Chiến lược sinh tồn thời loạn

Lượt xem: 8,301

COVID-19 làm nhiều công ty phải cắt giảm, sáp nhập hoặc bị mua lại. Tình huống biến động có thể làm bạn lo lắng, nhưng luôn có 30% nhân viên giữ được sự cân bằng cần thiết để tiếp tục ở lại phát triển sự nghiệp. Bạn có thể là một trong số đó.

Các giai đoạn biến động của công ty thường gây căng thẳng, hoang mang, thậm chí là bấn loạn cho tập thể người lao động. Khi tài chính của công ty đi xuống, nhân sự có thể bị cắt giảm trong khi khối lượng công việc, áp lực và căng thẳng đặt lên trên vai những người ở lại thêm nặng nề. Nếu thuộc nhóm còn bám trụ, bạn sẽ phải làm quen với các chính sách, quy định mới; phối hợp với những bộ phận mới; hoặc báo cáo với sếp mới - người chưa từng biết gì về thành tích hoặc nguyện vọng của bạn. Nếu vẫn muốn ở lại, bạn nên coi đây như một cơ hội để đổi mới bản thân, biết đâu còn tạo được bước nhảy vọt.


Chủ động tìm hiểu những kiến thức cần thiết cho mô hình làm việc mới

Đánh giá tình hình
Bước đầu tiên trong chiến lược chính là tìm hiểu, nhận thức về tình hình:

- Những sự thay đổi mới
Nếu công ty tái cơ cấu hoặc sáp nhập, thì sẽ có những thay đổi gì trong hệ thống? Vai trò, nhiệm vụ của bộ phận bạn có gì khác trước? Mức độ ưu tiên của các dự án, bộ phận phối hợp và đối tác liệu sẽ khác gì? Những kỹ năng nào cần có để đáp ứng nhiệm vụ mới? Sếp đương nhiệm có ở lại và hỗ trợ các thành viên trong nhóm tiếp hay không?

- Điểm mạnh.
Điều gì trong kinh nghiệm và nghiệp vụ sẵn có của bạn có thể tiếp tục mang lại giá trị tốt trong hệ thống mới? Mạng lưới khách hàng, đối tác hoặc bạn bè trong ngành của bạn có thể tiếp tục sử dụng trong gian đoạn tiếp theo không? Điều gì có thể khiến bạn trở thành nhân sự không thể thay thế?

- Nguy cơ
Khả năng cắt giảm nhân sự ở bộ phận hiện tại ra sao? Vị trí của bạn trong nhóm và trong công ty liệu có trở thành dư thừa hoặc dễ dàng bị thay thế không? Bạn có còn muốn làm việc cho công ty sau các thay đổi mang tính hệ thống không?

- Cơ hội
Nếu có khả năng điều chuyển trong nội bộ, thì đâu có thể là điểm hạ cánh tiềm năng để bạn có cơ hội bật lên trong sự nghiệp? Vị trí đó có phù hợp các thế mạnh của bạn không? Con đường thăng tiến có khả thi không? Làm thế nào để được chuyển sang vị trí đó?

Nắm bắt cơ hội
Bước thứ 2 là tìm cách làm nổi bật điểm mạnh sẵn có và tự xây dựng những điểm mạnh mới bằng cách tận dụng việc trải nghiệm quá trình thay đổi. Nếu có những khóa đào tạo, hoặc một nhóm được lập nên nhằm thí điểm mô hình trước khi nhân rộng ra cả hệ thống, đừng ngại nhảy vào! Bạn sẽ có cơ hội học hỏi những kiến thức cần thiết cũng như thể hiện các thế mạnh với các lãnh đạo mới.

