Cái đúng nhất trong những cái đúng.
Lượt xem: 12,678Đôi khi không chỉ có một giải pháp đúng cho một vấn đề. Giải pháp được chọn lựa sẽ nói lên cái tầm của công ty bạn cũng như khả năng lãnh đạo của bạn. Việc chọn lựa "đáp án đúng nhất trong những đáp án đúng" chính là một trong những nhiệm vụ khó khăn nhất của nhà quản lý.
Trong những tình huống phải chọn “cái đúng nhất trong những cái đúng”, người ta thường phải đối mặt với hai trách nhiệm, đó là trách nhiệm về quyền lợi và trách nhiệm về hậu quả, và theo Giáo sư Badaracco, nhà lãnh đạo phải xử lý thành công trong cả hai tình huống trách nhiệm này. Theo phương pháp của Badaracco, nhà lãnh đạo cần phải tự nêu cho mình bốn câu hỏi để đạt tới những yếu tố cốt lõi của vấn đề. Bốn câu hỏi đó là :
1. Đâu là các hậu quả đối với mỗi người bị ảnh hưởng bởi những phương pháp khác nhau trong việc xử lý vấn đề ?
2. Những cá nhân nào và những tập thể nào liên quan đến tình huống có những quyền lợi mà bạn phải thực sự tôn trọng ? Có những người có quyền được biết sự thật, có những cổ đông có quyền hưởng cổ tức cao, v.v. Mỗi người đều có trách nhiệm tuân thủ pháp luật, và người ta có quyền yêu cầu các nhà quản lý công ty cũng phải hành xử như thế.
3. Câu hỏi thứ ba liên quan đến những thông điệp mà bạn muốn đưa ra về khả năng lãnh đạo của bạn, về cái tầm của công ty bạn. Thông thường trong những tình huống phải "chọn cái đúng hơn" này, người ta sẽ theo dõi bạn sát sao, khi mà bạn đang chuyển tải những thông điệp về giá trị của bạn cũng như giá trị của công ty mà bạn đang ra sức gầy dựng.
4. Và câu hỏi cuối cùng là giải pháp nào sẽ phát huy hiệu quả. Bạn cần phải thực tế. Bạn không thể chỉ đơn giản là cứ mãi nặng lòng với những hậu quả, suy nghĩ về những quyền lợi, và về giá trị của mình.
Bạn cần làm một điều gì đó để thật sự tạo ra sự khác biệt, và do vậy bạn cần phải nghĩ về điều đó trong mối liên hệ với những câu hỏi nêu trên.
Một nhà lãnh đạo có năng lực cần phải suy nghĩ thật chín chắn về cả những hậu quả lẫn những quyền lợi. Điều quan trọng là phải cân bằng suy nghĩ của bạn về hậu quả cũng như về quyền lợi, suy nghĩ về những giá trị và suy nghĩ về giải pháp sẽ phát huy hiệu quả.
Nếu chỉ suy nghĩ về những hậu quả, nhà lãnh đạo sẽ gặp rắc rối.
Có rất nhiều người trong hầu hết các công ty đòi hỏi rằng họ phải có quyền được người lãnh đạo đối xử một cách công bằng và trung thực, nhưng lại có những người là ông chủ công ty lại có quyền đòi hỏi doanh nghiệp phải có doanh thu tăng trưởng ổn định, hợp pháp và ít rủi ro. Nếu bỏ qua một trong những yêu cầu nói trên, nhà lãnh đạo sẽ phải trả giá đắt, với nhân viên công ty, với cổ đông, hay với những người thực thi luật pháp.
Ngược lại, nếu nhà lãnh đạo chỉ chú tâm đến những quyền lợi, hoạt động của doanh nghiệp sẽ bị tê liệt.
Như thế, bạn cần có những nhà lãnh đạo khác trong công ty - thực ra là cả những nhân viên quản lý trung gian - là những người nhạy cảm với những quyền lợi thực sự quan trọng và biết chú tâm đến những quyền lợi đó. Họ phải xem xét những quyền lợi đó trong các kế hoạch thực hiện, đồng thời phải biết xem xét những yếu tố quan trọng khác nữa.
Suy nghĩ cân bằng còn đòi hỏi nhà lãnh đạo phải biết cân nhắc cả những giải pháp mà anh ta cho rằng sẽ phát huy hiệu quả, vì những giải pháp ngắn hạn rất có thể sẽ dẫn đến một vụ như Enron. Nếu chỉ lo tìm kiếm một giải pháp có hiệu quả, bạn sẽ giống như một tay kỹ thuật viên với bộ dụng cụ trong tay đi tìm những chỗ hỏng hóc để sửa.
Nguy cơ ở đây là nếu bạn đang phải chịu một áp lực trong khi tình huống thì mơ hồ, không rõ ràng, rất có thể cuối cùng bạn sẽ nắm bắt lấy một giải pháp ngắn hạn để chữa cháy mà không giải quyết được vấn đề trong tổng thể, vì bạn có thể giải quyết vấn đề trong ngày hôm nay, nhưng ngày mai nó sẽ quay trở lại và tình hình sẽ tệ hại hơn.
Việc xử lý một vấn đề theo mẫu bốn câu hỏi nêu trên thường đòi hỏi nhiều thời gian để suy tư, cân nhắc. Giáo sư Badaracco gợi ý ba bài tập nhỏ giúp bạn nắm bắt được phần lớn các yếu tố quan trọng.
Với bài tập thứ nhất, bạn hãy suy nghĩ xem cần phải áp dụng kế hoạch hành động nào để xử lý vấn đề nhằm mang lại hiệu quả tốt nhất nếu vấn đề đó sẽ xuất hiện trên trang nhất các báo ngày mai. Điều đó đòi hỏi bạn phải tiên liệu được tất cả những hệ quả xuất phát từ hành động của bạn.
Bài tập thứ hai thường được gọi là Quy tắc Vàng, nghĩa là đòi hỏi bạn đi bộ một dặm bằng đôi giày của người khác. Đó là cách để hiểu được quyền lợi của những người khác mà có thể bạn đã xem nhẹ trong tư cách là người ra quyết định và đang chịu áp lực phải thực hiện quyết định.
Bài tập thứ ba là bài-tập-người-bạn-thân. Bạn hãy tự suy nghĩ về trường hợp một người biết rất rõ về bạn, và sự tôn trọng của người đó rất có ý nghĩa đối với bạn, và một vài năm sau người đó sẽ nhìn bạn như thế nào, rồi suy nghĩ tiếp về quyết định mà bạn sẽ thực hiện. Đây là bài tập hướng tới yếu tố giá trị và cái tầm của bạn và công ty bạn.
Cả ba bài tập này không tốn nhiều thời gian, nhưng có thể giúp làm bộc lộ một số bản chất cốt lõi của vấn đề, giúp một nhà lãnh đạo có được những quyết định đúng đắn.