Dấu hiệu tạo nên sự khác biệt cho thư xin việc
Lượt xem: 14,029Cách tốt nhất để thư xin việc được nhà tuyển dụng chú ý là hãy truyền tải vào đó các yếu tố xây dựng thương hiệu cá nhân, chẳng hạn như một khẩu hiệu, lời chứng thực hoặc một tuyên bố về mục tiêu nghề nghiệp...
Hãy truyền tải vào đó các yếu tố xây dựng thương hiệu cá nhân
Đối với các nhà tuyển dụng, khi có vị trí tốt được mở ra, họ có thể nhận được hàng trăm thậm chí hàng nghìn hồ sơ từ các ứng viên gửi đến. Đa số họ chỉ có thể dành vài giây để đọc lướt qua thư xin việc của ứng viên trước khi chuyển sang người khác. Vì vậy, việc tạo dấu ấn riêng cho thư xin việc đóng vai trò quan trọng, giúp bạn thu hút sự chú ý của nhà tuyển dụng ngay từ cái nhìn đầu tiên.
Theo Evelyn Salvador, chuyên gia tư vấn nghề nghiệp và là tác giả của “Step-by-Step Cover Letters”, cách tốt nhất để thư xin việc được nhà tuyển dụng chú ý là hãy truyền tải vào đó các yếu tố xây dựng thương hiệu cá nhân, chẳng hạn như một khẩu hiệu, lời chứng thực hoặc một tuyên bố về mục tiêu nghề nghiệp... "Mỗi yếu tố này là tùy chọn, nhưng chắc chắn khi được đưa ra, nó sẽ giúp cho cho thư xin việc của bạn nổi bật so với các ứng cử viên khác”.
Salvador đã đưa ra những chỉ dẫn cụ thể giúp ứng viên có thể vận dụng linh hoạt một trong số những yếu tố trên:
Tạo khẩu hiệu riêng
Một câu khẩu hiệu ngắn gọn có thể được đặt ngay dưới tên của bạn ở phía trên cùng lá thư xin việc, bên lề trái theo kiểu Header hoặc in nghiêng cuối thư xin việc dạng Footer. Câu khẩu hiệu ý nghĩa sẽ thu hút sự chú ý ngay lập tức đồng thời chứa đựng các giá trị của bản thân ứng viên đem đến cho nhà tuyển dụng.
Nếu bạn cần sự giúp đỡ trong việc tạo một khẩu hiệu cho riêng mình, hãy tìm trên trang web của người sử dụng lao động để khơi nguồn cảm hứng.
Chẳng hạn, với một giáo viên tiểu học: "Giúp học sinh thực hiện các bước đi tích cực, hướng tới tương lai", với người quản lý bán hàng: "Đối diện với thách thức, khắc phục những trở ngại và tiếp cận mục tiêu".
Chứng tỏ năng lực bản thân
Bạn hãy đưa ra các bằng chứng chứng minh năng lực của mình, nêu rõ những gì người khác đã đánh giá về hiệu suất của bạn để làm tăng thêm sự tin cậy với thông tin bạn cung cấp trong thư xin việc.
Ý kiến đánh giá này có thể bao gồm các đoạn trích từ thư giới thiệu, lời cảm ơn của khách hàng, thư bày tỏ sự hài lòng của nhà tuyển dụng trước đó, đánh giá hiệu suất làm việc của bạn trong công việc trước đây, kể cả trong bản tóm tắt thực tập, bản ghi nhớ nhân viên và khen thưởng khác… Những lời nhận xét tích cực ấy sẽ giúp cho hồ sơ của bạn tỏa sang và ghi điểm với nhà tuyển dụng.
Nêu rõ mục tiêu
Về mục tiêu, bạn nên nêu ngắn gọn nhưng phải hết sức rõ ràng, cụ thể. Đa phần, các nhà tuyển dụng đều dị ứng với những ứng viên vòng vo, ngay cả mục tiêu cũng không xác định rõ. Cùng với mục tiêu, bạn nên mô tả cũng thể những gì đã và định làm, những điều khiến bạn tin rằng công việc đó sẽ đem đến cho bạn.
Salvador tiếp tục phân tích dẫn chứng với giáo viên: "Mỗi bước đi của học trò ảnh hưởng đến tương lai của chúng, tôi muốn giúp các em thực hiện những bước đi tích cực trong môi trường giáo dục thuận lợi."
Còn với quản lý bán hàng, Salvador gợi ý: "Chúng tôi luôn đem đến niềm tin và sự hài lòng cho khách hàng. Đó cũng là tiêu chí chúng tôi hướng tới”.