Cảnh báo đạo đức nghề kế toán tại Việt Nam
Lượt xem: 13,997Bà Phương Mai kể trong đợt kiểm tra các công ty kế toán gần đây, người ta thấy có nhiều nhân viên không biết đọc báo cáo kiểm toán, không biết lập báo cáo tài chính. Nhân viên kế toán vẫn nhận hợp đồng của khách hàng dẫu không có chuyên môn. Điều này là một trong những biểu hiện của việc thiếu đạo đức kế toán.
Mặt khác, sinh viên hiện nay chưa có tính tự giác, chưa đặt nặng tính chuyên nghiệp mà chỉ chú trọng đến kỹ năng chuyên môn. Trong một lần thực hiện phỏng vấn, có sinh viên quá tự tin hỏi rằng: “Nếu em vào làm trong công ty chị thì bao lâu em sẽ thay thế được chị?”. Bà Phương Mai cho rằng ý thức vươn lên là tốt nhưng phải biết trình bày một cách tế nhị vì “có công bằng tới đâu thì cũng là con người”.
Giải thích về điều này, Trưởng đại diện ACCA tại Việt Nam cho rằng hiện nay thị trường đang thiếu hụt lao động kế toán nên chỉ cần một ít chuyên môn là đã được các công ty tuyển dụng ngay lập tức. Điều này về lâu dài sẽ có hại cho thương hiệu công ty và ảnh hưởng xấu đến uy tín của nghề kế toán - kiểm toán Việt Nam. Vì sau nhiều vụ bê bối về tài chính, các công ty trên thế giới đang rất chú ý đến đạo đức nghề nghiệp. Chuyên môn có thể đào tạo được còn đạo đức thì sẽ rất khó khăn.
Trả lời câu hỏi: “ACCA có những hỗ trợ nào để thay đổi quan niệm trên ở sinh viên hay không?”, bà Nguyễn Phương Mai cho biết: Trước mắt trong cuộc thi dành cho sinh viên ngành kế toán, kiểm toán, tài chính, ngân hàng mang tên “ACCA tương lai”, lần đầu tiên sẽ xuất hiện câu hỏi về cách hành xử trong nghề. Câu hỏi được trình bày dưới dạng một clip ngắn. Đây cũng là cách mà ACCA dạy cho các học viên qua mạng. Người học xử lý những trường hợp như trong đời thường. Nếu trả lời sai, clip gợi ý người học nên xem lại tài liệu để biết cách hành xử như thế nào là chuẩn. Vì theo đại diện ACCA, nếu chỉ đưa ra lí thuyết suông thì sinh viên có thể quên ngay.