Để được “sủng ái” nơi công sở
Lượt xem: 16,254
Có một tình huống thường thấy xuất hiện tại các công sở. Có hai nhân viên cùng độ tuổi, cùng bằng cấp, cùng trình độ vào cùng làm một công việc giống nhau. Nhưng sau nửa năm, một người nhận được sự đánh giá cao và được để bạt, còn người kia thì vẫn dậm chân tại chỗ mặc dù kết quả công vịệc của họ là như nhau. Vậy, nguyên nhân của vấn đề này nằm ở đâu? Bạn có muốn tìm hiểu vì sao lại có sự khác biệt như vậy không?
1. Không nên quá kiêu hãnh
“Mọi người sẽ không bao giờ ngó ngàng đến lòng tự trọng của bạn, điều mà họ quan tâm chính là thành tựu mà bạn đạt được. Do đó, trước khi có được những thành tựu thì bạn đừng nên quá chú trọng hay cường điệu lòng tự trọng của bản thân mình lên”. Bạn đã nghe câu nói này bao giờ chư? Nếu chưa thì bạn nên biết rằng: đây là câu nói của Bill Gate, chủ tập đoàn máy tính Microsoft- một trong những người giàu nhất thế giới, đây là lời khuyên của ông tới các bạn trẻ trước khi ông chính thức nghỉ hưu.
Nói như vậy phải chăng chúng ta không cần lòng tự trọng hay kiêu hãnh. Có chứ, nhưng cần đúng chỗ và đúng hoàn cảnh. Còn trong công việc, sự kiêu hãnh hay tự trọng thái quá sẽ chỉ đem lại bất lợi cho bạn mà thôi.
Vương Mai vừa nhận được tấm bằng tốt nghiệp đại học, cô được nhận vào làm việc tại một công ty viễn thông lớn nhất nhì thành phố nhờ có người chú là lãnh đạo khá lớn ở một tỉnh lân cận. Thanh Loan cũng được nhận vào làm việc tại công ty này cùng thời điểm với Mai. So về bằng cấp hay sự quen biết.. thì Loan còn thua kém Mai rất nhiều. Tuy nhiên, sau hai năm làm việc, người được trưởng phòng ưu ái đề xuất thăng chức laị là Thanh Loan. Mọi người cũng thắc mắc là tại sao Loan được ưu ái như thế vì cô không phải là ”con ông cháu cha”, nhưng nếu hỏi nhân viên cùng văn phòng thì ai cũng có một câu trả lời chung: “Vương Mai quá kiêu hãnh”.
Tốt nghiệp tại một trường đại học danh tiếng, người chú ruột lại là một quan chức lớn, nên Vương Mai nghĩ mình là số 1 tại phòng làm việc. Khi được cấp trên dặn dò hay chỉ đạo công việc, Mai đều lấy làm khó chịu, trong lúc đó Thanh Loan lại rất chú ý lắng nghe và ghi chép lại đầy đủ. Trưởng phòng cũng nhiều lần nhắc nhở Mai về thái độ làm việc, nhưng cô cũng chỉ dạ vâng cho qua, những lời khuyên bảo trong công việc của người khác cô không bao giờ chú tâm tới, Mai thường khinh khỉnh nói với Loan: “Làm việc thì cũng phải có chứng kiến, có sự kiêu hãnh của mình chứ”.
Vào dịp cuối năm, trưởng phòng yêu cầu Mai và Loan cùng lập một bảng biểu thống kê số liệu tiêu thụ sản phẩm của công ty. Nhận được công việc, Mai đã bắt tay vào làm với những số liệu được thực hiện trên Excel, bảng thống kê của cô được làm rất khoa học và thuận tiện cho người sử dụng. Không giống Mai, sau khi nhận được yêu cầu từ cấp trên, không dưới 5 lần, Loan nhờ sự giúp đỡ của trưởng phòng cho bản thống kê của mình- mặc dù cô có thừa kinh nghiệm và khả năng làm những việc như thế này. Dưới sự giúp đỡ tận tình của vị trưởng phòng, sản phẩm của Loan cũng được hoàn thiện trên Word. Tuy bảng thống kê này rất phức tạp và rối rắm nhưng sau khi nộp kết quả thì sản phẩm của Mai lại được phê rằng: “Tôi không hiểu cô đang làm cái gì”. Sau đó, thì lại đến lượt Loan lại nói với Mai: “Làm việc thì đừng có quá kiêu hãnh, khi cần thể hiện thì vẫn nên thể hiện, khi không cần thể hiện sự thông minh thì cần phải biết …ngốc đi một chút”.
