Chiến lược tìm việc part-time
Lượt xem: 32,224Trong thời buổi suy thoái kinh tế, tìm thêm một công việc khác là nhu cầu của rất nhiều người. Bài viết này là một gợi ý để bạn tham khảo nếu đang có nhu cầu tìm việc part-time.
Trước hết, nếu đã có những kỹ năng làm việc phù hợp với nhu cầu thị trường, giả như thành thạo sử dụng các chương trình phần mềm làm việc khác nhau hay có kinh nghiệm trong 1 lĩnh vực công việc cụ thể, hẳn bạn sẽ muốn tận dụng tối đa những điểm mạnh ấy khi bắt đầu triển khai kế hoạch tìm việc. Nhưng ngay cả khi đã có một hồ sơ kinh nghiệm dày dặn, các ứng viên săn việc part-time vẫn có thể phải đứng ngoài. Mấu chốt của vấn đề, theo nữ nhà báo Liz Ryan, người đứng mục cho nội dung công sở của báo Business Week Online là, bạn phải tuân theo quy tắc cơ bản của sự “hãy chứng tỏ, đừng chỉ nói thôi”.
Công việc ở đâu?
Theo Alison Doyle, chuyên gia tìm kiếm việc làm cho trang web Ask.com, có một vài khu vực thường cung cấp cơ hội việc làm part-time tốt nhất hiện nay là lĩnh vực bán lẻ, phân phối hàng hóa, trung tâm hỗ trợ, tư vấn qua điện thoại, dịch vụ tiếp đón, chăm sóc sức khỏe và giáo dục.
Nhà báo Ryan đồng tình với chia sẻ này song cũng nói thêm, các trung tâm hỗ trợ, tư vấn qua điện thoại, các dịch vụ chăm sóc khách hàng và những công ty hoạt động theo kiểu nhận đơn đặt hàng của khách là lựa chọn phù hợp với nhiều người có nhu cầu tìm việc part-time, nhất là những người muốn làm thêm tại nhà.
Bà cũng lưu ý về những công việc làm thêm ở lĩnh vực bán lẻ, dù cơ hội việc làm trong lĩnh vực này khá lớn, nhưng lại thường liên quan tới giờ giấc bất tiện, mức thù lao thấp và đôi khi, đòi hỏi về chi phí trang phục cũng khá cao với mức thu nhập của những người cần tìm việc part-time.
Hãy nghĩ về nhu cầu của nhà tuyển dụng
Dù rằng việc ứng viên quan tâm trước tiên tới những nhu cầu cá nhân họ là điều tất yếu, nhưng bạn cũng nên tính tới những mối quan tâm của nhà tuyển dụng. Với sự thay đổi liên tục trong lĩnh vực làm thêm, đa số nhà tuyển dụng muốn ứng viên có sự cam kết gắn bó và thực sự mong muốn được làm việc.
Thêm một lần nữa, nhà báo Ryan lại nhắc lại nguyên tắc “hãy chứng tỏ, đừng chỉ nói” khi bạn tiếp cận với nhà tuyển dụng. Chẳng hạn, trong hồ sơ xin việc, đừng viết “tôi là người đáng tin cậy”, bởi lẽ, tại sao một nhà tuyển dụng – hoàn toàn xa lạ - lại có thể tin bạn? Thay vì thế, hãy kể cho họ nghe một câu chuyện. Ví như, khi tôi làm việc trong thời gian còn học trung học, tôi chỉ phải nghỉ 2 ngày vì bị cúm. Cách nói đó sẽ cho nhà tuyển dụng thấy rõ về sự đáng tin cậy và cam kết làm việc lâu dài của bạn. Hãy để họ hiểu, bạn là người phù hợp với công việc của họ chứ không phải chỉ là đáp ứng nhu cầu tìm việc của bạn thôi.
Không trở ngại nào là không thể vượt qua
Cuối cùng, hãy mở rộng mạng lưới tìm việc hơn nữa và tận dụng mọi cơ hội có được từ mạng lưới đó. Đừng ngại ngần khi nói với những người xung quanh về việc bạn muốn tìm một công việc làm thêm, dù là qua bạn bè, người thân hay các trang mạng xã hội. Tin tức từ những cơ hội việc làm có thể tới từ ai đó quanh bạn.
Chẳng hạn, có người đã biết tin về việc đâu đó tuyển người làm thêm thông qua bác sỹ khám răng. Lại cũng có người được nhận vào làm thực tập khi ở bữa tiệc sinh nhật, họ gặp một người quen đang làm việc tại công ty định xin vào. Có thể thấy, mối quan hệ xã hội tỏ ra rất hữu ích trong việc tìm kiếm công việc làm thêm.