Chân dung nhà tỉ phú số 1 Thái Lan
Lượt xem: 17,448Với quốc tế, cái tên Thaksin Shinawatra trở thành quen thuộc từ khi ông trở thành Thủ tướng của Thái Lan. Ông được đánh giá là nhà chính trị rất thành công.
Thế nhưng với người dân Thái Lan, Thaksin Shinawatra đã nổi tiếng từ trước đó bởi ông là một doanh nhân tên tuổi và rất thành đạt. Tập đoàn kinh doanh khổng lồ của Thaksin Shinawatra đang hoạt động trong lĩnh vực tin học, truyền thông với rất nhiều công ty khác nhau. Và ông chủ tập đoàn Thaksin Shinawatra hiện đang được coi là người giàu nhất Thái Lan với tổng tài sản được ước đoán khoảng 1,5 tỉ USD.
Thaksin Shinawatra là một trong số ít nhà tư bản Thái Lan “sống sót’ sau khủng hoảng tài chính 1996-1997 mà Thái Lan được coi là tâm bão. Và ông cũng là người rất nhạy cảm với cơ hội chính trị để sau đó trở thành một trong những Thủ tướng Thái Lan “tồn tại “ lâu nhất. Ông là Thủ tướng duy nhất của Thái Lan đắc cử hai nhiệm kỳ liên tiếp.
Dưới con mắt của các tổ chức quốc tế và các chuyên gia kinh tế, Thaksin Shinawatra là một trong những nhà cải cách kinh tế rất thành công. Đất nước Thái Lan phát triển rất nhanh thời kỳ hậu khủng hoảng tài chính là nhờ công của Chính phủ Thái mà ông là người đứng đầu.
Dưới góc độ kinh doanh cá nhân, tập đoàn tin học và viễn thông mang tên Shinawatra là một trong những tập đoàn kinh tế khổng lồ nhất Thái Lan, với hàng chục tập đoàn và hàng trăm công ty con khác nhau. Tập đoàn nào, công ty con nào cũng có phần vốn đáng kể của nhà tỉ phú Shinawatra.
Có những tập đoàn hay công ty, Thaksin Shinawatra sở hữu 100% vốn, Reinbow Media hay Niên giám Shinawatra. Có những công ty thì Thaksin Shinawatra chính thức chỉ chiếm sở hữu vốn chưa đến 50% như công ty International Engineering với 15%, công ty Data General với 25% vốn, công ty kinh doanh máy tính SCS Computer với 33,3%, Công ty điện thoại nông thôn Rural Telefone với 40%.
Còn với đại đa số các tập đoàn và công ty khác, Thaksin Shinawatra đều chủ trương nắm trên 50% số vốn để chi phối hoàn toàn hoạt động của các công ty này. Đó là một loạt các công ty quan trọng bậc nhất của lĩnh vực tin học viễn thông Thái Lan như công Shinawatra Telewitz với 60% vốn của Thaksin, công ty viễn thông STC Telecom với 60%, IBC với 55%, công ty AIS với 60%, công ty Shinawatra Internationale với 80%...
Ngoài thị trường Thái Lan, các công ty của Thaksin Shinawatra đã rất chú ý khai thác thị trường hai nước lân cận là Lào và Campuchia. Các công ty con IBS Lào, IBS Campuchia và Shinawatra Lào, Shinawatra Cămpuchia đều có tới 70% cổ phần của Thaksin Shinawatra.
Tiếp nối truyền thống của gia đình
Thaksin Shinawatra sinh ngày 26 tháng 7 năm 1949 tại Chieng Mai, thành phố thương mại sầm uất thứ hai Thái Lan, chỉ sau Bangkok.
Không phải như một số thông tin cho rằng Thaksin Shinawatra có nguồn gốc từ một gia đình nông thôn nghèo khó. Sự thật là Thaksin Shinawatra xuất thân từ một dòng họ rất giàu có và nhiều thế lực. Ông chính là thế hệ thứ 4 của một nhà kinh doanh người Hoa có gốc gác từ Quảng Châu sang định cư tại Thái Lan. Cụ và ông nội Thaksin Shinawatra là nhà buôn vải và lụa nổi tiếng nhất vùng Chieng Mai. Họ hàng, chú bác của Thaksin Shinawatra rất nhiều người thành đạt và giàu có.
