Để hồ sơ xin việc hoàn hảo: Nên và không nên làm gì?
Lượt xem: 18,894Xem thêm cơ hội tìm việc làm mới tại CareerViet :
Không phải cứ nộp hồ sơ xin việc là được phỏng vấn, và cũng không phải ruột hồ sơ đầy ắp những bảng thành tích là bạn có thể hi vọng tìm kiếm được một công việc như mong muốn. Ngày nay, nhà tuyển dụng thường đánh giá kinh nghiệm và trình độ của bạn qua sự nổi trội và những điểm riêng biệt thể hiện ngay trong cách trình bày lõi hồ sơ xin việc của bạn. Vậy, những điểm gì nên và không nên đề cập trong hồ sơ?
NÊN trình bày hồ sơ theo thành tích công việc. Một hồ sơ được trình bày theo thành tích công việc sẽ nhấn mạnh được kinh nghiệm của ứng viên. Nó có thể được điều chỉnh theo công việc cụ thể mà bạn đang ứng tuyển bằng cách nhấn mạnh các phẩm chất hay thành tích cho thấy bạn phù hợp nhất với vị trí đó. Các chuyên gia khuyên bạn nên trình bày năng lực theo trình tự yêu cầu nêu trong bảng mô tả công việc. Thông thường, các nhiệm vụ quan trọng nhất của công việc xuất hiện ở phần đầu của bảng mô tả công việc, trong khi các nhiệm vụ ít quan trọng hơn xuất hiện bên dưới.
NÊN thêm các mục kỹ năng nghề nghiệp vào hồ sơ để nhấn mạnh các kinh nghiệm cụ thể và các phẩm chất đặc biệt của bạn và sự liên quan của chúng với yêu cầu công việc. Đây là một cách rất hữu hiệu để thu hút được sự chú ý của nhà tuyển dụng. Tùy thuộc vào loại công việc mà bạn đang ứng tuyển, các mục này có thể gồm: "quản lý bán hàng", "chăm sóc khách hàng", "quản lý khách hàng", hay "viết quảng cáo".
KHÔNG thổi phồng quá mức các năng lực của bạn chỉ để được gọi phỏng vấn. Không có gì tồi tệ hơn việc ngoa ngôn về kinh nghiệm để nói trong cuộc phỏng vấn. Nên thành thật về các kỹ năng và kinh nghiệm mà bạn có hơn là phải đối mặt với tình huống khó xử trong khi phỏng vấn.
NÊN viết một bức thư xin việc thuyết phục kèm theo hồ sơ của bạn. Các bức thư xin việc không nên dài quá một trang và phải thuyết phục được nhà tuyển dụng bạn có những phẩm chất đáng quý có thể đóng góp cho công ty họ. Nó cũng phải đề cập tới các yêu cầu công việc và kinh nghiệm mà bạn có sẽ đáp ứng được các yêu cầu này như thế nào. Nếu bạn có 4 trong số 5 hay 6 kỹ năng mà công ty đang tìm kiếm, thư của bạn cần nhấn mạnh tới các kỹ năng này và lờ đi các kỹ năng còn thiếu. Một bức thư xin việc tốt cho nhà tuyển dụng cho thấy bạn đã nghiên cứu kỹ về công ty và họ nên phỏng vấn bạn.
KHÔNG NÊN sử dụng lại một lá thư chuẩn. Thư xin việc là cơ hội đầu tiên để bạn gây ấn tượng tốt. Đừng để lỡ nó bằng cách sử dụng một thông điệp tẻ nhạt. Bạn hãy điều chỉnh thư xin việc theo từng công việc cụ thể. Các nhà tuyển dụng dễ dàng nhận ra ngay những lá thư giống nhau và cho chúng vào sọt rác.
NÊN tự hỏi: "Nếu mình là nhà tuyển dụng, tại sao mình phải chọn người này chứ không phải là các ứng viên khác?". Nghiền ngẫm câu trả lời khi bạn viết thư xin việc.
KHÔNG NÊN xem nhẹ các kỹ năng giao tiếp cá nhân. Khả năng làm việc tốt với người khác, có thái độ tích cực và có thể giữ các thông tin bí mật là những phẩm chất quan trọng mà nhà tuyển dụng nào cũng muốn có ở ứng viên. Bạn nên nhấn mạnh các yếu tố này trong cả thư xin việc và hồ sơ.
NÊN chứng tỏ bạn sẵn sàng và có thể học hỏi các kỹ năng mới. Nếu bạn thiếu một kỹ năng cần thiết, nhưng đáp ứng được các yêu cầu khác, hãy suy nghĩ tới việc đăng ký một khóa học theo chủ đề đó và đề cập tới khóa học đó trong thư xin việc. Nếu kinh nghiệm là thầy giáo tốt nhất dạy bạn một kỹ năng, hãy cho thấy bạn đã học các kỹ năng quan trọng khác qua công việc hiện tại như thế nào để chứng minh khả năng học hỏi trong công việc của bạn.
KHÔNG NÊN giới hạn các kinh nghiệm của bạn trong những công việc ăn lương. Có rất nhiều kỹ năng được hình thành qua các công việc tình nguyện, trường học, hay các hoạt động cộng đồng. Hãy nhớ cho nhà tuyển dụng biết về các kỹ năng cuộc sống này của bạn. Ví dụ, nếu việc tuyển dụng yêu cầu kỹ năng quản lý ngân sách, hãy cho họ biết bạn từng làm thủ quỹ ở trường trung học và nhờ vậy ban đã học hỏi những kinh nghiệm quý báu về cách quản lý các dự án khác nhau và làm báo cáo thu chi như thế nào. Cuối cùng, dù bạn làm thế nào cũng đừng quên luôn nhấn mạnh các điểm mạnh và tích cực.