Công việc của một trợ lý riêng
Lượt xem: 31,224Xem thêm cơ hội tìm việc làm mới tại CareerViet :
Trợ lý riêng là người sẽ đứng đằng sau những người bận rộn, giàu có hoặc nổi tiếng, giúp đỡ những người này lập kế hoạch và hoàn thành khối lượng công việc khổng lồ của họ một cách nhanh chóng và hiệu quả.
Chức năng của một trợ lý cũng như một nhà tổ chức, một người điều phối dự án, hay thậm chí là một chủ cửa hàng. Một người có thể có hơn một trợ lý riêng tùy vào yêu cầu công việc và khả năng tài chính của họ, nhưng mỗi một trợ lý chỉ có thể có một “khách hàng” và giờ làm việc thì không cố định.
Công việc của một trợ lý riêng khá riêng tư và nhạy cảm. Ví dụ, bạn phải giúp sếp của bạn chọn màu sắc, kiểu dáng của trang phục để mặc trong những sự kiện quan trọng.
Những người thường cần trợ lý riêng như các ngôi sao điện ảnh, ca nhạc, các chính trị gia, người mà có quá nhiều công việc nhưng lại đòi hỏi kết quả công việc được thực hiện một cách hiệu quả. Thực tế, hầu hết những người giàu có đều thuê một trợ lý riêng để giúp đỡ họ mọi công việc trong cuộc sống và công việc.
Mặc dù công việc hằng ngày luôn thay đổi nhưng nhìn chung công việc mà một trợ lý riêng sẽ cần làm là:
Chọn lọc những cuộc điện thoại gọi đến.
Sắp xếp các cuộc hẹn và hội họp
Giải quyết một số rắc rối nhỏ nảy sinh bằng năng lực sẵn có của bản thân
Đi mua sắm và mua các món quà tặng thay sếp
Lên kế hoạch tổ chức các bữa tiệc hay một số sự kiện khác
Trả lời các thư từ gửi đến
Quản lý những người làm trong nhà
Chăm sóc cho những đứa trẻ(con cái của sếp) và vật nuôi trong nhà
Lên lịch cho những chuyến du lịch
Quản lý công việc nhà như một quản gia
Những yếu tố cần thiết đòi hỏi ở một trợ lý riêng
Là một trợ lý riêng bạn phải là người giao tiếp tốt, làm việc hiệu quả và luôn giữ được bình tĩnh trong mọi tình huống. Hãy tự hỏi bản thân xem bạn đã giải quyết những khó khăn trong cuộc sống của bạn như thế nào. Bạn là người dễ nổi nóng hay là người biết suy nghĩ trước mỗi hành động?
Một trợ lý riêng thành công là người có khả năng sống giữa sự giàu có và nổi tiếng mà không hề bị tác động. Ngoại hình, các kỹ năng thích hợp và cả khiếu thời trang cũng là những nhân tố quan trọng để tạo nên một trợ lý giỏi.
Ngoài ra bạn cần có những kỹ năng như thương thuyết giỏi, biết lắng nghe, biết tổ chức công việc, giải quyết nhanh chóng khi có vấn đề nảy sinh bất ngờ và biết giữ bí mật (tự nhận biết những thông tin nào của sếp cần và nên được giữ kín).
Học để trở thành một trợ lý riêng
Giờ bạn cũng đã có những khái niệm và yêu cầu nhất định về nghề này, vậy hãy bắt đầu ngay từ bây giờ để liệt kê ra những đặc điểm bạn đã có và chưa có. Ngoài ra bạn cần bổ sung và cập nhật kiến thức cho bản thân trong nhiều lĩnh vực vì nó sẽ rất có ích cho công việc sau này.
Bạn nên trau dồi những kỹ năng mà bạn sẽ dùng để tạo ấn tượng với những người nổi tiếng và giàu có (những sếp tương lai) này như là kỹ năng tổ chức sự kiện, quản lý thời gian hiệu quả hay thậm chí là kỹ năng ghi nhớ nhanh.
Bạn phải là người giỏi công nghệ, từ những vật dụng thông thường như điện thoại di động, máy tính đến những thiết bị an ninh cao cấp hơn. Bạn cũng cần tăng kiến thức xã hội của bản thân bằng việc đọc thường xuyên các loại sách báo, tạp chí hay đề cập đến cuộc sống của những người này.
Nhìn chung, khi cần tuyển một trợ lý họ sẽ không chú trọng đến bằng cấp của bạn mà họ thường chú trọng đến những kinh nghiệm bạn có và tính cách của bạn trong cuộc sống.