Đến đời cha của Thaksin Shinawatra thì việc kinh doanh có vẻ không được phát đạt như trước. Chủ yếu là do cha ông không hoàn toàn dành tâm huyết cho kinh doanh mà còn tham gia chính trường. Cha của Thaksin Shinawatra tham gia binh nghiệp, trở thành sĩ quan và rồi dần trở thành nghị sĩ, đại biểu Hội đồng thành phố.
Khi kể về thời niên thiếu bình thường như bao trẻ em Thái Lan khác, ông nói khối tài sản kếch sù của mình không phải là thừa hưởng của gia đình mà do tự tay làm nên. Trên thực tế, Thaksin Shinawatra đã có được những phẩm chất kinh doanh của ông nội cũng như đam mê chính trường của cha ông. Và cả trên vũ đài chính trị lẫn trên trên thương trường, Thaksin Shinawatra đều đã vượt xa ông và cha mình.
Thaksin Shinawatra học tại trường Montfort là trường phổ thông tốt nhất của vùng Chiêng Mai và chỉ dành cho con nhà giàu có. Học hết phổ thông, Thaksin Shinawatra cũng xin vào học tại trường Sĩ quan lục quân. Được hai năm, Thaksin Shinawatra chuyển sang học trường cảnh sát. Thaksin Shinawatra cho rằng những năm tháng trong quân đội và cảnh sát đã đem lại cho ông những phẩm chất quí giá. Đó là tính mạnh mẽ, tính chiến đấu và cả ý thức kỷ luật sắt đá.
Về lý do chọn binh nghiệp làm bước khởi đầu cuộc đời mình, Thaksin Shinawatra có thể đưa ra rất nhiều lí do khác như thể hiện lòng yêu nước, sẵn sàng hi sinh, không bao giờ chịu thất bại... Những người quan tâm đến diễn biến xã hội chính trị của Thái Lan đều biết rằng đây là những tính toán rất kỹ đường đi nước bước của nhà Shinawatra. Từ hàng chục năm nay, binh nghiệp vẫn là con đường nhanh chóng và thuận lợi nhất cho những ngưòi làm chính trị ở nước này. Và Thaksin Shinawatra không phải là trường hợp ngoại lệ.
Ngay sau khi tốt nghiệp Học viện cảnh sát, Thaksin Shinawatra theo học chưong trình cảnh sát hình sự của Mỹ tại Đại học Eastern Kentucky. Sau đó khi trở về nước và bắt đầu sự nghiệp chính trị của mình từ ngành cảnh sát rồi làm quan chức chính phủ.
Tận dụng lợi thế kinh doanh từ các mối quan hệ
Từ cuối những năm 80, Thaksin Shinawatra bắt đầu có các hoạt động kinh doanh. Ông đến với lĩnh vực tin học và viễn thông một phần là tình cờ nhưng phần khác cũng là do sự nhạy bén với thị trường của ông.
Từ lần môi giới thành công kí kết hợp đồng giữa một công ty viễn thông Mỹ và cơ quan viễn thông Thái, Thaksin Shinawatra đã cảm nhận thị trường tin học và viễn thông sẽ rất béo bở và phù hợp với ông. Thaksin Shinawatra lập tức lập công ty riêng chuyên bán máy tính, làm dịch vụ tin học và truyền thông. Những mối quen biết sâu rộng trong xã hội và khả năng quyêt đoán rất nhanh của ông đã giúp Thaksin Shinawatra mở rộng công ty.
Được cấp phép thực hiện các dịch vụ mới, ông đầu tư rất nhiều vào lĩnh vực điện thoại di động. Nhờ tiếp cận với công nghệ hiện đại nhất, công ty của Thaksin Shinawatra đã trúng thầu cung cấp dịch vụ điện thoại di động và nhắn tin trên toàn quốc.
Là một trong hai công ty độc quyền làm dịch vụ này nên việc kinh doanh của Thaksin Shinawatra thuận lợi hơn bao giờ hết. Hơn nữa, công ty của Thaksin Shinawatra lại có lợi thế lớn về kỹ thuật và cả sự “ưu ái” nhất định của các cơ quan chức năng. Chẳng hạn như dịch vụ nhắn tin của công ty Shin chỉ bấm 3 số đã áp đảo thị phần của đối thủ cạnh tranh khi khách hàng của họ phải bấm tới 5, 6 hay 7 số.