Trong một buổi lễ kỷ niệm ngày thành lập công ty, giám đốc rất ân cần ra hỏi thăm những nhân viên mới: “Sau một thời gian làm việc, công ty đã lưu lại trong các bạn ấn tượng gì?” Thanh Loan vui vẻ trả lời: “Rất tốt ạ, tôi đã học được nhiều điều khi được làm việc tại đây”. Khi quay sang Vương Mai thì câu trả lời đã làm vị giám đốc phải nhíu mày: “Tôi thấy chế độ của công ty không ổn. Tháng trước tôi có đọc được bảng lương của những nhân viên trong phòng, cả tôi, Loan và chị Ngọc Hoa đều làm cùng một công việc giống nhau nhưng sao lương của Ngọc Hoa lại cao hơn chúng tôi? Thực ra nếu xét về học lực và bằng cấp thì chị Hoa còn kém tôi rất nhiều”. Sau cái nhíu mày của vị giám đốc là sự im lặng bao trùm, sau buổi tiệc Mai mới được biết mẹ Ngọc Hoa là khách hàng lớn nhất của công ty…
Sau ngày Thanh Loan được thăng chức, Vương Mai đã tìm gặp Thanh Loan đế nói chuyện. Loan chỉ nhìn Mai cười đáp: “Thực sự chị làm việc cũng rất tốt, nhưng lại quá kiêu hãnh. Khi mới chỉ làm nhân viên thì sự kiêu hãnh chỉ đem lại phiền toái, chị thấy đấy, không nhân viên cũ nào trong phòng ưa chị cả. Tôi cũng đã nghe nhiều chuyện thị phi từ công ty, nhưng vì là một nhân viên mới nên tôi vờ như chưa nghe thấy gì, cũng coi như không biết , chỉ cần làm tốt công việc của mình là được. Tôi lên chức cũng là do trưởng phòng yên tâm vì tính khí của tôi, một tinh thần ham học hỏi, biết lắng nghe nhưng không kiêu hãnh”.
2. Việc lớn hay nhỏ đều tích cực làm
Cũng là câu chuyện khi Thanh Loan chưa được đề bạt lên làm phó phòng, sự khác biệt lớn nhất giữa Loan và Mai chính là tính tích cực. Trước đây, khi những công việc vụn vặt như pha trà, quét nhà hay đánh công văn, tài liệu, Mai đều đùn đẩy sang cho Loan. Mai nghĩ: “Tuổi trẻ cần sự sáng tạo và năng động chứ không phải đi làm những công việc tẻ nhạt và vụ vặt như vậy”. Lâu dần, trưởng phòng cũng chỉ gọi Loan trợ giúp những công việc nhỏ cho mình. Ngày nào, Loan cũng bận tối mắt vì phải làm đủ thứ việc không tên, trong khi Mai thì rất nhàn hạ. Nhìn thấy Loan lúc nào cũng đi sau nghe lời căn dặn và sai bảo của trưởng phòng Mai đều cười khẩy: “Vui vẻ gì khi làm những việc vô bổ đấy”.
Dần dần, Mai cũng nhận ra rằng: Không bao giờ trưởng phòng gọi cô khi cần sự giúp đỡ, trưởng phòng cũng ít khi nói chuyện với cô mặc dù hai người cùng làm ở một nơi. Mai cũng nghe phong thanh một số nhân viên khác bàn ra tán vào là : Nếu chú cô không phải là một sếp lớn thì cô đã không còn ngồi ở vị trí này từ lâu. Lần đầu, khi nghe thấy vậy, Mai chỉ cười khẩy và cho rằng: “Đúng là những kẻ ghen ăn tức ở”, nhưng sau khi được chứng kiến thái độ lạnh nhạt của trưởng phòng dành cho mình thì cô lại nghĩ: Có thể họ đã nói đúng.
Công việc ở công ty dù lớn hay nhỏ thì bạn cũng nên tức cực làm với một tinh thần thực sự cầu thị. Đừng thấy quét nhà, pha trà là những việc làm nhỏ nhặt mà lại đùn đẩn cho người khác. Nhiều khi, chỉ cần qua một việc làm tuy nhỏ nhưng lại đánh giá được tinh thần làm việc của bạn như thế nào? Khi là một nhân viên mới thì sự tích cực này cần thực hiện một cách rõ ràng hơn nữa. Cấp trên sẽ không tin tưởng giao cho bạn những công việc quan trọng một khi những công việc đơn giản bạn cũng không nhiệt tình để làm.
