được tình huống khốn khổ trong tương lai.
4.Đặc quyền
Sẽ rất tuyệt nếu bạn có thể chọn được vị trí cho phép bạn có thêm ngày nghỉ hoặc chọn thời gian làm việc linh hoạt. Hãy thử đàm phán với bộ phận nhân sự nếu có cơ hội, đặc biệt nếu bạn ứng tuyển cho vai trò quản lý, hoặc chuyên gia đặc thù. Nếu bạn là ứng viên hoàn hảo cho vị trí đó, và nhà tuyển dụng thật sự khát khao bạn, hãy khiến cho bạn có nhiều niềm vui hơn để làm việc trong tương lai. Gắn bó lâu với một tổ chức và hài lòng cũng giúp bạn giảm bớt chi phí của việc nghỉ việc và tìm việc.
5.Cơ hội thăng tiến
Rất rõ ràng, nếu công việc đó hứa hẹn những nấc thang sự nghiệp như bạn mong muốn thì còn gì bằng. Nhưng nếu ‘cơm không lành, canh không ngọt’ thì cũng nên xem vị trí này có mang lại những gạch đầu dòng thuận lợi cho bạn trong CV không? Hãy cân nhắc vị trí này có thể khiến người khác đánh giá vai trò của bạn ra sao: thành tựu của bạn được đánh giá dựa trên những tiêu chuẩn nào, vị trí đó có mức cấp bậc như thế nào trong ngành, liệu có bất lợi gì nếu sau khi bạn nghỉ vị trí đó và đi xin việc khác sẽ bị đánh giá thấp năng lực thực tế không?
Chúc bạn có được sự lựa chọn ưng ý nhất, làm bàn đạp vững vàng cho những thăng tiến trong tương lai.
Ảnh: Pexels