Từ cuối những năm 80, đặc biệt từ đầu những năm 90 là thời kỳ bùng nổ điện thoại di động. Và đây chính là thời kỳ Thaksin Shinawatra “gặt hái” được nhiều nhất. Tỉ suất lợi nhuận rất cao, ước đoán phải là 25-30% hoặc hơn nữa cùng với doanh số gia tăng liên tục đã đem lại cho ông chủ Thaksin Shinawatra hàng tỉ bạt lợi nhuận.
Có tiền, Thaksin Shinawatra càng trở nên bạo tay hơn với việc đầu tư cơ sở hạ tầng viễn thông để kinh doanh. Nhờ đó, Thaksin Shinawatra lại có thể trúng thầu hàng loạt hợp đồng của Chính phủ về cung cấp dịch vụ viễn thông. Không chỉ các dịch vụ về điện thoại dùng thẻ hay mạng truyền dữ liệu, mà Thaksin Shinawatra còn trúng thầu cả những hợp đồng về truyền hình cáp và vệ tinh.
Để có được những hợp đồng Nhà nước béo bở như vậy, Thaksin Shinawatra đã phải mất rất nhiều công chuẩn bị và đầu tư. Thaksin Shinawatra tỏ ra là một nhà thương thuyết có tài và biết cách tác động, khéo léo dàn xếp. Thaksin Shinawatra khai thác tối đa những quan hệ có sẵn trong ngành cảnh sát để được cung cấp dịch vụ truyền thanh trong hệ thống xe buýt công cộng.
Thành công trên thương trường cộng với những mối quan hệ khá sâu sắc với giới quan chức, chính khách càng làm cho thế chính trị và lực tài chính của Thaksin Shinawatra tăng lên nhanh chóng. Ông không hề có ý phủ nhận điều đó khi khẳng định một sự thật là “Chính trị và kinh doanh không tách rời nhau”.
Nhà quản lý xuất sắc
Thaksin Shinawatra rất coi trọng thị trường nông thôn. Và khi nền kinh tế Thái Lan liên tục đi lên trong những năm đầu thập kỷ 90 thì cũng là lúc Thaksin Shinawatra nhảy vào cuộc với việc cung cấp dịch vụ điện thoại nông thôn. Tỉ suất lợi nhuận không cao nhưng nhu cầu điện thoại ở nông thôn chỉ trong mấy năm tăng lên chóng mặt.
Từ đầu những năm 90, Thaksin Shinawatra quyết định mở rộng kinh doanh sang các nước láng giềng Lào và Cămpuchia với tiềm năng thị trường không nhỏ. Năm 1995, trước khi cơn bão khủng hoảng tài chính xuất hiện, Thaksin Shinawatra đã đạt lợi nhuận kỷ lục được ước đoán lên tới hơn 100 triệu USD.
Để có thể quản lý được rất nhiều mảng kinh doanh như vậy, Thaksin Shinawatra đã nhiều lần hoàn thiện và tái cơ cấu tập đoàn kinh tế của mình. Quan trọng nhất là việc ông đã sớm phân chia tập đoàn thành rất nhiều các công ty cổ phần độc lập.
Thaksin Shinawatra đã đưa một loạt công ty cổ phần do mình chi phối như công ty IBC, công ty AIS, công ty máy tính Shinawatra và công ty vệ tinh Shinawatra lên niêm yết trên thị trường chứng khoán từ đầu những năm 90. Nhờ thế mà Thaksin Shinawatra đã thu hút được rất nhiều vốn để tiếp tục đầu tư mà không quá bị lệ thuộc vào ngân hàng và phân tán được rủi ro. Đây chính là hai nguyên nhân quan trọng đã giúp cho các công ty của Thaksin Shinawatra trong thời kỳ khủng hoảng tài chính châu Á rất ít thiệt hại hay thiệt hại thấp hơn nhiều đối thủ cạnh tranh.
Chính những kinh nghiệm quản lý kinh doanh tích luỹ được đã giúp ông hình thành quan điểm quản lí, điều hành đất nước khi ông làm Thủ tướng. Theo đó ông tự coi rằng việc quản lý điều hành một đất nước cũng như đối với một công ty. Với ông, công việc quản lý điều hành của một CEO tại doanh nghiệp cũng như công việc của một Thủ tướng.
Và cho đến nay, có thể nói Thaksin Shinawatra đã rất thành công trên cả hai lĩnh vực quản lý doanh nghiệp và điều hành Chính phủ Thái Lan
Xem thêm cơ hội tìm việc làm mới tại CareerViet :