Có nên đổi nghề?
Lượt xem: 17,481Có rất nhiều người đang băn khoăn đứng trước câu hỏi này giống bạn. Theo Văn phòng thống kê về người lao động của Mỹ, trung bình mỗi người có xu hướng thay đổi nghề nghiệp nhiều hơn 3 lần trong suốt cuộc đời mình.
Có lẽ thông tin này sẽ an ủi rất nhiều cho bạn nếu như công việc bạn đang làm không phải là ngành nghề bạn đã tốt nghiệp, hoặc bạn đã thay đổi tới hai nghề rồi mà vẫn chưa thấy mình phù hợp với nghề nào.
Tại sao lại phải đổi nghề?
Một trong những lý do phổ biến là "Công việc này không làm cho tôi luôn cảm thấy mình bận bịu và có ích." Mọi người thường có xu hướng mong muốn cuộc sống của mình phải có ý nghĩa và đối với nghề nghiệp cũng vậy, họ mong muốn có một công việc thú vị, mang lại nhiều ý nghĩa cho mình và cho người khác.
Bạn đã bao giờ thức dậy vào buổi sáng và tự hỏi: Trời ơi, chả nhẽ mình sinh ra trên đời là để lại tiếp tục làm những việc mà lát nữa mình phải nhảy bổ ra khỏi giường và cuống cả lên để làm nó ư?
Nếu như bạn đã không dưới ba lần nghĩ như vậy, thì bạn hãy nghĩ đến một lựa chọn khác - thay đổi nghề. Thực ra thay đổi nghề nghiệp đem đến cho nhiều người cơ hội thay đổi cuộc sống.
Ta sẽ làm chi đời ta?
Để tránh lặp lại những sai lầm có thể bạn đã mắc phải trong những lần đổi nghề trước, cũng có thể là những sai lầm sẽ có ở lần này, bạn nên cân nhắc một cách hết sức kỹ lưỡng trước khi thay đổi.
Điều bạn phải quan tâm nhất chính là bạn phải tìm hiểu xem kỹ năng nào bạn có mà bạn thích được sử dụng nhất để làm việc.
Hãy tập trung vào những kỹ năng "có thể mang theo được", bởi vì đây là những kỹ năng mà bạn có thể áp dụng được trong nhiều ngành nghề khác nhau. Thông thường đó là những kỹ năng giao tiếp và kỹ năng thuyết trình.
Trước tiên, bạn phải quan tâm tới nhu cầu của chính mình, chứ không phải nhu cầu của thị trường lao động. Rất nhiều người đã phạm phải sai lầm khi chuyển nghề bằng cách tìm xem thị trường lao động đang cần gì. Để tránh phải hối tiếc, bạn nên bắt đầu bằng câu hỏi: Mình muốn gì?
Tính ba lần trước khi quyết
Phương pháp "Trioing" (Ba lần) được Bolles phát minh từ những năm 1970. Đây chính là một loại phương pháp giúp bạn xác định xem việc thay đổi nghề của mình có chính xác hay không.
Phương pháp này như sau: bạn tìm hai người bạn hoặc những người bạn tin tưởng, sau đó liệt kê ra những việc mà bạn cho rằng mình đã gặt hái được thành công khiến bạn tự hào.
Bạn hãy viết những kinh nghiệm mà bạn đã có đó ra giấy và liệt kê bên cạnh từng kinh nghiệm những kỹ năng mà bạn sử dụng để gặp hái được thành công.
Bạn hãy cho những người bạn của mình xem những gì bạn đã ghi ra được và cùng họ "ngâm cứu" thật kỹ, có thể bạn sẽ phát hiện ra được những kỹ năng tiềm ẩn thực ra bạn đã sử dụng mà bạn không hay.
Những người bạn của bạn sẽ là những người giúp khẳng định thế mạnh hoặc kỹ năng nào thực sự là ưu thế của bạn.
Làm bài kiểm tra nếu cần
Nếu bạn vẫn quá "lăn tăn" không xác định được câu trả lời chính xác cho mình, ngay cả khi bạn đã áp dụng phương pháp "Trioing", bạn hãy tìm kiếm trên mạng một bản đánh giá nghề nghiệp để làm thử.
Kết quả của bảng đánh giá này có thể sẽ là một căn cứ cho bạn cân nhắc.
Tư vấn
Nếu sau khi bạn đã làm hết mọi cách mà vẫn chưa biết phải quyết định chọn nghề gì, bạn có thể nhờ tới các chuyên gia tư vấn. Thông thường, các chuyên gia cũng sẽ yêu cầu bạn ghi ra những gì bạn thích hoặc không thích ở những công việc trước làm cơ sở để đánh giá.
Tuy nhiên, bạn sẽ phải trả một khoản phí kha khá nếu áp dụng phương pháp này. Nếu bạn không trang trải được thì có lẽ bạn nên tìm kiếm sự tư vấn từ bạn bè, người thân hoặc những người mà bạn tin tưởng.