3. Coi công sở như nhà của mình
Công sở là nơi làm việc, là nơi một ngày bạn sống ít nhất là 8 tiếng với những người không phải là người thân. Nếu muốn trở thành một người được đồng nghiệp và lãnh đạo quý mến thì không có gì khác ngoài việc bạn hãy coi công sở như ngôi nhà của mình.
Trong công ty ai cũng quý mến Phương Linh, đơn giản vì cô luôn coi những người trong công ty như anh chị em trong một gia đình. Ai có khó khăn, cần sự giúp đỡ thì Linh sẵn sàng giúp đỡ, ai cần sự động viên chia sẻ thì người đầu tiên họ tìm đến chính là Linh. Đôi lúc cô cũng tự hỏi: Vì sao mọi người lại yêu quý mình đến thế? Khi đưa câu hỏi này cho những nhân viên khác thì họ đều có cùng chung một đáp án: Linh là một người tuyệt vời.
Nhớ năm 2003, khi dịch SARS bắt đầu bùng nổ tại nhiều nơi trên thế giới thì mọi người cũng hạn chế nói chuyện và tiếp xúc với nhau hơn. Khi đó, bất kỳ nhân viên nào trong công ty cũng nêu cao tinh thần “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, họ ít khi nói chuyện với nhau, xa lánh nhau, nhiều người khi đó còn nói rằng: “Chúng tôi như những kẻ địch của nhau, đề phòng, nghi ngờ nhau vì dịch bệnh quá nguy hiểm này”. Năm ấy, trong công ty có một nhân viên nghỉ làm vì phải chăm con ốm, đứa bé chỉ bị sốt cao nhưng khi thông tin này loan ra thì mọi người bắt đầu lo lắng không hiểu nó có bị SARS hay không? Trong công ty, chỉ có mình Linh dám gọi điện cho nhân viên có con bị ốm kia, động viên cô và yêu cầu cô đến phòng y tế của công ty để nhận khẩu trang y tế và thuốc phòng tránh bệnh. Khi người nhân viên bước vào phòng làm việc, nhìn thấy cô ai cũng tránh xa hàng thước.. Rồi họ lập tức đeo khẩu,không dám lại gần nói chuyện.. họ coi cô như một người đang mắc bệnh truyền nhiễm. Lúc này, đến cả những nhân viên y tế trong công ty cũng đeo khẩu trang và găng tay khi tiếp xúc với người nữ nhân viên đáng thương này. Chỉ có một mình Phương Linh là tận tình hỏi thăm sức khỏe cháu bé và người nhà của nữ nhân viên đó. Cô tận tay đưa khẩu trang và thuốc cho người phụ nữ với những cái ôm cảm thông và lời động viên giữ gìn sức khỏe. Sau khi dịch bệnh qua đi, người nhân viên này trở lại làm việc với bó hoa và những giọt nước mắt cảm ơn đến gặp Phương Linh- mặc dù Linh chỉ là một đồng nghiệp bình thường chứ không phải là một vị bác sỹ tài giỏi đã chữa khỏi bệnh cho con trai cô.
Sau đó, Phương Linh nhận được rất nhiều tình cảm từ đồng nghiệp và cấp trên cho tấm lòng nhân ái của mình. Hỏi cô vì sao lại có đủ dũng cảm để tiếp xúc với người rất có khả năng nhiễm bệnh như vậy. Linh chỉ nói rằng: “Đừng cho đó là hành động gì quá cao cả, tôi chỉ coi đồng nghiệp như người thân của mình. Mà một khi người thân đau thì mình cũng đau, người thân vui thì mình cũng vui..”
Coi công sở như nhà và đồng nghiệp, cấp trên là người thân của mình không những chỉ đem lại lợi ích cho mỗi cá nhân bạn. Khi mọi người cùng có tư tưởng như vậy thì không khí phòng làm việc sẽ trở nên đầm ấm, thắm thiết như một gia đình thực thụ. Trong đó, mọi nhân viên sẽ giúp đỡ nhau, cùng phấn đấu làm việc vì sự phát triển của công ty nói chung và vì sự nghiệp của mỗi một cá nhân nói riêng. Bạn cứ thử nghĩ, nếu xung quanh chỉ toàn những đồng nghiệp ghen ghét, đố kỵ nhau, không khí làm việc lúc nào cũng lạnh lẽo thì liệu công việc của bạn sẽ có kết qủa tốt chăng ? Đương nhiên câu trả lời sẽ là không. Vậy thì cách tốt nhất để bạn luôn muốn làm việc và yêu quý công việc là hãy coi đồng nghiệp là người thân và công ty như ngôi nhà thứ hai của mình.