Chống chiến tranh trong công sở
Lượt xem: 12,348Lính mới, đang trong thời gian thể hiện mình và lấy lòng mọi người, vậy mà trong khi bạn cố gắng hết sức thì lại mọc ra một kẻ cản đường. Làm thế nào để chiến tranh không xảy ra?
Chuyện 1: Một cuộc thi, không có 2 hoa hậu
Sau thời gian thực tập khá xuất sắc, Bình (cựu SV ĐH Ngoại thương) vào làm việc trong một công ty dệt may xuất khẩu. Các anh chị em trong phòng đều quí mến cô. Mọi việc đang êm đẹp thì em gái trưởng phòng xuất hiện. Bình kể lại: Tôi đã có ý nhường nhịn, nhưng cô ta luôn tìm cách nói xấu tôi với trưởng phòng vì nhận thấy các anh chị trong phòng cưng tôi hơn. Thái độ của sếp đối với tôi ngày càng khó chịu. Đến mức không thể nhịn nổi nữa, tôi cãi nhau với cô ta một trận và rời khỏi công ty.
Nguyễn Hoàng Linh, Trưởng phòng kinh doanh Công ty Everest:
Tôi vẫn nói với các bạn đồng nghiệp nữ rằng: cũng giống như những cuộc thi hoa hậu, chỉ có một người đăng quang. Vì thế một cô gái muốn sống bình yên trong công sở, thay vì cạnh tranh, hãy thân mật với chính đối thủ của mình. Vậy là chiến tranh không xảy ra.
Chuyện 2: Trâu bò đánh nhau, ruồi muỗi chết
Hương Lan tốt nghiệp HV Ngân hàng, về làm việc trong Ngân hàng Công thương của địa phương. Sau một tuần đi làm, cô nhận ra mình đang rơi vào một trận chiến bất đắc dĩ: Trong phòng mọi người chia làm hai phe. Khi cãi nhau, họ đuổi tôi ra ngoài, nhưng sau đó lại thay nhau hỏi xem tôi đứng về phe nào. Là nhân viên mới, tôi chẳng dám làm phật ý ai. Vậy là 8 giờ ở công sở của tôi lúc nào cũng căng thẳng kinh khủng, đến độ tôi phải xin nghỉ phép và đang tính chuyển công việc....
Chị Trang Tuyết Ngà, quản lý văn phòng giải pháp công nghệ phù hợp trong lĩnh vực y tế tại VN:
Những công việc tập thể thường đưa người ta lại gần nhau hơn. Thay vì việc đứng giữa hai dòng nước, bạn hoàn toàn có thể làm thiên sứ hoà bình bằng cách tạo ra hoạt động chung của phòng, liên quan đến cả hai phe. Nếu cần hơn, ngấm ngầm gặp sếp và nhờ sếp can thiệp bằng những cách thức nhẹ nhàng nhất. Chiến tranh sẽ tan, biết đâu đấy!.
Chuyện 3: Miếng trầu có phải đầu câu chuyện?
Rất hiểu nguyên tắc ra mắt nhưng Mai Anh, cựu SV Mỹ thuật Công nghiệp, nhân viên thiết kế quảng cáo của một công ty du lịch Hà Nội lại gặp rắc rối từ chính sự lễ phép của mình: Hôm ra mắt phòng, tôi đã mua rất nhiều bánh kẹo ngon. Nhưng không ngờ vì thế mà trưởng phòng luôn coi tôi là hoang phí. Không những thế trong phòng có một chị khá mập. Khi tôi mời bánh, cả phòng cười ầm lên. Thế là chị ấy tỏ ra ấm ức với tôi cho tới tận bây giờ.
Chị Vân Anh, Giám đốc công ty Đại Kim:
Với tình huống này thì cách giải quyết hết sức đơn giản. Bạn có thể tạo sự thân ái với chị đồng nghiệp bằng cách rủ chị đi tập thể dục thẩm mỹ cùng mình, hoặc chạy bộ buổi sáng. Nếu vì thái độ đó mà bạn tỏ ra thất vọng với các đồng nghiệp phòng mình thì quả là đáng tiếc.
Chuyện 4: Con kéo đẩy
Quân và Long là bạn thân, đã có một thời gian làm việc khá ăn khớp. Hai người vừa cùng được chuyển sang làm ở bộ phận bán hàng của một công ty TNHH. Chiến tranh bắt đầu khi Quân kịch liệt phản đối kế hoạch bán hàng mới do Long khởi xướng. Long kể: Tôi càng cố gắng phổ biến cách thức bán hàng mới xuống cho mọi người, cậu ta càng tìm cách làm ngược lại. Chúng tôi như một con kéo đẩy, cứ đứa làm, đứa phá, không ai chịu ai. Vì thế mà rất lâu rồi hai đứa không trò chuyện với nhau, dù ngày nào cũng nhìn mặt....
Anh Trịnh Tư Sỹ, chuyên gia tư vấn Công ty tư vấn và phát triển nguồn nhân lực NIC:
Tốt nhất hãy để chính sếp hoặc đồng nghiệp dàn hòa cho hai bạn bằng những giải pháp tốt nhất, không giống của ai mà là cộng lại của cả hai người. Nếu điều đó chưa diễn ra, bạn là người nhận ra mâu thuẫn đang căng lên, tại sao không ghìm tự ái của mình xuống một chút để chấm dứt con kéo đẩy đáng ghét ấy?.
1001 những câu chuyện như thế này trong cuộc sống công sở, nếu không biết sống với tinh thần chống chiến tranh, mọi thứ đều có thể vỡ tung và kết thúc là tôi và bạn không bao giờ hạ cánh an toàn được trong một môi trường mà chúng ta mơ ước.