Chuyên gia 'săn đầu người' bật mí bí quyết cho ứng viên
Lượt xem: 26,787Hãy nghe các chuyên gia trong lĩnh vực "săn đầu người" chia sẻ một số bí quyết hiệu quả giúp cho con đường tìm việc của bạn dễ đến đích hơn:
- Trung thực về background của bản thân
Theo Chris Von Der Ahe - một chuyên gia làm việc cho tổ chức head-hunter quốc tế Kom/Ferry, trong buổi phỏng vấn, khi nhà tuyển dụng hỏi về lý do tại sao lại từ bỏ công ty cũ, đừng bao giờ nói rằng, đó là một quyết định được đưa ra dựa trên thiện chí của cả 2 bên. Đừng cố bao biện sự ra đi đó hoàn toàn là vì lợi ích của cả hai bên và cả hai đều cảm thấy không phù hợp...
Thực tế, giữa người lao động và nhà tuyển dụng, lý do để nhân viên ra đi không bao giờ có chuyện 2 bên cùng thống nhất cả. Câu trả lời như thế được xem là cố tình bao biện cho việc ứng viên bị sa thải khỏi công ty. "Khi phỏng vấn ứng viên, chúng tôi đánh giá cao sự trung thực, thẳng thắn. Mọi sự lý giải theo hướng có lợi cho bản thân chỉ khiến ứng viên đánh mất thiện cảm ở nhà tuyển dụng mà thôi".
Đồng tình với quan điểm này, Neal L. Maslan nhấn mạnh: "Ứng viên đừng bao giờ lừa dối nhà tuyển dụng, đừng bỏ qua kể cả những công việc bạn chỉ làm trong một thời gian ngắn hay cố tình phóng đại thành tích của bản thân".
- Đặt mình trong vị thế cạnh tranh
Michael Reamy làm việc tại Accountants International - một công ty săn đầu người hàng đầu ở Washington D.C. cho rằng, trong thị trường việc làm hiện nay, dù chỉ nêu ra 10 yêu cầu nhưng nhà tuyển dụng lại muốn bạn có tới 11 điểm họ mong muốn.
Vì thế, hãy chắc chắn là bạn đã đọc đầy đủ về mô tả công việc và chuẩn bị đủ nội dung cần trình bày cho từng yêu cầu đó. Kết thúc buổi phỏng vấn, bạn nên thể hiện thiện chí của mình: "Tôi đã chuẩn bị tinh thần cho một sự thay đổi, tôi rất muốn được học hỏi thêm và sẵn sàng mọi thứ nếu được nhận vào vị trí này".
Nếu có thể, bạn nên đưa ra thời gian có thể bắt đầu đi làm ở công ty này, "hãy nói điều này một cách chuyên nghiệp, như một sự cam kết mạnh mẽ mà không cần quan tâm tới việc mình có bị loại hay không".
Reamy cũng khuyến cáo ứng viên nên có thư cảm ơn sau buổi phỏng vấn, "thực tế, chỉ khoảng 10% ứng viên làm việc này và chúng tôi thường chú ý đến họ hơn". Nên nhớ, trong điều kiện có nhiều đối thủ cạnh tranh "đáng gờm", bạn phải thể hiện được sự nghiêm túc, tâm huyết và hết sức thiện chí đối với công việc đang ứng tuyển.
- Tự nhận thức
Với lực lượng lao động như hiện nay, nhà tuyển dụng hoàn toàn có thể đòi hỏi thêm những bằng cấp liên quan như MBA, bằng tiếng Anh, tin học cao cấp... Giữa rất nhiều ứng viên tiềm năng, nhà tuyển dụng sẽ tìm ra ứng viên phù hợp nhất về năng lực, kinh nghiệm và ý thức cá nhân để có thể đáp ứng tốt nhất những gì họ mong muốn.
