"Chữa trị" bệnh quá tự tin
Lượt xem: 21,916Xem thêm cơ hội tìm việc làm mới tại CareerViet :
Tuyển dụng lái xe tại Đà Nẵng mới nhất
Tự tin là yếu tố cần thiết để một diễn giả, MC hay giáo viên làm tốt hơn công việc của mình. Tuy nhiên, tin tưởng vào bản thân nghĩa là tin rằng mình là người có năng lực chứ không phải tin rằng mình không bao giờ phạm sai lầm. Đừng nghĩ mình sẽ chẳng cần học gì ở người khác, càng không nên nghĩ rằng mình sẽ chẳng bao giờ bị ai chỉ trích, phàn nàn hay bất đồng ý kiến một chuyện gì đấy.
Những người bản lĩnh và tài giỏi thường rất tự tin vào mọi suy nghĩ, quyết định của bản thân. Họ chọn lấy những con đường của họ và ích khi “băn khoăn” vì ai đó. Họ là những người độc lập...Tất nhiên, điều này rất tốt – đặc biệt trong công việc. Thế nhưng, nếu vẫn giữ cách nghĩ này (rằng người khác chẳng có gì đáng để mình phải để tâm học hỏi, toàn là những người .... non nớt và kém hơn mình), bạn sẽ gặp phải nhiều khó khăn khi đối mặt với những “tình huống” trong cuộc sống gia đình.
Những người thân quanh bạn sẽ luôn có một ấn tượng: Bạn hầu như không tin ai ngoài bản thân. Người thân của bạn trở nên dè dặt và ít nhiều giấu bớt những nghĩ suy, những cảm xúc của họ. Hãy hình dung…Một đứa con đang độ tuổi mới lớn, rất có thể có những suy nghĩ “sai lầm”. Nếu nó thoải mái tranh luận và bày tỏ quan điểm, bạn sẽ hiểu được con mình muốn gì và dễ dàng “uốn nắn” nếu có điều lệch lạc. Nhưng nếu con nghĩ rằng bạn là một người luôn tin mình đúng, thì khi có ý kiến khác bạn, có thể con bạn sẽ chọn giải pháp giữ kỹ trong lòng ý kiến khác biệt ấy. Điều con bạn cho rằng đúng hay sai không quan trọng bằng việc nó sẽ luôn cảm thấy chuyện “góp ý” của mình chẳng mang lại một kết quả nào hết. Con sẽ khó mà sẻ chia cùng bạn những suy nghĩ, những quan điểm, những ước mơ…
Điều này càng tạo nên những khoảng cách “khó gần” trong tình yêu hay cuộc sống vợ chồng. Phụ nữ ít khi khăng khăng cho là mình. .. cái - gì - cũng - đúng. Họ ít nhiều mềm mỏng và biết lắng nghe hơn nam giới. Tuy nhiên nếu gặp một đức lang quân quá “tự tin”, sẽ có hai trường hợp xảy ra. Một, họ trở nên thụ động và mặc cảm, thậm chí phụ thuộc gần như hoàn toàn vào suy nghĩ và quyết định của chồng. Hai, họ sẽ bắt đầu nảy sinh cảm giác bị “ức chế”, bị “coi thường”, không được lắng nghe. Chính vì điều đó, trong lòng họ lúc nào cũng cò cảm giác muốn.. bứt ra, muốn thoát khỏi sự “kiềm chế”.
Những nghiên cứu tại Mỹ với những đôi vợ chồng khám phá ra rằng: Khi một trong hai người luôn tin là mình đúng và không thoải mái đón nhận những ý kiến của người khác, khoảng thời gian hai vợ chồng dành cho việc cãi cọ về những bất đồng tối thiểu phải nhiều gấp 3 lần khoảng thời gian “trong ấm ngoài êm”.
Rất có thể bạn là một người bản lĩnh và tài giỏi. Rất có thể bạn là người quyết đoán và cực kỳ tự tin vào bản thân. Nhưng với cuộc sống vợ chồng, hãy thử tập.. đừng quá tự tin. Tập cho mình có những phút giây biết lắng nghe, biết tin vào những thành viên còn lại trong gia đình, đặc biệt là người bạn đời. Ý kiến của những thành viên ấy có thể đúng, có thể sai...nhưng chỉ riêng thái độ đón nhận trân trọng này cũng đủ khiến bạn, khiến những người thân trong gia đình cảm thấy sự cần nhau, thật sự tự tin rằng mình có ích cho nhau, mình là một phần quan trọng và có ý nghĩa đặc biệt với người kia.
Một đứa con, dù rất bé, sẽ cảm thấy có trách nhiệm với gia đình khi biết rằng ý kiến của mình được lắng nghe. Bạn đừng quên, trong cuộc sống gia đình, người hạnh phúc không phải là người lúc nào cũng đúng.