Chàng cố vấn - công nhân
Lượt xem: 12,356Vị trí cố vấn dịch vụ ở Xí nghiệp ôtô Toyota Bến Thành thường chỉ dành cho những kỹ sư tốt nghiệp chính qui. Nhưng cố vấn Nguyễn Hoài Nam hiện nay lại xuất thân từ một công nhân. Sự kiện này đã gây không ít xôn xao trong đồng nghiệp...
Khó có thể tin vài tháng trước anh còn là một công nhân kỹ thuật trực tiếp sửa chữa. Nói về nghề cơ khí ôtô là anh say mê như nói tới người yêu: “Nghề nặng nhọc, luôn tiếp xúc dầu mỡ, lấm lem nhưng mình đã chọn thì theo suốt đời”.
Không đủ điều kiện thi vào đại học, Nam quyết định vào Trung cấp Giao thông vận tải 3 với xác định “nghề này nuôi sống được bản thân”, dù ngay trong lớp nhiều bạn bè cũng dao động, nung nấu mùa tuyển sinh sau. Lớp trưởng Nam liền động viên các bạn “chớ có thiêu thân lao vào chỗ mình không đủ sức”. Giúp nhau cùng học, cả lớp ra trường ai cũng tìm được việc làm. Tốt nghiệp chỉ ba ngày Nam đã có việc làm ngay.
Mê mẩn với “bù loong con tán”, anh không chỉ dừng lại với tay nghề bậc 3/7. Ngay sau khi vào làm tại Xí nghiệp Cơ khí ôtô Sài Gòn, anh lại tự trang bị kiến thức bằng khóa học thiết bị phun xăng điện tử của ôtô đời mới tại Trường đại học Sư phạm kỹ thuật để nâng cao tay nghề. Không chỉ mất sức lóc cóc đạp xe hơn chục cây số để theo học hằng đêm, khóa học còn “ngốn” hết hơn bốn tháng lương của anh. “Đã mê rồi phải chấp nhận”, anh bảo.
Anh em trong nhóm nhận định: tay này không ngại việc gì. Người trưởng nhóm “để mắt” nhiều hơn và rèn thêm nghề cho Nam. Chẳng mấy chốc từ bỡ ngỡ với công việc Nam đã có kiến thức đủ để mỗi lần trưởng nhóm có việc bận là giao quyền quản lý nhóm cho anh. Có những lần gặp phải chiếc xe “vật” cả tuần chưa “bắt” ra bệnh, Nam lại là người được cả nhóm giao thêm việc đọc tài liệu để cùng thảo luận tìm ra phương pháp “chữa bệnh” cho chiếc xe đó.
“Khả năng nghề của Nam tuyệt lắm, nói là hiểu nên lần thi nâng bậc nghề nào Nam cũng vượt qua” - anh Nguyễn Thành Long, người trưởng nhóm đầu tiên và cũng là người thầy dìu dắt Nam, cho biết. Từ bậc 3/7 cứ hai năm thi một lần, nay đã là công nhân bậc 5/7 nhưng Nam vẫn quay quắt suy nghĩ với đòi hỏi từ thực tế “càng làm lại thấy cần nhiều kiến thức”.
Nam quyết định vừa đi làm vừa ôn thi vào Đại học Bách khoa TP.HCM (học ban đêm). Năm năm ròng rã ngày đi làm, tối đi học anh đã tốt nghiệp loại khá với đề tài mô hình “hệ thống điện của xe hơi” vào năm 2002. Mới đây, ban giám đốc xí nghiệp đã phân công anh vị trí cố vấn dịch vụ, một công việc đòi hỏi kiến thức tổng quát.
Chúng tôi đọc được niềm tự hào từ người phó phòng Văn Minh Thanh: “Trong đội cố vấn dịch vụ, Nam là người duy nhất đi lên từ công nhân, còn tất cả đều xuất phát từ kỹ sư. Làm công nhân anh ấy cũng thuộc nhóm xuất sắc”.
Bè bạn hỏi sao không học kỹ sư ngay từ đầu, Nam bảo: “Tôi luôn tự hỏi mình có thể làm được gì, nghề mình làm xã hội có cần và sẽ cần không? Trả lời xong thì không đứng núi này trông núi nọ”, rồi chia sẻ: “Thường ai cũng thích được vào đại học nhưng có lẽ phải tự biết khả năng thật sự của mình”.