Đàm phán lương bổng: Có dễ?
Lượt xem: 16,431Đàm phán lương bổng vốn là một vấn đề tế nhị và đòi hỏi nhân viên phải có những kỹ năng cần thiết để tránh gây ra những điều đáng tiếc. Thế nhưng, đa số bạn trẻ đi làm, thậm chí nhiều người đã có kinh nghiệm làm việc ở vài nơi hay "giắt lưng" một lịch sử "nhảy việc" hoành tráng vẫn thường ít có sự chuẩn bị cho cuộc đàm phán này.
Hương vừa được nhận vào một công ty mới. Công việc, môi trường ở đây thực sự thích hợp với sở thích của Hương và cô chẳng có gì phải phàn nàn cả. Chỉ có mỗi một chuyện mà lúc nào nghĩ lại, Hương cũng cảm thấy mình chưa được khôn ngoan lắm dù cô đã có một bảng thành tích khá "hoành tráng" đi liền với số năm kinh nghiệm.
Hăm hở trong ngày phỏng vấn, Hương tự tin rất nhiều bởi bản hồ sơ "sáng láng" cộng với sự chuẩn bị thật sự kĩ càng để "ghi điểm" trong mắt nhà tuyển dụng. Người tuyển dụng cô lúc đó cũng chính là vị giám đốc bây giờ của cô. Tất cả mọi chuyện đều xuôi chèo mát mái, cả ứng viên lẫn phía tuyển dụng thật sự hiểu nhau và cảm thấy thoải mái, bởi giám đốc của Hương đã khéo léo dẫn dắt một tá câu hỏi khô khan thành một cuộc trò chuyện thân tình, cởi mở. Thế nhưng, chỉ khi ngài giám đốc hỏi mức lương mà Hương mong muốn là bao nhiêu thì cô thực sự bị bất ngờ bởi cô chưa hề có sự chuẩn bị cho tình huống này. Thế là Hương trả lời đại bằng cách dựa vào mức lương cũ để quyết mức lương mới bằng cách nâng lên một chút. Không ngờ vị giám đốc mỉm cười và nhanh chóng nhận cô vào làm việc.
Sau này, làm việc ở công ty một thời gian ngắn, trò chuyện cùng các đồng nghiệp làm cùng phòng, Hương mới biết mình đã bị "hớ" trong lần đàm phán đó. Vì quả thực, với một công ty tầm cỡ và "ăn nên làm ra" như công ty Hương đang làm việc, mức lương mà cô đồng ý thỏa thuận thấp hơn nhiều so với mặt bằng chung. Hương méo mặt vì nghĩ cũng làm việc như nhau mà người ta nhận gấp đôi số lương mình nhận. Tuy nhiên, chỉ hai tháng sau, ban lãnh đạo đã có sự điều chỉnh phù hợp hơn so với năng lực mà cô có. Nhưng sau lần đó, Hương đã thấm thía thêm một kinh nghiệm khi đi xin việc.
Kinh nghiệm của Hương cũng là một trong rất nhiều bài học mà các chuyên gia đưa ra cho việc đàm phán lương bổng: đừng dựa vào mức lương cũ để quyết định mức lương mới. Hai công việc ở hai nơi khác nhau, vì vậy, không nên để mức lương cũ tác động đến mức lương mới. Hãy cho nhà tuyển dụng biết những khác biệt giữa công việc mới và cũ, rồi nói - đại loại như: "Tôi đổi chỗ làm vì tôi muốn kiếm khá hơn. Tôi muốn có một lời đề nghị đúng với khả năng và kinh nghiệm của tôi".
Trong suốt quá trình làm việc và gắn bó với công ty, sẽ không ít lần bạn phải nghĩ đến chuyện mình cần phải được trả công xứng đáng hơn so với những gì đã bỏ ra, và để thuyết phục được lãnh đạo, được hưởng những gì bạn cho là mình đáng được có, bạn cần phải chuẩn bị tâm lý thật kĩ để bước vào một cuộc đàm phán lương bổng. Một buổi nói chuyện thẳng thắn là cần thiết nhưng điều thiết yếu là bằng những lý lẽ của mình, bạn phải thuyết phục được sếp của bạn thấy rằng bạn hoàn toàn có lý khi đề nghị điều này và việc chậm trễ trong việc tăng lương cho bạn là một sai lầm cần nhanh chóng sửa chữa.
Nếu bạn là ứng viên trong một cuộc phỏng vấn xin việc, chắc chắn chuyện lương bổng sẽ được phía nhà tuyển dụng đưa ra để thỏa thuận. Đôi khi, đây là yếu tố sau cuối quyết định việc bạn có được nhận hay không. Do đó, bạn nhất thiết phải đưa ra được mức lương hợp lý, vừa không gây "choáng" cho nhà tuyển dụng, vừa phù hợp với năng lực và năng suất mà bạn sẽ bỏ ra. Trước bất kỳ cuộc phỏng vấn nào, bạn cần phải đặt ra ba dữ kiện trong đầu. Đầu tiên, ít nhất bạn phải đặt vấn đề xem mức lương có đáp ứng được nhu cầu về ăn, ở của mình không? Thứ nhì, đâu là mức lương phù hợp với năng lực và kinh nghiệm của bạn? Và thứ ba, mức lương nào sẽ tạo cho bạn có cảm giác đang ở thiên đường? Từ đó hãy vứt bỏ dữ kiện 1 vì quá mang tính cá nhân, không đáng để bàn thảo. Tập trung vào dữ kiện 2 và 3 để từ đó định ra mức lương mong muốn.
Bạn cũng cần cố gắng truy cập vào các trang web thương mại, nhờ đồng nghiệp, bạn bè tư vấn xem từng mức lương tương ứng với từng vị trí công việc. Và điều quan trọng: Bạn phải có một cái nhìn khách quan về chính năng lực của bạn có phù hợp với mức lương đó.
Nếu nhà tuyển dụng đặt câu hỏi bạn muốn có mức lương bao nhiêu thì tốt nhất bạn đừng vội trả lời ngay lúc đó mà nên đặt thêm vài câu hỏi tìm hiểu thêm về công việc và yêu cầu của công việc. Đến khi nắm rõ công việc hãy nói đến mức lương mình muốn.