Để giao tiếp tốt với sếp
Lượt xem: 21,530Có lúc bạn cần có thêm những thông tin cho công việc đang tiến hành, cũng có lúc bạn đề nghị cải tiến hay yêu cầu nào đó cần được đáp ứng từ các sếp. Bất kể bạn muốn giao tiếp với sếp vì vấn đề gì, nên nhớ, điều quan trọng không chỉ là nội dung công việc mà bạn muốn trao đổi - cung cách giao tiếp của bạn là điều đầu tiên sẽ tác động đến sếp và làm cho việc trao đổi giữa bạn và sếp trở nên khó khăn hay thuận lợi.
Hiểu đúng típ người của sếp
Chắc chắn, nếu bạn trình bày ý kiến hay nhận định của mình một cách rắc rối, không đầu không đuôi, bạn đã tự đặt mình vào vị trí của người thiếu khả năng và chỉ muốn chứng tỏ cái tôi trong con mắt sếp. Với cung cách giao tiếp này, bạn chẳng mong gì những ý kiến của bạn sẽ được chú ý và chấp nhận một cách dễ dàng.
Bạn cần ghi nhớ, mỗi con người đều có những tính cách, sở thích và ưa chuộng riêng - sếp của bạn cũng vậy - họ có những thói quen riêng khi trao đổi công việc với người khác. Có người luôn chú trọng đến thông tin tổng quát trong khi có những người lại chỉ chú trọng đến các chi tiết công việc.
Có người sẽ chỉ ngồi yên lắng nghe bạn nói và ghi nhận, có người lại luôn đặt ra những câu hỏi để bạn buộc phải nói rõ hơn hay để lộ ra những gì còn thiếu sót trong công việc muốn trình bày. Bạn cần phải hiểu đúng sếp của mình thuộc típ người nào để có thể trao đổi thực sự hiệu quả với sếp. Tuy khác nhau nhưng có một điều mà hầu hết mọi người đều có điểm chung - đó là không ai muốn phải phí phạm thời gian vô ích. Bởi vậy, nếu bạn có điều quan trọng cần phải trình bày, trao đổi với sếp - hãy chuẩn bị kỹ và trao đổi với sếp thật đầy đủ và ngắn gọn.
Có một số điểm bạn cần chuẩn bị và sẵn sàng trước khi trình bày, trao đổi với sếp. Cụ thể, bạn cần:
- Phải biết rõ những gì bạn muốn từ sếp.
- Sẵn sàng mọi thông tin cần thiết khi sếp muốn hiểu rõ hơn về tổng thể cũng như chi tiết của việc bạn trình bày.
- Không ngại đặt ra câu hỏi cho sếp để có được thêm thông tin cần biết cho mình.
- Các lý do khiến bạn phải trao đổi với sếp.
Để trao đổi với sếp thật hiệu quả bạn cần:
- Bắt đầu bằng một tóm lược ngắn gọn các ý muốn trình bày chỉ trong một câu nói với đầy đủ các ý chính cần trao đổi.
- Giải thích các sự việc liên quan khiến bạn phải trình bày với sếp.
- Nói về các trường hợp tương tự đã xảy ra để minh chứng cho quan điểm của mình.
- Dự đoán các kết quả, lợi ích sẽ đạt được với những gì mình đã trình bày cũng như những thiệt hại hay tác hại nếu những gì bạn trình bày bị bỏ qua.
- Trong lúc trình bày, hãy gợi ý để sếp bày tỏ ý kiến.
Nếu bạn có một vấn đề hay một giải pháp thực sự quan trọng và cần thiết, việc bạn trình bày hầu như chắc chắn sẽ được thông qua hay ít nhất cũng được lắng nghe và quan tâm nếu bạn chuẩn bị và thực hành tốt các bước được nói đến ở trên. Nên ghi nhớ quy tắc ứng xử này với sếp - luôn luôn coi sếp như khách hàng!