Để có một cuộc phỏng vấn thành công.
Lượt xem: 46,620Bạn đã phải bỏ ra biết bao nhiêu công sức để viết bản sơ yếu lý lịch và thư xin việc. Kết quả là bạn đã được một công ty mời bạn đến phỏng vấn cho vị trí công việc mới. Vì thế bạn phải biết nắm lấy cơ hội bằng cách chuẩn bị thật chu đáo cho buổi phỏng vấn của mình.
Thông qua bản sơ yếu ý lịch và thư xin việc nhà tuyển dụng đã có được một hình ảnh chung về khả năng của bạn. Và buổi phỏng vấn chính là lúc cho họ thấy bạn là một người thực sự có thể đáp ứng yêu cầu công việc trong công ty.
Phỏng vấn có thể là một thử thách đầu tiên trong công việc đối với bạn. Ðể tránh bị “bại trận” trong cuộc phỏng vấn, bạn nên dành thời gian chuẩn bị ở nhà trước khi đến ngày đó.
Ðầu tiên, hãy làm một vài cuộc nghiên cứu cơ bản về công ty mà bạn đang xin việc. Tối thiểu thì bạn cũng nên biết công ty đang hoạt động trên lĩnh vực nào, sản phẩm và dịch vụ của công ty, mục đích hoạt động của công ty, trụ sở chính của công ty đặt tại đâu.
Phần lớn các thông tin này đều có thể tìm thấy trên web của công ty hoặc có thể tìm đọc các bài báo và tạp chí về công ty trong nhà sách hay thư viện. Ngoài ra bạn cũng có thể hỏi bạn bè hoặc người thân của bạn đang làm việc ở công ty đó vì đây là một nguồn cung cấp thông tin rất quan trọng và hữu ích cho bạn để hiểu rõ hơn về công ty mà bạn đang xin việc.
Thử trả lời một số câu hỏi phỏng vấn mà bạn nghĩ nhà tuyển dụng sẽ hỏi bạn trong buổi phỏng vấn. Điều này sẽ giúp cho bạn tự tin và thoải mái hơn trong việc trả lời các câu hỏi mà nhà tuyển dụng đưa ra trong buổi phỏng vấn.
Các câu hỏi phỏng vấn điển hình:
+ Anh chị hãy kể đôi chút về bản thân của mình.
+ Vì sao anh chị lại xin làm công việc này?
+ Vì sao anh chị lại chọn công ty của chúng tôi?
+ Những ưu điểm của anh chị là gì?
+ Nhược điểm lớn nhất của anh chị là gì?
+ Những thành tích nào khiến anh chị hài lòng nhất?
+ Thiếu sót lớn nhất của anh chị trong công việc trước đây là gì?
+ Anh chị đã vượt qua những thất bại trong công việc trước đây như thế nào?
+ Vì sao anh chị lại thôi việc ở công ty cũ?
+ Anh chị có nghĩ kinh nghiệm và học vấn của mình sẽ phù hợp với yêu cầu công việc của công ty hay không?
+ Mục tiêu nghề nghiệp của anh chị là như thế nào trong năm năm tới.
+ Nếu được chọn, anh chị có gắn bó lâu dài với công ty hay không?
+ Quan điểm sống của anh chị là gì?
+ Mức lương mà anh chị nhận được tại công ty trước đây là bao nhiêu?
Ngoài ra biểu hiện bên ngoài cũng rất quan trọng trong một cuộc phỏng vấn. Quần áo phải sạch sẽ và phù hợp với công việc bạn đang phỏng vấn. Khi phỏng vấn, không nên ngồi rũ trên ghế hoặc dựa vào bàn, giật tóc hay nghịch bút một cách bồn chồn hoặc không dám nhìn thẳng vào mắt nhà tuyển dụng.
Trả lời trực tiếp tất cả các câu hỏi một cách ngắn gọn, súc tích và chân thành. Không nên hạ thấp những thành công trước đây của mình cũng như không nên phóng đại công việc của bạn đã hoàn thành.
Một ý tưởng hay là bạn nên chuẩn bị sẵn một ít câu hỏi cho người phỏng vấn.
Các câu hỏi thích hợp:
+ Ðiều gì làm cho một người thành công ở công ty này?
+ Xin hãy cho biết một số việc thường làm trong năm đầu tiên ở công ty.
+ Xin hãy cho biết văn hoá tổ chức và phong cách quản lý của công ty.
+ Những kế hoạch và định hướng phát triển trong tương lai của công ty như thế nào?
Hãy mang danh sách các câu hỏi đến buổi phỏng vấn. Hãy tập trung chú ý trong quá trình phỏng vấn vào bất kỳ lĩnh vực mở rộng nào mà bạn muốn tìm hiểu.
Thư cám ơn
Sau bất kỳ một cuộc phỏng vấn nào bạn cũng nên gửi một lá thư cảm ơn cho người đã phỏng vấn bạn. Cho dù kết quả phỏng vấn như thế nào, hãy gửi một lá thư cảm ơn hoặc thư điện tử ngay lập tức.
Thư cảm ơn nên trình bày ngắn gọn, chân tình biết ơn người phỏng vấn đã dành thời gian tiếp bạn và nếu có thể, nhắc lại sự quan tâm của bạn về lĩnh vực đó. Một lá thư cảm ơn có thể làm bạn khác hẳn những ứng viên khác, và làm cho nhà tuyển dụng có một cái nhìn sâu sắc hơn về khả năng và trình độ của bạn cũng như tăng cường quan hệ của bạn trên thị trường việc làm.
HRVietnam.
Xem thêm cơ hội tìm việc làm mới tại CareerViet :