Đàm phán lương thời khủng hoảng sao cho đúng cách?
Lượt xem: 18,046Sẽ không một ai mong muốn thời kỳ khủng hoảng kinh tế xảy ra nhưng thật không may mọi thứ chúng ta muốn không phải lúc nào cũng đều tránh được. Trong những giai đoạn cực kỳ khó khăn, nhiều doanh nghiệp không chỉ cắt giảm nhân sự, mà sẽ là cả lương thưởng và một số quyền lợi khác đối với các nhân viên còn được giữ lại. Nếu không nằm trong nhóm nhân sự bị cắt giảm, bạn thật sự may mắn nhưng lại có chút bối rối vì đã sắp đến kỳ xét duyệt tăng lương. Bạn không biết xử trí thế nào trong tình huống này? Hãy để CareerViet.vn gửi đến bạn 8 lời khuyên nên và không nên từ các chuyên gia nhằm giúp bạn tham khảo và có chiến thuật đàm phán hợp lý nhất nhé.
TỰ THỰC HIỆN MỘT KHẢO SÁT NHỎ
Nên tìm hiểu lại ở vị trí của bạn, chức danh như bạn hoặc tương tự thì mức lương thị trường đang dao động trong khoảng nào, bao gồm từ thấp đến chấp nhận được và cao nhất.
Không nên tự suy đoán rằng lương thưởng là điều không thể thương lượng trong thời kỳ khó khăn bởi trên thực tế 80% công ty tiếp tục hoạt động giai đoạn này vẫn hiểu rằng nhân viên sẽ kỳ vọng có sự tăng lương và chuẩn bị một khoản nhất định cho việc chi trả, đặc biệt đối với các nhân viên có vị trí quan trọng.
TẠO ẤN TƯỢNG TỐT
Nên tập trung vào việc xây dựng mối quan hệ vững chắc cùng công ty vào lúc này thông qua những kế hoạch tích cực để thúc đẩy sự phát triển của tập thể.
Không nên ngay lập tức bàn thẳng về vấn đề lương thưởng bởi nó khiến người nghe khó tiếp nhận trong hoàn cảnh này và gây ra ấn tượng bạn chỉ quan tâm đến mỗi tiền chứ không hẳn có sự yêu thích đối với công việc của mình.
THỂ HIỆN ĐƯỢC GIÁ TRỊ BẢN THÂN
Nên thảo luận cụ thể về những đóng góp và ảnh hưởng tích cực từ vị trí của bạn đến hoạt động chung của công ty trong thời gian tới, qua đó chứng minh bạn xứng đáng nhận được mức tăng lương hợp lý.
Không nên nói về việc cần tăng lương ở khía cạnh cá nhân bởi công ty hiện không trong hoàn cảnh có thể dễ dàng chia sẻ cùng bạn những trách nhiệm về gia đình, nợ nần, con cái phải đi học ở điều kiện ra sao. Hãy gạt những lý do quá cá nhân ra khỏi buổi thảo luận mặc dù chúng thật sự đang là những vấn đề bạn cần giải quyết trong cuộc sống.
NHẬN NHIỀU TRÁCH NHIỆM HƠN
Nên chấp nhận đảm trách nhiều công việc hơn, kể cả khi sếp yêu cầu hay do bản thân bạn chủ động nhìn thấy mình có khả năng hỗ trợ ở nhiều khâu hơn so với trước đây.
Không nên nhận nhiều trách nhiệm hơn mà không được tăng lương một chút nào bởi mọi thứ đều cần có sự chi trả xứng đáng. Bạn có thể nhận mức tăng ít hơn so với việc công ty tuyển dụng thêm một nhân viên cho vị trí đó nhưng không thể hoàn toàn "miễn phí" để bù đắp những khoản thâm hụt không phải do bạn gây ra.
ĐỪNG TỎ RA NGẦN NGẠI
Nên định giá bản thân một cách tương xứng bằng cách nâng cấp kỹ năng, kiến thức và những yêu cầu về chuyên môn từ công ty để có thể đóng góp vào việc cải thiện tình hình kinh doanh của công ty.
Không nên đòi hỏi tăng lương chỉ vì đã đến kỳ xét thưởng trong khi bản thân không cho thấy mình sẽ đóng góp được cụ thể những giá trị nào trong thời gian tới.
XEM XÉT LƯƠNG THƯỞNG NHƯ MỘT GÓI TỔNG HỢP VỀ QUYỀN LỢI
Nên xem xét việc tăng lương giai đoạn này một cách linh hoạt hơn, không chỉ là ở con số mà tài khoản bạn sẽ nhận được mà có thể thay thế bằng một số phúc lợi khác như cơ hội tham gia các khoá học chuyên môn, thời gian nghỉ phép, các khoản chi cho việc đi lại chẳng hạn.
Không nên chỉ chăm chăm vào số tiền sẽ là bao nhiêu cho khoản tăng của bạn. Đôi khi trong rất nhiều tình huống kể cả khi công ty không gặp khó khăn, mức lương có thể không còn là yếu tố quan trọng nhất nếu bạn nhận được những phúc lợi đủ hấp dẫn.
SUY NGHĨ HỢP LÝ
Nên đưa ra một con số hợp lý mà bạn đã tham khảo trước từ thị trường.
Không nên gợi ý khoản tăng cao bất thường hoặc theo thông lệ hàng năm chỉ vì nghĩ rằng nếu công ty không đồng tình thì sẽ tự "mặc cả" lại cùng bạn. Trong hoàn cảnh khó khăn, việc đàm phán lương theo hướng này trở nên không mấy vui vẻ và khó giữ được hoà khí.
CHIA SẺ QUAN ĐIỂM
Nên chia sẻ con số mà bạn tìm hiểu được từ thị trường chung để công ty cân nhắc. Điều này không nhằm mục đích thúc ép việc chi trả mà chỉ thể hiện việc bạn đã nghiêm túc ra sao trước khi đưa ra mức đề nghị.
Không nên e ngại để công ty tự quyết định và rồi bản thân bạn thấy không thoải mái với đề nghị sau cùng. Mọi thứ nên minh bạch ngay từ đầu và có lợi cho cả đôi bên thì sẽ dễ dàng để cùng nhau đi con đường xa và dài nhằm vượt qua nhiều thử thách trước mắt.
Nguồn hình: Freepik