Cơ hội việc làm ngành an toàn thông tin?
Lượt xem: 64,350
Em chưa hiểu lắm về ngành tin học (chuyên ngành an toàn thông tin) của Học viện Kỹ thuật mật mã? Có phải là ngành an ninh mạng hay quản trị mạng không? Học xong ngành này em có thể làm việc ở những cơ quan, công ty, tổ chức nào? Ngành này có triển vọng phát triển trong khoảng 5 năm tới hay không?
(Tang Van Ngoc)
- Tư vấn của Việc làm Online:
Theo ông Võ Đỗ Thắng, giám đốc Trung tâm đào tạo quản trị và an ninh mạng ATHENA, an toàn thông tin là ngành “hot” trên thị trường lao động hiện nay. Hiện tại và trong tương lai, tất cả các giao dịch, hoạt động của Việt Nam cũng như thế giới đều diễn ra trên mạng, do đó yếu tố bảo mật thông tin là vô cùng quan trọng.
Để bạn hiểu rõ hơn về ngành học của mình, chúng tôi cung cấp một số dữ kiện như sau:
An toàn thông tin là một mắt xích liên kết hai yếu tố: công nghệ và con người, trong khi lâu nay, khi triển khai hệ thống CNTT, doanh nghiệp thường quan tâm đến các yếu tố công nghệ mà ít quan tâm đến yếu tố thông tin. Thực chất, an toàn thông tin không chỉ là những công cụ mà là cả một quy trình, trong đó bao gồm những chính sách liên quan đến tổ chức, con người, môi trường bảo mật, các mối quan hệ và những công nghệ để đảm bảo an toàn hệ thống mạng.
Chuyên ngành an toàn thông tin bao gồm các công việc cụ thể như: bảo mật mạng không dây, bảo mật giao thức VOIP, bảo mật ứng dụng Web, PKI infrastructure, ISO 17799… Nói chung, an ninh mạng hay quản trị mạng chỉ là một phần nhỏ của an toàn thông tin.
Thị trường ứng dụng CNTT phát triển nhanh tại Việt Nam đang nằm trong tầm ngắm của các công ty đa quốc gia cung cấp các giải pháp bảo mật. Cho đến nay đã có mặt hầu hết các tên tuổi hàng đầu trong lĩnh vực cung cấp thiết bị dịch vụ này như McAfee, Astaro, Check Point, Secure, Trend Micro, FoundStone, BlueCoat…; hoặc các giải pháp về lưu trữ, an ninh bảo mật và hệ thống mạng cho doanh nghiệp của IBM, Cisco Systems, Oracle…
Các tổ chức bảo mật quốc tế cũng chú trọng đầu tư vào Việt Nam, đưa kỹ sư Việt Nam sang nước ngoài đào tạo dài hạn về thiết bị bảo mật và công nghệ tấn công phòng thủ. Các tổ chức đào tạo mạng trong nước cũng cải tiến các dịch vụ và mở rộng hợp tác để phổ cập kiến thức mạng cho cộng đồng ngày càng chuyên nghiệp hơn. Các hãng cũng đã thông qua những đại diện tại Việt Nam như Nam Trường Sơn, Misoft, Athena… để cung cấp thiết bị, dịch vụ cũng như các chương trình đào tạo.
Việc đào tạo chuyên ngành an toàn thông tin ở Việt Nam chưa phát triển xứng tầm với đòi hỏi của công nghệ. Do đó, trong vòng năm năm tới, cơ hội nghề chiệp cho những người tốt nghiệp chuyên ngành này là rất “rộng cửa”. Chúc bạn thành công!