Chấp hành
Có thể bạn sẽ bị chuyển nhóm hoặc dự án, thậm chí sang một lĩnh vực khác hoàn toàn. Thật không dễ chịu gì khi mạng lưới những đồng đội cùng cấp trên ăn ý bị xáo trộn. Nhưng nếu bạn có - hoặc mong muốn phát triển - kiến ​​thức chuyên môn trong những lĩnh vực đó, bạn nên vượt qua trở ngại và tự nguyện chuyển sang nhóm mới. Cũng đừng ngại hỗ trợ đồng đội mới, đó là cách để người khác công nhận vai trò của bạn trong bộ máy mới.


Chấp nhận khả năng hợp tác khó khăn khi chuyển nhóm

Hợp tác
Người cố chấp với các tiêu chuẩn cũ, hệ thống hoặc bộ máy nhân sự cũ sẽ khó lòng hòa nhập với “bình thường mới”. Sự biến động đòi hỏi bạn phải nhanh chóng học cách làm việc hiệu quả với những người có thể có quan điểm và cách làm việc khác bạn, thậm chí không muốn làm việc với bạn. Vì vậy, thay vì lãng phí thời gian cho việc tiếc nuối những điều kiện làm việc cũ, hãy tập trung vào việc học thêm cái mới. Chủ động học cách phối hợp, và hiệu quả công việc sẽ khiến mọi chuyện dần trở nên dễ thở.

Làm bản thân nổi bật
Thực vậy, những người nổi bật và thể hiện rõ sự năng động, nhiệt huyết sẽ ít khả năng bị thay thế hơn là những người dễ bị lãng quên. Các lãnh đạo mới thường không ưu tiên quan tâm đến tâm tư, nguyện vọng của nhân sự. Nhưng bạn nên chủ động xin lời khuyên của họ để hòa nhập tốt hơn với tình hình mới. Nếu họ có những dự án hoặc thử nghiệm, hãy giơ tay tham gia. Ngay cả khi bạn không nhìn thấy tương lai tích cực gì trong tổ chức mới, thì tự đi tìm và thử nghiệm vẫn hay hơn là đặt đâu ngồi đó, rồi bất mãn hoặc bị cắt giảm.

Tạm kết
Biến động không dễ dàng cho tất cả. Nó có thể sàng lọc nhiều cá nhân khỏi tổ chức, nhưng nó cũng là cơ hội để một số khác bật lên. Đừng cư xử một cách cảm tính vì sự gắn bó với mô hình xưa cũ, mà hãy thiết lập quỹ đạo của riêng mình. Dũng cảm bước qua ranh giới an toàn, chủ động thử thách bản thân sẽ giúp bạn có các giá trị tốt hơn cho sự nghiệp của chính mình.

Nguồn ảnh: Pexels

Bài viết khác

Khám phá các chứng chỉ tiếng Anh như IELTS, TOEFL, TOEIC và Cambridge. Cùng CareerViet tìm hiểu đặc điểm, mục đích và cách chọn chứng chỉ phù hợp với nhu cầu.

Xem thêm

Interior Design là thuật ngữ được sử dụng phổ biến trong ngành xây dựng - nội thất. Vậy Interior Design là gì? Hãy tìm hiểu qua bài viết của CareerViet nhé!

Xem thêm

Nhân sự là gì? Cùng khám phá ngay khái niệm nhân sự, việc làm nhân sự, tiền lương và tính cách phù hợp để trở thành chuyên viên nhân sự nhé!

Xem thêm

PR là gì? Hay PR là viết tắt của từ gì? Vai trò và các loại hình PR phổ biến hiện nay? Cùng CareerViet tham khảo ngay qua bài viết này để hiểu rõ hơn nhé!

Xem thêm

Bạn muốn tìm hiểu về ngành Animation? Bài viết này sẽ giới thiệu chi tiết về animation là gì, từ định nghĩa cơ bản đến những cơ hội nghề nghiệp hấp dẫn.

Xem thêm

Mockup là cầu nối giữa ý tưởng và thực tế. Tìm hiểu mockup là gì, vai trò của mockup trong thiết kết tại sao mockup lại là công cụ không thể thiếu của designers

Xem thêm
Gửi tôi việc làm tương tự
Tạo ngay