Michael Kelly - chuyên gia tuyển dụng làm việc tại Caldwell Parters International ở Dallas cho rằng, một trong những phẩm chất quan trọng nhất mà họ tìm kiếm ở những chuyên viên cấp cao là sự tự nhận thức về bản thân. "Thông thường, chúng tôi có 2 câu hỏi. Một là, bạn đã từng nhận được những lời góp ý với hạn chế của mình không? Đa số, mọi người đều trả lời rằng, họ thiếu kiên nhẫn, hoặc quá thực dụng. Với những ứng viên cho rằng, họ chưa từng bị phê bình, góp ý về bất cứ điều gì, khả năng bị loại khỏi vòng phỏng vấn gần như có thể nhìn thấy rõ ngay lập tức. Câu hỏi thứ hai: Bạn cảm thấy mình thay đổi gì so với bạn cách đây 5 năm hay 10 năm? Lúc này, sự nhận thức về mình sẽ giúp bạn nhận ra rằng, bạn đã thay đổi trong cách sống, cách nghĩ, cách tư duy và trưởng thành hơn rất nhiều.
- Linh hoạt khi đàm phán lương
Nếu bạn may mắn lọt vào vòng tiếp theo thì nên cân nhắc đến việc đàm phán mức lương. Theo Lindsay Fluke - làm việc trong tập đoàn tài chính quốc tế ở Atlanta, khi nhà tuyển dụng không đề cập đến vấn đề thu nhập hoặc áp đặt một mức lương theo ý họ, bạn nên tự tin vào bản thân để đặt câu hỏi ngược lại.
Nghĩa là bạn không chấp nhận theo mọi sự sắp đặt của nhà tuyển dụng. Bạn cần tìm hiểu đầy đủ thông tin về lĩnh vực bạn đang ứng tuyển, về mức lương chung để có lời đề nghị hợp lý về mức lương của bạn cho phù hợp với khả năng, kinh nghiệm.
Hãy nhớ rằng, cuộc đàm phán này là một trong những ấn tượng đầu tiên mà nhà tuyển dụng sẽ nhớ kỹ về bạn, vì thế, bạn nên có sự linh hoạt, lịch thiệp. Tốt nhất là nên nói chuyện thẳng thắn, lịch sự với nhà tuyển dụng để cùng nhau đàm phán đến một mức thu nhập có lợi cho cả hai bên.
- Sử dụng nhiều mối quan hệ để tìm việc
Khi đã nộp đơn xin việc trực tuyến hay trực tiếp, bao giờ bạn cũng có mạng lưới người quen, đồng nghiệp cũ hay bạn bè, người thân. Bạn nên tận dụng những mối quen hệ này để tối ưu hóa quá trình tìm việc.
"Đừng từ chối khi có những nhà tuyển dụng muốn gặp bạn, dù lĩnh vực đó không phải là đích bạn hướng đến, bạn cũng không muốn thay đổi công việc lúc này nhưng đừng nên bỏ qua. Cuộc gặp gỡ với các chuyên gia trong lĩnh vực "săn đầu người" sẽ tăng cường cơ hội cho bạn trong tương lai".
- Nói ít, nghe nhiều
Theo Dennis Cary - Phó chủ tịch của Korn/Ferry International, người từng tuyển dụng vị trí giám đốc điều hành cho Elite, cách tốt nhất để thu hút sự chú ý của các nhà tuyển dụng là hãy cắm đầu vào giải quyết công việc và thực hiện xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Các nhà tuyển dụng sẽ không tin lời nói suông, khoe khoang bản thân mà chỉ nhìn vào thành tích để đánh giá.
Hãy biết lắng nghe, tiếp thu ý kiến từ những người xung quanh và nhà tuyển dụng. Đừng nói quá nhiều mà không cần biết đến thái độ của những người đối diện, điều đó cũng giải thích tại sao chúng ta có hai cái tai nhưng lại chỉ có một cái miệng mà thôi.